Thời gian qua, hóa đơn tiền điện của một số hộ gia đình tăng cao bất thường, gấp 2-3 lần, thậm chí tới 8 lần so với tháng trước mà nguyên nhân được chỉ ra là do cách tính giá điện bậc thang, lũy tiến, dùng nhiều phải trả nhiều của ngành điện.
Trước tình trạng này, Bộ Công Thương đã yêu cầu Cục Điều tiết điện lực điều chỉnh biểu giá điện theo hướng giảm số bậc thang lũy tiến trong biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt cho người dân.
Biểu giá điện bậc thang lũy tiến 6 bậc khiến hóa đơn tiền điện của người dân tăng đột biến. |
Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng đã đề nghị Cục Điều tiết Điện lực nên nghiên cứu, xem lại biểu giá và giảm số bậc thang lũy tiến từ 6 xuống còn 3 bậc và hướng tới chỉ còn 1 bậc.
Trả lời trên báo chí mới đây, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương) cũng cho biết Cục đang nghiên cứu, tập hợp số liệu để xem tác động của biểu giá điện sinh hoạt mới với bậc thang rút gọn từ đó tính toán, đưa ra đề xuất để Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng, việc giảm bậc thang là cần thiết nhưng cần phải thu hẹp khoảng cách về giá điện.
Trao đổi với PV, TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện quản lý giá (Bộ Tài Chính) cho biết, cách tính biểu giá điện 6 bậc là không phù hợp, khiến người tiêu dùng phải trả tiền điện cao gấp đôi, gấp 3 so với bình thường.
So với giá điện bình quân (1.622 đồng), hiện tại nếu sử dụng từ 101- 200kWh phải trả 2.242 đồng/, tăng 10% ; từ 201- 300kWh tăng gần 30%, bậc cao nhất là từ 401kWh trở lên, cao hơn mức giá điện bình quân 1.000 đồng, tương đương với 60%.
Nhưng để biết người tiêu dùng có được hưởng lợi từ việc hạ biểu giá điện xuống còn 3 bậc hay không theo TS. Long còn phải xem áp hệ số như thế nào.
“Rút xuống thế nào phải tính toán cụ thể. Nếu rút xuống 3 bậc nhưng hệ số 1,8 thì cũng chẳng khác gì giết con người ta”, TS. Ngô Trí Long nhấn mạnh.
“Nếu biểu giá điện rút xuống còn 3 bậc sẽ có nhiều kịch bản được đưa ra, cũng có thể sẽ chia làm 3 bậc như bậc 1 dưới 50kWh, bậc 2 từ 50- 400kWh, bậc 3 từ 400kWh trở lên. Song điều quan trọng là giá điện được tính thế nào. Cái này phải tính toán thật cụ thể để có những điều chỉnh phù hợp, lúc đó người tiêu dùng mới hy vọng được hưởng lợi”, TS Long nói thêm.
Còn TS. Lê Đăng Doanh- Nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, ngay sau khi có phản ánh của người dân về hóa đơn tiền điện quá cao, Bộ Công thương đã có đề xuất điều chỉnh, xem xét lại lũy tiến, đây là điều đáng hoan nghênh.
Theo TS. Doanh, hiện 6 bậc giá đang áp dụng có nhiều nhược điểm, bất hợp lý, không phản ảnh đúng với nhu cầu của người dân. Chẳng hạn lấy bậc 1 là dưới 50Kwh. Liệu 50 kWh thì người dân có thể sử dụng được vào việc gì, hay chỉ có nhu cầu bật quạt và đèn? Cho nên cần phải xem xét lại nhu cầu sử dụng tối thiểu của người dân là bao nhiêu để đưa ra lũy tiến phù hợp.
Nói về việc liệu rút bớt bậc thang, giá điện có giảm? TS. Lê Đăng Doanh cho rằng chưa thể bình luận được về việc này vì chưa biết mức độ lũy tiến sau khi điều chỉnh thế nào?
“Tín hiệu muốn điều chỉnh là tốt nhưng đừng hoan nghênh vội. Cần phải xem điều chỉnh này sẽ có lợi cho EVN hay là người dân”, TS. Doanh nói.
Theo Infonet