Ngày 28/7, Hội đồng xác định tiêu chí bảo đảm chất lượng đầu vào tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy năm 2015 đã thống nhất ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào (còn gọi là điểm sàn) ĐH là 15 điểm, CĐ là 12 điểm đối với tất cả tổ hợp xét tuyển gồm 3 môn thi (không nhân hệ số môn chính).
Một ngưỡng chung cho 15 tổ hợp
Thứ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) cho hay trên cơ sở các chỉ tiêu tuyển sinh và kết quả thí sinh (TS) đạt được, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục đã tìm phương án, tính toán số lượng TS trên ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào để các em có thể xét tuyển được ở nhiều tổ hợp khác nhau. Nếu như mọi năm chỉ có 5 khối truyền thống thì năm nay, có khoảng 15 tổ hợp các trường sử dụng.
Thí sinh tìm hiểu thủ tục xét tuyển tại Trường ĐH Nguyễn Tất Thành sáng 29/7 Ảnh: TẤN THẠNH |
Với mức điểm này, theo ông Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, 531.182 TS có ít nhất một tổ hợp với tổng điểm bằng hoặc cao hơn 15 điểm. So với chỉ tiêu tuyển sinh ĐH, số TS này nhiều gấp 1,52 lần. Với mức ngưỡng tối thiểu này, còn khoảng 27% TS đăng ký dự thi để xét tuyển ĐH, CĐ không đạt ngưỡng để xét tuyển vào các trường ĐH. Ông Ga nói thêm mức điểm này được xây dựng trên cơ sở chất lượng nguồn tuyển, tức là mức điểm TS có thể học được ĐH. Thứ hai là dựa vào nguồn tuyển để bảo đảm các trường có đủ nguồn.
Hội đồng xác định ngưỡng bảo đảm chất lượng cũng đã tính đến cả điểm ưu tiên cũng như sự dịch chuyển theo các vùng miền, tránh những vùng dư TS và có những vùng thiếu, từ đó xác định hệ số dư dôi lớn. Trả lời thắc mắc về việc đưa ra một điểm sàn chung cho các tổ hợp khác nhau, ông Ga cho hay cục đã thống kê tất cả tổ hợp, số lượng TS đạt trên ngưỡng rất cao nên không cần lo lắng về nguồn tuyển.
“Bộ chọn ngưỡng là điểm trung gian của các tổ hợp, có tổ hợp 18, có tổ hợp 14, nếu chọn nhiều ngưỡng thì gây phức tạp không cần thiết. Thực tế, các trường sẽ lấy từ trên xuống nên ngưỡng là 15 nhưng điểm trúng tuyển phải 20, ngưỡng xét của trường có thể là 17” - ông Ga cho hay. Cũng theo ông Ga, khối A điểm bình quân lên tới 18, tổ hợp các môn xã hội có điểm khá thấp, chỉ từ 14-15.
Nhiều trường dự kiến điểm chuẩn cao
Chiều 28/7, ngay khi Bộ GD-ĐT công bố điểm sàn, nhiều trường ĐH đã công bố ngưỡng xét tuyển (điểm chuẩn) dự kiến. Thạc sĩ Trương Tiến Sĩ, Phó trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Ngân Hàng TP HCM, cho biết 3-4 năm nay, điểm chuẩn xét tuyển vào trường luôn chênh lệch với điểm sàn của Bộ GD-ĐT từ 5-6 điểm. Do vậy, mức điểm chuẩn dự kiến vào trường năm nay dao động ở mức 21-22 điểm.
Theo PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, điểm chuẩn dự kiến vào trường này khoảng 18 điểm cho học sinh phổ thông khu vực 3. Tất nhiên, điểm chuẩn vào từng ngành sẽ khác.
Tại Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, tiến sĩ Trần Đình Lý, Trưởng Phòng Đào tạo, cho biết điểm xét tuyển vào 30 ngành, 54 chuyên ngành của trường với 4 tổ hợp A, A1, B và D1 tối thiểu từ 17 điểm trở lên.
Đại diện Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM cho rằng trường xét tuyển TS có điểm thi đạt từ điểm sàn trở lên. Điểm chuẩn cụ thể tùy thuộc vào tình hình TS nộp hồ sơ xét tuyển vào trường.
Dự báo về điểm chuẩn xét tuyển vào các ngành của trường năm nay, thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Phó trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, dự báo khả năng nhiều ngành sẽ có điểm chuẩn từ 15 đến 18 điểm.
Ở Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, tiến sĩ Lê Chí Thông nhìn nhận điểm chuẩn vào trường chắc chắn sẽ tăng và dự kiến chênh lệch khoảng 2 điểm so với năm ngoái.
Tiến sĩ Nguyễn Kim Quang, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM, cho biết mức điểm chuẩn dự kiến ở trường khoảng 17 điểm đối với khối A và 18 điểm đối với khối B. Tiến sĩ Nguyễn Kim Quang khuyên TS nên dựa vào điểm của mình để chọn ngành, trường phù hợp chứ không nên chọn ngành, trường quá sức.
Năm nay, tổng chỉ tiêu tuyển sinh ĐH khoảng 400.000. Trong đó, khoảng 350.000 chỉ tiêu dành cho các trường sử dụng kết quả thi THPT quốc gia để xét tuyển và khoảng 50.000 chỉ tiêu dành cho các trường có phương án tuyển sinh riêng, xét tuyển bằng kết quả học tập ở THPT. Tổng số TS dự thi THPT quốc gia để lấy kết quả tuyển sinh ĐH, CĐ là 726.693.
Theo nhận định của ông Bùi Văn Ga, năm nay. phổ điểm phân bố đẹp nên không khó khăn trong việc xác định ngưỡng xét tuyển đầu vào. Các trường ĐH phải công bố ngưỡng nhận hồ sơ trước ngày nhận hồ sơ là 1-8. Ông Ga cũng nhấn mạnh các trường không nên sợ thiếu nguồn tuyển mà hạ thấp ngưỡng xuống sát điểm sàn gây khó khăn cho TS nộp hồ sơ, nhiều em nộp vào lại phải rút ra.
Chọn trường vừa tầm
Để TS có cơ hội trúng tuyển cao nhất, Thứ trưởng Bùi Văn Ga nhấn mạnh, TS cần chọn trường vừa tầm, không nên nộp trường quá sức, đồng thời phải tìm hiểu thông tin các trường, điểm chuẩn và sự thu hút TS của các năm trước. “Phải theo dõi thông tin thường xuyên quá trình xét tuyển nguyện vọng 1 để có thể rút hồ sơ nộp trường khác nếu không có nhiều cơ hội nhưng TS phải theo dõi thông tin để biết được vị trí của mình trong danh sách xét tuyển. Nếu thấy không có cơ hội mà để đến phút chót mới rút hồ sơ thì rất mạo hiểm” - ông Ga nói. Thứ trưởng này nói thêm đợt xét tuyển 2 số lượng ảo rất lớn vì TS có thể nộp cùng lúc nhiều trường, lúc này Bộ không thể khống chế được số lượng ảo. |
Theo NLĐ