Nhà báo Quốc Cường (áo đen) trong một buổi toạ đàm về cơ chế bảo vệ nhà báo tác nghiệp |
Ngày 30/7, thông tin cho hay, Văn phòng Cơ quan CSĐT (PC44) Công an tỉnh Ninh Bình đã có thông báo kết quả điều tra việc nhà báo Quốc Cường (Báo Dân trí) bị ông Nguyễn Tăng Cường, Giám đốc Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung (trụ sở ở Ninh Bình), sử dụng những lời lẽ lăng mạ, đe doạ.
Theo đó, Công an tỉnh Ninh Bình cho rằng sau khi sự việc xảy ra, ông Nguyễn Tăng Cường cũng không làm ảnh hưởng gì tới nhà báo Quốc Cường. Do vậy, không có căn cứ để xử lý pháp luật đối với ông Nguyễn Tăng Cường về tội “ Làm nhục người khác ” hay hành vi “Lăng mạ, đe doạ nhà báo khi đang hoạt động nghề nghiệp” mà đây chỉ là vấn đề cần điều chỉnh trong văn hoá ứng xử khi giao tiếp mà bản thân ông Nguyễn Tăng Cường đã xin rút kinh nghiệm.
Công an tỉnh Ninh Bình cũng đề nghị Ban biên tập Báo Dân trí tháo gỡ những tin bài đã đăng liên quan tới ông Nguyễn Tăng Cường. Tuy nhiên, thông báo này cũng cho rằng Nhà báo Phạm Quốc Cường là người có lỗi trước và lỗi này là nguyên nhân dẫn đến việc ông Cường có lời lẽ thiếu kiềm chế.
Liên quan tới việc này, ngày 19/7 vừa qua, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Ninh Bình đã ra Quyết định không khởi tố vụ án hình sự đối với vụ việc.
Phản ứng về kết luận của Công an tỉnh Ninh Bình, đại diện Báo Dân trí khẳng định: “Việc phóng viên Quốc Cường liên hệ trao đổi thông tin qua điện thoại và được ông Nguyễn Tăng Cường đồng ý trả lời là hợp pháp, đúng Luật Báo chí”.
Cơ quan điều tra Công an tỉnh Ninh Bình là cơ quan công an ở địa phương, không phải là cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, cũng không phải là tổ chức công dân bị báo thông tin sai sự thật để có quyền khiếu nại về nội dung báo đăng tải.
Cho rằng thông báo của Công an tỉnh Ninh Bình có dấu hiệu không khách quan, không đúng sự thật, trái Luật Báo chí nên Báo Dân trí đã gửi đơn Khiếu nại đề nghị Giám đốc Công an tỉnh Ninh Bình hủy bỏ toàn bộ văn bản thông báo nói trên. Nhà báo Phạm Quốc Cường cũng không đồng tình và cho biết sẽ tiếp tục khiếu nại với các cơ quan chức năng.
Trước đó, ngày 4/6, nhà báo Phạm Quốc Cường đã gửi Đơn kêu cứu khẩn cấp tới Hội nhà báo Việt Nam và các cơ quan báo chí, trình bày sự việc mình bị đe doạ qua điện thoại.
Trong đơn, phóng viên Phạm Quốc Cường nêu trong quá trình phỏng vấn qua điện thoại đã bị ông Nguyễn Tăng Cường đe doạ đánh gãy răng, mạt sát là “nhà báo giẻ rách”.
Cây cầu treo tại Bắc Kạn bị xuống cấp - ảnh Báo Nhân dân |
Sau khi tác nghiệp thực tế tại các cây cầu treo dân sinh trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, nhà báo Quốc Cường đã ghi nhận hiện trạng cây cầu treo dân sinh tại huyện Chợ Mới bị sạt lở gây ảnh hưởng đến sự đi lại, tham gia giao thông của người dân cũng như các phương tiện tham gia giao thông khi qua cây cầu.
Kết quả trả lời của cơ quan chức năng địa phương cho biết là thực tế chuyện sạt lở, bong tróc xi măng, nứt nẻ hai bên đầu cầu treo dân sinh Chợ Mới là có thật.
Sáng ngày 3/6, Nhà báo Phạm Quốc Cường đã liên lạc với ông Nguyễn Tăng Cường bằng điện thoại. “Quá trình nói chuyện với tôi, ông Nguyễn Tăng Cường đã liên tiếp xỉ vả, hạ nhục một người làm báo như tôi, chưa dừng lại ở đó, ông Cường còn đe doạ tát vào mặt tôi, đánh tôi gãy răng” - đơn viết.
Trao đổi với Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Tăng Cường thừa nhận có dùng những lời lẽ đó khi nói chuyện với phóng viên Cường. “Lúc đó tôi mới bị mổ nội soi, đang rất mệt. Khi trao đổi tôi đã không giữ được bình tĩnh nên có nói như vậy”- ông Cường giãi bày.
Được biết, cầu treo Chợ Mới do Tổng Cục đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư, Xí nghiệp cơ khí Quang Trung ở tỉnh Ninh Bình là nhà thầu thi công. Đây là cây cầu đầu tiên được khởi công trong 7 cầu treo dân sinh sẽ được xây dựng trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Sau khi hoàn thành sẽ giúp cho việc đi lại, thông thương của hàng ngàn người dân trong vùng được thuận lợi hơn, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương, đặc biệt là các em học sinh sẽ an toàn hơn trong mùa mưa lũ.
Theo NLĐ