“Quả núi nhân tạo” treo lơ lửng trên đầu hàng trăm hộ dân
Từ TP Hạ Long về Mông Dương (TP Cẩm Phả) ngày thường đi bằng ôtô chỉ mất 30 phút; nhưng nay con đường đã bị chia cắt tại Đeo Bụt do trận mưa lịch sử khiến chúng tôi phải di chuyển bằng đường vòng trên chiếc xe ôtô gầm cao với quãng thời gian hơn 1 tiếng đồng hồ.
Con đường dẫn chúng tôi vào công trường khai thác than ngày thường vốn đi lại đã khó khăn thì trong những ngày mưa lũ, do sạt lở, khiến chiếc xe ôtô chở chúng tôi thỉnh thoảng lại hụp xuống, lắc lư như xuồng cao tốc đi trên sóng biển."Quả núi nhân tạo" khổng lổ với hàng trăm triệu m3 đất đá bị sũng nước sau nhiều ngày mưa đang đe dọa cuộc sống của cả trăm hộ dân tại phường Mông Dương, (TP Cẩm Phả, Quảng Ninh). |
Trước mắt chúng tôi là “quả núi nhân tạo” khổng lồ cao hàng trăm mét được hình thành trong nhiều năm qua từ việc tập kết hàng trăm triệu m3 đất đá từ các công trường khai thác than tại Mông Dương. “Quả núi nhân tạo” ấy đã “ngậm” sũng nước trong những trận mưa lớn vừa qua và có thể đổ ụp xuống bất cứ lúc nào.
Và dưới chân “quả núi nhân tạo” là cuộc sống của hàng trăm hộ dân với vài trăm con người từ trẻ con đến người già tại các tổ dân phố 1, 2 khu 4, phường Mông Dương. Dưới chân núi ấy cũng là con đường quốc lộ 18 độc đạo đi ra TP Móng Cái.
Có nhiều ngôi nhà của dân đã bị bùn đất thải từ "quả núi nhân tạo" nhấn chìm. |
Nếu “quả núi nhân tạo” ấy đổ ụp xuống, con đập 790 bị vỡ theo thì hậu quả thật khôn lường. Ít nhất cả một vùng dân cư rộng lớn sẽ bị san phẳng, tuyến đường huyết mạch giao thông đi TP Móng Cái cũng sẽ bị chia cắt hoàn toàn.
Nỗ lực giải cứu “quả núi nhân tạo”
Hơn 15h chiều ngày 30/7, chúng tôi có mặt tại chân “quả núi nhân tạo” khổng lồ đã ũng nước trong mấy ngày mưa. Dưới chân “quả núi nhân tạo” khổng lồ là hàng chục công nhân, máy xúc, máy ủi, xe ôtô chuyên dụng tải trọng 50 tấn đang hối hả cho nỗ lực giải cứu con đập 790, để làm sao vừa tiêu thoát nước một cách khoa học, lại tránh thiệt hại về tài sản, tính mạng của người dân dưới chân núi.
Ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh (mặc áo mưa bạt, đội mũ cối), chỉ đạo tại hiện trường, nỗ lực giải cứu "quả núi nhân tạo". |
Ít nhất đã có vài nhà cao tầng dưới khe núi bị lũ bùn nhấn chìm đến hết tầng 1 và chỉ còn hở lên trên phần tầng 2. Toàn bộ người dân đã được di chuyển đến nơi an toàn.
Ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh có mặt tại hiện trường chỉ tay về 2 chiếc xe tải đang đỗ chình ình dưới chân quả núi khổng lồ cho biết: “Toàn bộ cửa mỏ 790 đã bị đất, đá thải vùi lấp hoàn toàn. Nếu nó đổ ụp xuống thì 2 chiếc xe tải ấy cũng biến mất luôn”.
Ông Hậu nhận định “nếu con đập 790 này bị vỡ thì rất nguy hiểm cho toàn bộ các khu dân cư sống quanh đó, bùn cùng nước sẽ tràn ra QL18, sẽ khiến giao thông trên con đường huyết mạch nối Hạ Long với Móng Cái bị tê liệt. Chưa kể lượng bùn khổng lồ này sẽ tràn cả sang các khu dân cư ngoài các khu đã di dời. Cũng theo ông Hậu, xác định đây là điểm xung yếu nên tỉnh đã phối hợp cùng TKV bằng mọi cách phải cứu con đập này”.
Những nỗ lực giải cứu con đập 790 và "quả núi nhân tạo". |
Cuộc sống của người dân dưới chân núi khổng lồ
Cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh đánh giá đây là khu vực trọng yếu có nguy cơ sạt lở cao. Và trên thực tế, chiều ngày 26 – 27/7, lượng nước lớn từ khu vực bãi thải Đông Cao Sơn và khu vực H10, phường Mông Dương dồn xuống hạ lưu tiêu thoát không kịp, kéo theo bùn cát, tràn vào tổ dân phố 1, 2 khu 4 phường Mông Dương, gây ngập lụt nghiêm trọng cho 94 hộ dân với 350 nhân khẩu.
Người dân tại chân "núi nhân tạo" được sơ tán gấp đến trạm Y tế phường Mông Dương để lánh nạn. |
Lực lượng chức năng đã di dời toàn bộ người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm. Chiều ngày 30/7, chúng tôi trở lại khu dân cư này, toàn bộ hàng trăm hộ gia đình nhà cấp 4 đến nhà cao tầng đều cửa khóa im ỉm. Tất cả hàng trăm người dân từ già đến trẻ thơ đã phải di dời đến nhà Văn hóa và Trạm Y tế phường Mông Dương để lánh nạn.
Tại Trạm y tế phường Mông Dương, ngôi nhà 3 tầng đã trật kín người dân. Hàng trăm thùng mì tôm, bình nước lọc, và cả đống quần áo cũ... được các nhà hảo tâm và chính quyền địa phương hỗ trợ lo cho cuộc sống của nhân dân.
Cháu bé ngơ ngác trước nguy cơ bị mất nhà đã phải theo mẹ đến nơi an toàn tránh sạt lở đất. |
Tất cả người dân đều khẳng định về mặt vật chất sinh hoạt thì không thể được như ngày thường nhưng không có một người dân nào bị đói hoặc bị thiếu quần áo mặc.
Hàng ngày người dân vẫn được ăn cơm hộp từ các tiệm cơm mang đến. Bà H. một hộ dân tại tổ dân phố số 2 khẳng định, “từ hôm 27/7, gia đình tôi phải sơ tán đến Trạm y tế phường, chưa có hôm nào tôi bị đói hay bị thiếu nước uống. Chỉ cách có một đoạn đường thôi mà sao nhớ nhà thế”.
Hai mẹ con buồn ngơ ngác khi phải rời nhà đi lánh nạn |
Có lẽ, do nguy cơ sạt lở đất đe dọa mất nhà mất cửa, quá lo lắng nên rất ít người dân muốn trả lời phỏng vấn chúng tôi.
Tất cả họ đều lặng lẽ, lo lắng, thẫn thờ, ánh mắt hướng về phía “quả núi nhân tạo” khổng lồ, cầu trời đừng mưa nữa, "quả núi nhân tạo" hàng trăm triệu m3 đất đá ấy đừng sập xuống để người dân đỡ khổ!
Theo DânTrí