Yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông đang đứng trước thách thức nghiêm trọng, khi PCA đầu tháng này bắt đầu tiến trình xét xử vụ kiện mà Philippines theo đuổi. Theo ông Carpio, thông qua tiến trình pháp lý này, Manila muốn khẳng định một điều cái gọi là “Đường 9 đoạn” chiếm hơn 85% diện tích Biển Đông mà Bắc Kinh đưa ra là trái với luật pháp quốc tế, nhất là chiếu theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Theo ông, chỉ nhìn qua cũng đã thấy không thể có chuyện một quốc gia ven biển như Trung Quốc lại được phép tuyên bố chủ quyền đối với vùng biển ngoài thềm lục địa 350 hải lý - vì điều này rõ là đi ngược lại quy định của UNCLOS.
Phó Chánh án Tòa án Tối cao Philippines Antonio Carpio. (Ảnh:Gemeifrei) |
Ông Carpio chia sẻ, Philippines đề nghị PCA ra phán quyết tuyên bố “Đường 9 đoạn” là vô hiệu dưới góc độ là một tuyên bố chủ quyền; các vùng biển nằm trong giới hạn “9 đoạn” này không thể vượt khỏi các quy chế, quy định về vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của các nước được luật pháp quốc tế thừa nhận.
Khi được hỏi lý do tại sao Trung Quốc không cùng Philippines tham dự phiên tòa, Phó Chánh án Carpio nói rằng Bắc Kinh làm vậy vì thừa hiểu rằng họ không thể biện minh về “Đường 9 đoạn” theo các nguyên tắc của UNCLOS. “Thật không thể tin được khi trong thời đại ngày nay, vẫn có nước đòi chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông”, ông Carpio nói.
Trước câu hỏi về khả năng PCA có đưa ra một phán quyết theo hướng Philippines mong đợi hay không, ông Carpio ngầm bình luận: Nếu tòa công nhận “Đường 9 đoạn” của Trung Quốc thì đồng nghĩa với việc UNCLOS không áp dụng đối với Biển Đông; một khi UNCLOS không ứng vào một khu vực giao thương huyết mạch như Biển Đông – đảm nhận giao thương 50% hàng hóa toàn cầu, sẽ xuất hiện nghi ngờ rất lớn về việc liệu UNCLOS có còn đảm đương được việc xử lý các tranh chấp tương tự tại các vùng biển và đại dương khác trên thế giới hay không và đó sẽ là khởi đầu cho sự chấm dứt của UNCLOS.
Đường 9 đoạn phi lý của Trung Quốc bao trọn hầu hết Biển Đông. |
Theo Phó Chánh án Philippines, Bắc Kinh luôn tuyên bố phớt lờ mọi quyết định của UNCLOS gây bất lợi cho họ. Vì thế, một khi PCA kết luận phủ nhận “Đường 9 đoạn”, Philippines không còn lựa chọn nào khác là tiếp tục khởi kiện Trung Quốc ra Tòa án công lý Quốc tế của LHQ (IJC) và các tòa án quốc tế khác.
Kết cục thì ai cũng thấy rõ: Thanh danh và uy tín của Trung Quốc sẽ bị sứt mẻ nghiêm trọng, bởi lẽ mức giá phải trả cho việc không tuân thủ những phát quyết mang tính bắt buộc sẽ lớn hơn nhiều so với phán quyết không mang tính ràng buộc (ví như trong trường hợp của PCA). Ông bày tỏ: “Tôi hy vọng rằng, sau cùng thì Trung Quốc cũng nhận ra và phải chấp nhận một thực tế, không một nước nào – kể cả là quốc gia có biển hay không có biển, đồng ý với yêu sách chủ quyền, quyền chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông”.
Đề cập tới quan điểm của ASEAN, ông Carpio nhìn nhận, mỗi nước thành viên ASEAN ở vào vị thế khác nhau liên quan đến tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc tại Biển Đông. Hiện tại, mới chỉ có riêng Philippines theo đuổi phương thức khởi kiện ra tòa quốc tế đối với yêu sách “Đường 9 đoạn”.
Tuy nhiên, việc Trung Quốc tiến hành xây “đảo nhân tạo” trái phép trên quy mô và cấp độ lớn đã làm nhiều nước trong khối lo ngại. Theo thời gian, quan điểm của các nước đối với Bắc Kinh có thể sẽ thay đổi. Một khi Philippines có được phán quyết từ PCA phản bác “Đường 9 đoạn”, không có lý do gì để các nước khác lại không khởi kiện Trung Quốc nếu Bắc Kinh vẫn khăng khăng đòi chủ quyền với 85% diện tích Biển Đông.
Kết thúc bài trả lời phỏng vấn, Chánh án Philippines khẳng định: “Thế giới phải thấy rằng, ‘Đường 9 đoạn’ của Trung Quốc không có bất kỳ căn cứ luật pháp quốc tế nào”.
Theo Dân Trí