Cô giáo kiên quyết không xóa hình xăm dù bị học sinh phản ánh lên nhà trường

Thứ năm, 08/10/2015, 08:41
Bị học trò phản ánh lên nhà trường đòi cô phải xóa hình xăm ở bàn chân, cô Vinh kiên quyết không xóa bỏ hình xăm, đồng thời gửi đến học trò bức tâm thư rất bản lĩnh. Cô Vinh là giáo viên ngoại ngữ đã từng đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp tỉnh.

Mới đây, những dòng chia sẻ của một cô giáo khi bị học sinh phản ánh lên Ban giám hiệu và bắt xóa hình xăm đã gây xôn xao cộng đồng mạng. Theo status đăng tải, vì hình xăm mang tính phong thủy ở chân, cô giáo bị học sinh phản ánh lên Ban giám hiệu, có người còn đề nghị cô phải xóa hình xăm. Rơi vào tình huống khó xử, cô giáo đã viết tâm thư gửi đến học sinh.

Bức tâm thư ngắn gọn, súc tích được cô gửi gắm đến em học sinh đã tố với ban giám hiệu về việc cô sở hữu một hình xăm ở bàn chân. Kèm theo đó là bức ảnh selfie của cô giáo cá tính.
Nội dung tâm thư của cô giáo xăm trổ bị học sinh tố lên Ban giám hiệu như sau:
Thân gửi em học sinh đã phản ánh về hình xăm của tôi với Ban giám hiệu!
Cô rất lấy làm tiếc không thể biết em là ai vì chỉ nghe được thông tin một chiều từ lãnh đạo. Cô chỉ muốn chia sẻ với em vài điều:
Thứ nhất: Cô đã chọn cho mình một hình xăm ý nghĩa mang tính phong thủy và liên quan đến đời tư của cô, không liên quan đến bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào.
Thứ hai: Cô đã lựa chọn địa chỉ uy tín của tatoo Việt Nam để đảm bảo mỹ thuật.
Thứ ba: Hình xăm của cô không ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục hay hình ảnh của trường, không liên quan đến việc em hài lòng hay không hài lòng.
Vì thế vui lòng mỉm cười khi chúng ta gặp nhau ở nơi trường lớp và nhìn vào mắt nhau để biết cuộc sống này còn nhiều yêu thương, chứ đừng soi xuống bàn chân của cô để thấy phiền lòng chỉ vì cái hình xăm.
Còn việc ai đó nói rằng, tôi phải xóa hình xăm đó đi thì xin lỗi chị nhé! Người có quyền nói câu đó chỉ duy nhất là cha tôi thôi.
Ngay sau khi được chia sẻ, bức “tâm thư” của cô giáo đã thu hút gần hàng nghìn lượt thích, hàng trăm lượt chia sẻ và bình luận.
Cách giải thích rành mạch và rất có phong cách, K.V nhận được sự đồng cảm và ngưỡng mộ từ nhiều người. Nhiều cư dân mạng, trong đó có những em học sinh cũng đồng loạt lên tiếng ủng hộ cô giáo và cho rằng việc xăm mình không đánh giá nhân cách và năng lực của một người.
"Giờ mà vẫn còn định kiến với hình xăm thì không thể hiểu được. Giáo viên cũng là con người, có sở thích như những người khác. Ai bảo xăm hình là xấu?", một người dùng mạng bình luận.
Trong khi đó, thành viên H.N cũng chia sẻ: “Cô chủ nhiệm em cũng xăm hình ở eo, có gì đâu mà phải sợ chứ”.
"Cô giáo chất lừ và rất cá tính", một thành viên khác cũng bày tỏ ngưỡng mộ tính cách cũng như cách hành xử của cô giáo.
Được biết, cô giáo "xăm mình" có cái tên cũng vô cùng đặc biệt là Nguyễn Nữ Kiều Vinh, là giáo viên dạy tiếng Anh tại một trường cấp 3 tại Việt Trì, Phú Thọ.
Chia sẻ với chúng tôi về suy nghĩ của mình sau sự việc trên cũng như quan điểm cho rằng các em học sinh có thể bắt chước xăm mình giống cô giáo, tạo nên tiền lệ không hay, cô cho biết: "Từ hôm status của cô được công khai, không thấy ai có ý kiến nữa, chỉ có bạn bè học sinh hỏi thăm động viên cô. Còn việc học sinh bắt chước hay không cô không ngại. Hình xăm theo mình cả đời, đâu phải cứ hứng lên là xăm được".
Cũng theo cô, ở nước ngoài, tatoo là nghệ thuật và tự do lựa chọn. Thợ xăm ở Việt Nam không được tôn trọng như ở nước ngoài, đó cũng là một trong những lý do những người yêu thích xăm mình vẫn còn gặp nhiều trở ngại.
Cô giáo Vinh ngoài đời cũng mang phong cách rất cá tính - (Ảnh: NVCC)
Được biết, chính việc dạy ngoại ngữ, từng đi du học nước ngoài (ở Nga), vi vu nhiều nước nên tư tưởng cô có phần thoáng hơn nhiều người. Cô Vinh đã là giáo viên dạy ngoại ngữ tại trường hơn 23 năm qua, cô từng đạt giải Giáo viên giỏi cấp tỉnh, danh hiệu lao động tiên tiến và được nhiều học sinh trong trường yêu quý, ngưỡng mộ.
Tiết lộ về hình xăm đặc biệt của mình, cô cho biết chính bố cô là người đã dạy cô về tục xăm mình của người Việt cổ. Hơn nữa, ông còn là người ảnh hưởng lớn đến cô, là một nhà giáo ưu tú, mẫu mực của tỉnh Phú Thọ, cô luôn tự hào về ông, về những điều tâm huyết mà ông đã định hướng cho cô trong nghề giáo.
Bố cô là người đã dạy cô về tục xăm mình của người Việt cổ - (Ảnh: NVCC)

Định kiến xã hội về chuyện xăm mình không còn là một điều quá lạ lẫm. Nhưng chuyện một cô giáo thể hiện thái độ bản lĩnh, cứng rắn trước những định kiến đó thì lại khiến nhiều người đồng cảm và ủng hộ. Bên cạnh đó, lời văn mực thước nhưng không kém phần đanh thép trong bức “tâm thư” của cô Vinh gửi người học trò cũng đã gây ấn tượng rất mạnh.
Theo Tri Thức Trẻ

Các tin cũ hơn