Lao động Việt Nam ở Algeria kêu cứu vì bị đánh đập

Thứ tư, 07/10/2015, 11:46
Lao động Việt phản ánh bị chủ người Trung Quốc cho công nhân đánh đập, dọa cắt cơm nếu không đi làm.

Ngày 5/10, từ Algeria, anh Đào Ngọc Cường (quê Lý Nhân, Hà Nam) đang làm công nhân xây dựng phản ánh với VnExpress việc công nhân Việt Nam bị chủ sử dụng lao động đánh đập, bỏ đói nhiều ngày.

Anh Cường sang Algeria vào ngày 19/7/2015, làm công nhân xây dựng theo hợp đồng xuất khẩu lao động. Bên đưa đi là Công ty cổ phần SIMCO Sông Đà (trụ sở tại phường Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội). Chủ sử dụng lao động là Công ty TNHH xây dựng công trình Đông Nhất Giang Tô (Trung Quốc) có trụ sở tại Algeria.

Ông Đậu Hoàng Anh (ảnh trái) và chân anh Đào Ngọc Cường (ảnh phải) bị đánh bầm dập. Ảnh: Công nhân cung cấp.

Hợp đồng có thời hạn 2 năm, gồm các điều khoản như: chủ sử dụng bố trí công việc cố định, mỗi ngày làm 8 tiếng, mỗi tháng nghỉ 4 ngày với mức lương là 550 USD. Người lao động được yêu cầu làm thêm 2 giờ/ngày, mỗi tháng nghỉ 2 ngày, tổng cộng mức lương là 650 USD. Công ty SIMCO Sông Đà đưa 55 lao động đi, chia làm hai đợt vào 26/6 và 19/7/2015, làm việc tại thành phố Khenchela.

Các công nhân cho biết, khi sang đến nơi được hơn một tháng, chủ sử dụng đã vi phạm hợp đồng, yêu cầu họ phải làm khoán, đủ định mức với việc trát 21 m2 tường/ngày, ốp lát là 14 m2/ngày thì mới được hưởng mức lương là 650 USD. Công nhân phản ánh với ông Đậu Hoàng Anh, đại diện SIMCO Sông Đà tại Algeria để có ý kiến với chủ sử dụng.

Ngày 15/9, công nhân xin nghỉ theo quy định để chờ xem chủ giải quyết và phản hồi về công ty ở Việt Nam. Ngày 16/9, công ty TNHH Đông Nhất Giang Tô có giấy triệu tập ông Đậu Hoàng Anh lên tổng công ty làm việc nhưng công nhân sợ thắc mắc chưa được giải quyết nên đề nghị ông Hoàng Anh không đi.

Khoảng 20h tối 16/9 (2h sáng 17/9 giờ Việt Nam), ông Đậu Hoàng Anh cùng một công nhân tên Phước đi tắm. Một lúc sau Phước chạy về kêu cứu. Các công nhân chạy tới nơi thì thấy một nhóm công nhân Trung Quốc đang vây đánh ông Đậu Hoàng Anh.

"Phó giám đốc công trường cầm tuýp sắt hô hào công nhân đánh anh Hoàng Anh gục tại chỗ. Chúng tôi thấy thế hoảng sợ chạy vào phòng, đóng chặt cửa chính cố thủ, nhóm công nhân Trung Quốc vây quanh, đập nát cửa sổ", anh Cường kể. Sau đó, phía chủ yêu cầu ngày 17/9 các công nhân tiếp tục đi làm nếu không sẽ đánh tiếp. Sáng 17/9, anh Cường và một số công nhân khác đã bị đánh.

Chủ sử dụng lao động tách 55 công nhân thành 2 nhóm, một nhóm ở lại Khenchela, còn anh Cường và một số công nhân khác được đưa tới thị trấn El Attaf, thuộc tỉnh Ain Defla (cách thủ đô Algiers hơn 100 km) tiếp tục làm việc. Tại đây, các công nhân không bị đánh nhưng bị bỏ đói liên tục 3 ngày, bị cắt điện, điều kiện ăn ở kém, tinh thần căng thẳng và tiếp tục bị yêu cầu ra công trường làm việc.

"Chúng tôi đã cầu cứu phía Đại sứ quán Việt Nam và đang chờ giải quyết. Giờ tính mạng không được đảm bảo, chúng tôi quá mệt mỏi nên mong muốn được về nước càng sớm càng tốt. Mấy ngày nay, chúng tôi vẫn phải đi làm, không đi là bị cắt cơm", anh Cường cho biết. Điều các công nhân lo lắng là chỉ còn một tuần nữa, visa 90 ngày của họ sẽ hết hạn.

Các công nhân cho biết, những ngày này họ thường bị bỏ đói, phải húp cháo cầm hơi. Ảnh: Công nhân cung cấp.

Trả lời VnExpress, ông Đỗ Văn Hải, Phó giám đốc Trung tâm xuất khẩu lao động số 3, thuộc Công ty cổ phần SIMCO Sông Đà, thừa nhận đúng là công nhân Việt Nam bị đánh.

