Không đổi mới là “chết”!

Thứ hai, 05/10/2015, 08:53
Rất nhiều doanh nghiệp vẫn đang loay hoay với bài toán phải đổi mới công nghệ để nâng cao năng suất hay là chịu thất bại trước cơn lốc cạnh tranh ngày càng khốc liệt

Kinh nghiệm từ nhiều nước cho thấy các hiệp định thương mại tự do (FTA) tạo ra môi trường kinh doanh và cơ hội phát triển kinh tế. Có nắm bắt được cơ hội đó hay không phụ thuộc vào nội lực và quyết định của việc đổi mới công nghệ, nâng cao trình độ quản lý, nguồn lực lao động của cộng đồng doanh nghiệp (DN).

Lạc hậu

Theo ông Lương Văn Tự, nguyên trưởng đoàn đàm phán Việt Nam gia nhập WTO, muốn tận dụng được lợi thế thuế suất giảm khi xuất khẩu dệt may, da giày vào Mỹ và EU, các DN phải tăng đầu tư nguyên liệu như trồng bông, kéo sợi, dệt vải, phụ liệu... mới nâng giá trị đạt yêu cầu quy tắc xuất xứ. Nếu không, những ưu đãi đó sẽ rơi vào túi các nước sản xuất nguyên liệu, còn DN Việt chỉ được hưởng tiền gia công.

Có điều đến thời điểm này, khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) chỉ còn vài tháng nữa chính thức hình thành, các FTA với Hàn Quốc, Liên minh Kinh tế Á - Âu, với EU... đang hoặc sắp kết thúc đàm phán nhưng không ít DN vẫn loay hoay với bài toán đổi mới công nghệ để nâng cao năng suất.

Hiện có 50%-86% doanh nghiệp cao su - nhựa sử dụng công nghệ bán tự độngẢnh: Tấn Thạnh
Hiện có 50%-86% doanh nghiệp cao su - nhựa sử dụng công nghệ bán tự động Ảnh: Tấn Thạnh

Kết quả khảo sát của Cục Thống kê TP HCM vừa công bố cho thấy khoảng 30% DN trong lĩnh vực dệt may, da giày đang gặp khó khăn về mặt bằng khi muốn mở rộng quy mô sản xuất. Trong khi đó, giá thuê mặt bằng ở các KCN còn cao, chưa có các KCN dành riêng cho DN công nghiệp hỗ trợ để có thể thực hiện một cách thuận lợi những ưu đãi về giá thuê đất cho DN nhỏ và vừa.

Nhiều DN cho biết đang gặp khó khăn khi tiếp cận các chính sách bảo lãnh tín dụng, hỗ trợ lãi vay trong đầu tư đổi mới công nghệ, mở rộng phát triển sản xuất bởi phần lớn là DN nhỏ và vừa, ít tài sản thế chấp, không đáp ứng đủ điều kiện vay vốn.

Theo Cục Thống kê TP HCM, hiện có đến 70%-80% DN da giày sử dụng thiết bị thủ công trong các công đoạn chính, trên 60% DN cơ khí sử dụng công nghệ thủ công và bán tự động, 50%-86% DN cao su - nhựa sử dụng công nghệ bán tự động, chỉ 10% DN điện tử - công nghệ thông tin có thiết bị tự động... Cộng đồng DN trong nước chưa đáp ứng được yêu cầu của các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có công nghệ cao về chất lượng, tính đồng bộ...

Loay hoay bài toán đổi mới công nghệ

Vì sao tình trạng sử dụng công nghệ lạc hậu đã được báo động từ nhiều năm nay nhưng DN vẫn sử dụng công nghệ thủ công, lạc hậu? Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP HCM, cho biết dệt may là một trong những ngành thâm dụng lao động nhiều nhất, không ít DN đang phải tính bài toán đầu tư công nghệ, thay đổi cách quản lý để có giá thành cạnh tranh nhất. Thực tế, không hẳn do công nhân ngành may làm năng suất thấp mà vấn đề nằm ở cách thức quản lý.

Hiện một số DN dệt may đang thử nghiệm phương thức quản lý theo hướng tinh gọn bộ máy, thay đổi cách quản trị đồng bộ để tiết giảm chi phí ở những khâu không cần thiết. Riêng về đầu tư máy móc, công nghệ, ông Hồng cho rằng ngành dệt may có cái khó là nếu đầu tư thiết bị quá hiện đại, chi phí sẽ rất cao mà lại không phù hợp. Việt Nam vốn có lợi thế về chi phí nhân công nên DN đầu tư máy móc ở mức vừa phải để có hiệu quả kinh doanh tốt nhất.

Trong khi đó, lãnh đạo một DN trong lĩnh vực cơ khí tại TP HCM cho rằng muốn đổi mới máy móc, công nghệ thì phải có tiền nhưng đặc thù ngành cơ khí vòng quay vốn rất chậm nên khó thu hồi. Một sản phẩm máy cơ khí hiện đại, nhập từ nước ngoài về phải tốn từ 3 tỉ đồng trở lên, DN vay vốn ngân hàng để đầu tư nhưng phải đóng 10% thuế GTGT dù là đầu tư tài sản cố định.

Sau đó, dù khoản đầu tư này được khấu hao nhưng thực tế DN vẫn phải trả lãi vay ngân hàng cho cả khoản thuế này, gánh nặng tài chính không nhỏ. “Chỉ những DN nào có tiềm lực, đầu ra sản phẩm ổn định hoặc thật sự đam mê nghề cơ khí mới trụ lại được nên ngành cơ khí đến giờ vẫn cứ ì ạch” - vị lãnh đạo này nói.

Giúp doanh nghiệp đổi mới công nghệ

TP HCM đang giao Sở Khoa học - Công nghệ chủ trì cùng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các sở, ngành thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm của TP. Vì là quỹ đầu tư mạo hiểm (có thể không thu hồi được vốn) nên không thể lấy tiền ngân sách. Ban soạn thảo đang lập đề án theo hướng nhà nước có tham dự về thuế, cơ chế chính sách, một số quy định về hoạt động pháp lý và góp vốn nhưng phần lớn sẽ do tư nhân đóng góp.

Cũng nhằm mục tiêu hỗ trợ DN đổi mới công nghệ, TP HCM đã có cơ chế thí điểm cho 4 đơn vị công nghệ cao của TP thuê chuyên gia nước ngoài, Việt kiều làm việc với mức lương trần 150 triệu đồng/tháng.

Trích lợi nhuận để đầu tư

Theo TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương, các DN rất khó khăn trong huy động vốn nhưng lại “bỏ quên” một khoản từ lợi nhuận giữ lại. Khoản lợi nhuận có được hằng năm, DN nên trích một phần để tái đầu tư đổi mới máy móc công nghệ thay vì chỉ thích “chia hết” như hiện nay. Trong thực tế, đã có những DN dùng lợi nhuận để mua máy móc, thiết bị sản xuất nên đã tìm được lối đi riêng.

Theo NLĐ

Các tin cũ hơn