TPP có hiệu lực trong 18-24 tháng tới'

Thứ sáu, 09/10/2015, 16:11
Trong buổi họp báo diễn ra chiều nay, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, Việt Nam được dành nhiều điều khoản có lợi và linh hoạt nhất khi tham gia TPP.

Chiều 9/10, Bộ Công Thương tổ chức họp báo cung cấp thông tin về kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Chủ trì là Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh - Trưởng đoàn đàm phán TPP của Việt Nam.

Ông Trần Quốc Khánh: "Việt Nam được dành nhiều điều khoản linh hoạt"

Ngành chăn nuôi có 10 năm chuẩn bị

Sau khi thông tin về hiệp định, ông Trần Quốc Khánh trả lời những câu hỏi đầu tiên của PV.

"TPP thực sự tác động đến Việt Nam trong thời gian bao lâu?", ông Khánh nói: "Sau quá trình phê duyệt kéo dài 18 đến 24 tháng, hiệp định TPP bắt đầu có hiệu lực.

Tác động sẽ có độ lớn theo lộ trình, thời gian. Ngành chăn nuôi sẽ có nhiều khó khăn. Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên chúng ta hội nhập.

Chúng ta đã từng tham gia ASEAN, WTO… ngành nông nghiệp đã có nhiều cạnh tranh. Ngành chăn nuôi đã có những quan tâm của Chính phủ.

Việt Nam chưa bao giờ xóa bỏ thuế nhập khẩu. Chúng tôi xin khẳng định, ngành chăn nuôi sẽ có ít nhất 10 năm trước khi thuế về 0%.

Kinh nghiệm của các nước, Bộ Nông nghiệp chắc cũng có các nghiên cứu. Sau này, Bộ sẽ công bố cho các nước. Nhìn chung, dù tác động là có nhưng không quá lớn như người nông dân lo lắng".

"Tăng trưởng nhờ TPP sẽ đồng đều và lan toả"

Lợi ích của hội nhập sẽ đồng đều, lan toả

Trong câu hỏi tiếp theo của PV: "Hội nhập làm chúng ta mạnh lên, tăng sức cạnh tranh nhưng có quan điểm cho rằng nếu không cẩn thận người nghèo sẽ càng nghèo, chỉ có lợi cho người giàu. Quan điểm của ông?", Trưởng đoàn đàm phán TPP chia sẻ:

"Trong quá trình phát triển, khoảng cách giàu nghèo sẽ dãn ra nhưng Nhà nước luôn có công cụ điều tiết và liên quan đến việc điều hành hơn là  tác động của TPP. Chúng tôi xin đảm bảo sự tăng trưởng sẽ đồng đều, lan tỏa, không để khoảng cách giàu nghèo gia tăng".

"Đến giờ này, tôi khẳng định kết quả đàm phán là công bằng".

Việt Nam là quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất

Trước đó, trong phần thông báo về hiệp định, ông Khánh cho biết, về mặt kinh tế, theo tính toán của những chuyên gia độc lập, trong điều kiện các yếu tố khác đều thuận lợi, TPP có thể giúp GDP Việt Nam tăng 23,5 tỷ USD vào năm 2020 và 33,5 tỷ USD vào năm 2025.

Riêng xuất khẩu tăng thêm 68 tỷ USD vào năm 2026. Theo đó, Việt Nam có thể là quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất trong số 12 nước tham gia TPP.

Về xuất khẩu dệt may, theo báo cáo của Thứ trưởng Khánh: 1 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu hàng năm tăng thêm sẽ tạo ra khoảng 250.000 việc làm. Nếu quy mô xuất khẩu đủ lớn, Việt Nam sẽ có điều kiện thu hút đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực như dệt, nhuộm và sản xuất nguyên phụ liệu. Báo cáo cho rằng, ngoài dệt may, giày dép, nông, lâm, thủy sản đều có cơ hội tăng xuất khẩu rất lớn.

Các doanh nghiệp của Việt Nam cũng có điều kiện tham gia vào thị trường mua sắm công của Hoa Kỳ, Nhật Bản, Canada... Theo số liệu của Hoa Kỳ, chỉ tính riêng mua sắm công, các loại hàng hóa, vật dụng văn phòng thông thường của các cơ quan chính quyền liên bang hàng năm là khoảng 10-12 tỷ USD. Đây là một kênh tiêu thụ hấp dẫn đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Ngoài các tác động về kinh tế, TPP cũng có tác động mạnh mẽ tới đời sống xã hội.

"Do nhập khẩu từ Mỹ và các nước TPP chưa có FTA với Việt Nam phần lớn là không cạnh tranh trực tiếp, nên nếu có lộ trình giảm thuế hợp lý, kết hợp với hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội, ta có thể xử lý được các vấn đề xã hội nảy sinh do tham gia TPP".

