Trung Quốc vẫn ồ ạt xây dựng trên bãi đá Subi và Chữ Thập của Việt Nam. (Ảnh: AP) |
Truyền thông Mỹ dẫn lời bà Amy Searight, Phó trợ lý phụ trách vấn đề Biển Đông và Hoa Đông của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ hôm qua tuyên bố: Mỹ hưởng ứng tích cực lời kêu gọi giải quyết tranh chấp trên Biển Đông một cách hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế từ phía EU.
Tuy nhiên, giữa các đồng minh phương Tây hiện còn sự khác biệt, bởi Mỹ đang có chủ trương mạnh mẽ hơn EU khi kêu gọi các bên dừng mọi hoạt động tại các khu vực tranh chấp ở Biển Đông. “Sẽ rất hữu ích nếu EU có thể tuyên bố ủng hộ các nguyên tắc này một cách rõ ràng hơn”, bà Amy nhấn mạnh trong khuôn khổ cuộc thảo luận về chính sách của Mỹ và EU ở Đông Á, tại Trung tâm CSIS ở Washington.
“Một cách tiếp cận rõ ràng và mạnh mẽ hơn sẽ có thể hỗ trợ nhiều hơn, như việc kêu gọi dừng mọi hoạt động xây dựng hay quân sự hóa… Điều đó rất hữu ích”, Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nói.
Ông Michael Fuchs, Phó trợ lý phụ trách vấn đề Đông Á của Ngoại trưởng Mỹ, cho rằng cần giảm thiểu nguy cơ của một cuộc xung đột trên Biển Đông, khu vực đang ngày càng nóng lên do các tranh chấp của Trung Quốc với các nước láng giềng.
“Cần phải lên tiếng khi chúng ta nhận thấy một vấn đề đáng quan ngại”, ông Fuchs nhấn mạnh.
Về phần EU, Đại sứ của liên minh này tại Washington phát biểu rằng EU và Mỹ có nhiều mục tiêu chung, nhưng các tuyên bố như vậy sẽ mang tính chủ quan.
“Đôi khi những ngôn từ mạnh mẽ phát huy tác dụng, nhưng đôi khi chúng lại phản tác dụng”, ông O’Sullivan nói đồng thời nhấn mạnh mối quan ngại của EU về an ninh tại Đông Á. Ông cũng cho biết EU đang tăng thêm một số hoạt động an ninh tại đây, nhưng nêu rõ rằng "có những giới hạn" cho các hoạt động này.
“Điều cuối cùng khu vực này cần đến mới là tàu chiến. Tôi không nghĩ EU sẽ đóng góp cho an ninh khu vực này theo cách thức như vậy”, ông O'Sullivan tuyên bố.
Nhật ủng hộ châu Á tăng năng lực hải quân
Trong khi đó, người đứng đầu Hải quân Nhật Bản, Đô đốc Tomohisa Takei phát biểu tại một hội thảo nghiên cứu vừa diễn ra đầu tuần này ở Washington rằng: Các nước châu Á cần tăng cường năng lực hải quân của mình, đồng thời đẩy mạnh phối hợp trong bối cảnh căng thẳng tại Biển Đông vẫn đang gia tăng.
Ông Takei cho rằng các nước châu Á cần xích lại gần với Mỹ hơn thông qua "một mối quan hệ liên minh chặt chẽ, bền vững như liên minh Mỹ - Nhật", hoặc cũng có thể có quan hệ hữu nghị, thân thiện với Washington.
Nhật Bản không phải là bên tranh chấp trên Biển Đông nhưng đất nước phụ thuộc vào nhập khẩu này có lợi ích khổng lồ trong việc giữ cho các tuyến đường biển tại vùng biển chiến lược luôn rộng mở. Tokyo, bên đang có tranh chấp với Trung Quốc trên biển Hoa Đông, cũng từng tuyên bố họ có thể giúp đỡ các nước trong khu vực tăng cường năng lực hải quân.
“Tôi tin rằng Nhật Bản sẽ đóng góp cả về người và của vào quá trình xây dựng năng lực quốc phòng cho khu vực”, ông Takei nhấn mạnh.
Nhật Bản hồi cuối năm ngoái đã dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu vũ khí quốc phòng. Từ đó đến nay, nước này đã thỏa thuận tăng cường mối quan hệ an ninh với nhiều quốc gia châu Á, trong đó có Philippines, Việt Nam, Malaysia và Indonesia, các nước đều có chung mối quan ngại với Trung Quốc dù ở mức độ khác nhau.
Trong một diễn biến mới nhất trên Biển Đông, hơn 100 chiến hạm của hải quân Trung Quốc cùng hàng chục chiến đấu cơ ngày 28/7 lại diễu võ giương oai trên Biển Đông, với những màn phóng tên lửa và bắn đạn pháo, khiến căng thẳng tại Biển Đông lại đe dọa tiếp tục leo thang.
Cuộc tập trận mới nhất tập trung vào phối kết hợp các hệ thống thông tin tác chiến của hải quân và không quân, cũng như kiểm tra mức độ hiệu quả trong chiến đấu của các vũ khí và thiết bị mới.
Cho đến nay, Trung Quốc vẫn ngang nhiên tuyên bố chủ quyền với hầu hết diện tích Biển Đông dù không thể đưa ra căn cứ pháp lý. Hải quân nước này cuối tuần trước còn ngang ngược cáo buộc các nước khác chiếm đóng “bất hợp pháp” các hòn đảo và bãi đá trên Biển Đông.
Theo DânTrí