Riêng về thể chế, báo cáo trên nhận định, TPP với các tiêu chuẩn cao về minh bạch và hành xử khách quan của bộ máy Nhà nước sẽ giúp Việt Nam tiếp tục hoàn thiện mô hình Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí...

Về vấn đề minh bạch hoá, ông Khánh cho biết, doanh nghiệp Nhà nước không thể có hành vi phản cạnh tranh. Bên cạnh đó, Nhà nước không trợ cấp quá mức để gây ảnh hưởng lớn đến lợi ích các nước trong TPP.

Trưởng đoàn đàm phán cũng cho biết, Việt Nam được dành nhiều điều khoản có lợi và linh hoạt nhất khi tham gia TPP. "Đến giờ này, tôi khẳng định kết quả đàm phán là công bằng", ông Khánh nói.

Sức ép của ôtô trong nước không lớn

Tuy nhiên, ông Khánh cũng cho rằng, những cơ hội luôn đi kèm với thách thức. Về kinh tế, theo ông Trần Quốc Khánh, là một số mặt hàng Việt Nam chịu sức ép khi thuế được đưa về 0% như thịt gà, lợn. Đây là những mặt hàng Việt Nam sản xuất được nhưng sức cạnh tranh còn yếu.

Giấy, thép, ôtô cũng có thể gặp khó khăn với TPP. Tuy nhiên, ông Khánh cho biết, có cơ sở cho rằng sức ép cạnh tranh không lớn. Do sản phẩm của Việt Nam hướng đến phân khúc trung bình trong khi sản phẩm các nước hướng đến thị trường cao cấp.

Sản xuất ôtô trong nước chịu sức ép cạnh tranh không lớn

"Để thực thi cam kết trong TPP, sẽ phải điều chỉnh, sửa đổi một số quy định pháp luật về thương mại, đầu tư, đấu thầu, sở hữu trí tuệ, lao động, môi trường...

Tuy nhiên, như kinh nghiệm gia nhập WTO đã chỉ ra, với sự chuẩn bị nghiêm túc và nỗ lực cao độ, ta có thể thực hiện thành công khối lượng công việc này, nhất là khi được quyền thực hiện theo lộ trình", Trưởng đoàn đàm phán TPP cho hay.

Các bước tiếp theo sau khi đàm phán thành công của các nước tham gia TPP cũng được lên kế hoạch bài bản. Cụ thể, các nước sẽ rà soát pháp lý để đảm bảo lời văn, các biểu cam kết thể hiện đúng kết quả đàm phán.

Sau đó là việc công bố rộng rãi nội dung hiệp định, hoàn thành nửa đầu tháng 10/2015, dành thời gian để đại biểu, người dân nghiên cứu.

"Việc ký kết hiệp định sẽ diễn ra sau bước này. Thời gian thực hiện quy trình thông qua hiệp định sẽ mất khoảng 18 tháng đến 2 năm", ông Khánh nói.

Là hiệp định quan trong nhất từ năm 1994, TPP được xem là hiệp định thế kỷ khi nó tạo nên những tiêu chuẩn mới cho thương mại toàn cầu. TPP cho phép tiếp cận các thị trường một cách toàn diện, với việc cắt giảm hàng rào thuế quan và phi thuế quan, thúc đẩy mở cửa thị trường trong nước, tăng tính cạnh tranh, tăng vai trò doanh nghiệp Nhà nước, bảo đảm các nền kinh tế ở mọi cấp độ đều được hưởng lợi.

Ngày 5/10, hiệp định này được Việt Nam và 11 thành viên sáng lập đàm phán thành công sau hơn 10 năm chuẩn bị. Là quốc gia có nền kinh tế kém phát triển nhất trong TPP, Việt Nam được đặt kỳ vọng sẽ tăng được GDP ở mức 11% trong 10 năm nhờ những tác động tích cực của hiệp định.

Với TPP, Việt Nam có thể hưởng lợi sớm trong những ngành nước ta vốn có thế mạnh, như dệt may, giày da, thủy sản... Ngược lại, các ngành đang được bảo hộ lớn như công nghiệp ôtô, mía đường, chăn nuôi có thể chịu tác động mạnh mẽ.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Công thương, trưởng đoàn đàm phán Trần Quốc Khánh khẳng định "lúc này đàm phán chưa được công bố nên chăn nuôi Việt Nam có ít nhất 10 năm để chuẩn bị trước khi thuế được hạ về 0%".

Việc chuẩn bị của Việt Nam trước, trong và sau TPP có mang lại thành công thực sự cho nền kinh tế hay không, theo nhiều chuyên gia, phụ thuộc vào tốc độ cải cách hành chính, pháp lý của Việt Nam. "Thành công hay không trong công cuộc hội nhập mới này phụ thuộc trước hết vào cải cách nhanh và triệt để của chúng ta, chứ không phải vào tốc độ của các đàm phán và ký kết đó", chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định.

Theo Zing.

Các tin cũ hơn