Lý giải nguyên nhân, đại diện công ty cho biết,công nhân phản ánh chủ sử dụng vi phạm hợp đồng khi yêu cầu họ làm khoán và trả lương không đúng như mức khoán. "Nhưng phía công ty nhận được thông tin từ chủ sử dụng nói rằng lao động Việt Nam không làm việc, hoặc làm chỉ mang tính chất đối phó. Họ đã cảnh báo nhưng tình trạng trên vẫn tiếp diễn", ông Hải nói.

Phía công ty Đông Nhất Giang Tô yêu cầu công nhân không làm công nhật nữa mà chuyển sang hình thức khoán với định mức 1,92 USD/m2, chủ yếu trát tường. "Anh em đi làm rất hăng, năng suất lao động tăng. Chủ cho rằng công nhật thì không làm, khoán thì làm cao hơn nên họ điều chỉnh xuống mức thấp hơn và công nhân phải tự nấu ăn. Định mức khoán không rõ ràng giữa chủ và thợ khiến hai bên mâu thuẫn", ông Hải giải thích và thông tin đã chỉ đạo đại diện công nhân không được nhận mức khoán, phải làm công nhật theo đúng hợp đồng.

Ngày 24/9, công ty đã cử đại diện sang Algeria giải quyết vụ việc. Phía Việt Nam đã có văn bản yêu cầu Công ty Đông Nhất Giang Tô đưa ra lý do vì sao đánh đập công nhân Việt Nam. "Họ mới thừa nhận là đánh công nhân chứ chưa có văn bản trả lời chính thức cho chúng tôi biết", ông Hải nói và cho biết đã báo cáo sự việc lên Đại sứ quán Việt Nam tại Algeria.

Về việc lao động bị bỏ đói, đại diện SIMCO Sông Đà cho hay, tối 2/10 nhận được thông tincông nhân ở Khenchela bị cắt cơm một ngày. Sau khi người của công ty lên tiếng thì các công nhân được ăn cơm trở lại. "Còn nhóm công nhân ởAin Deflacó bị cắt cơm hay không thì chúng tôi sẽ cho xác minh. Nếu đúng như công nhân phản ánh bị cắt cơm thì chúng tôi sẽ ứng tiền mua cơm cho anh em và yêu cầu chủ sử dụng không được phép làm vậy", ông Hải nói.

Trả lời việc lao động lo lắng khi visa 90 ngày của họ sắp hết hạn, ông Hải giải thích visa cấp 3 tháng là visa lao động. Trong vòng 3 tháng từ khi công nhân sang, chủ sử dụng sẽ có trách nhiệm làmgiấy phép lưu trú cho người lao động, khi đó các công nhân Việt Nam mới được coi là cư trú hợp pháp. Nhưng việcxác định chủ sử dụng lao động đã làm giấy phép cư trú cho các công nhân hay chưa thì công ty chưa nắm được thông tin.

Vị này khẳng định công ty sẽ giải quyết cho những lao động muốn về nước trước ngày 30/11, đồng thời cam kết với gia đình lao động sẽ giải quyết xong các tồn tại. Trong thời gian xác minh sự việc, công ty đảm bảo không xảy ra việc đánh đập từ chủ hay người lao động bị bỏ đói. Nếu chủ sử dụng cắt cơm thì đại diện công ty ở Algeria sẽ cung cấp cho người lao động thức ăn đủ để đảm bảo sức khỏe.

"Đây là lần đầu tiên chúng tôi hợp tác lao động với Công ty TNHH Đông Nhất Giang Tô nhưng không ngờ lại xảy ra sự việc đáng tiếc. Chúng tôi mong sự việc sớm được giải quyết, kể cả trong trường hợp đền bù. Nhưng phải chờ xác minh mức độ đúng sai của hai bên như thế nào để giải quyết", ông Hải nói.

Người nhà công nhân đến yêu cầu công ty giải quyết sự việc. Ảnh: Phương Hòa.

Cũng trong ngày 5/10, hàng chục người thân của các công lao động trên từ khắp các địa phương Hà Nội, Hưng Yên, Phú Thọ, Nghệ An, Hà Tĩnh cùng tụ tập tại trụ sở công ty SIMCO Sông Đà yêu cầu giải quyết. 48 thân nhân của lao động cùng ký vào biên bản làm việc yêu cầu công ty sớm đưa người thân của họ về nước.

Đôi mắt sưng húp, tiều tụy vì lo lắng cho chồng, chị Cao Thị Duyên (vợ anh Đào Ngọc Cường) cho biết từ hôm xảy ra sự việc, chị ăn ngủ không yên. Để có số tiền đưa anh Cường và em trai tên Cao Văn Nhân sang Algeria làm việc, gia đình chị Duyên phải cắm sổ đỏ, nộp chi phí hơn 47 triệu/người với ước mơ đổi đời, cải thiện cuộc sống. Anh Cường đi từ tháng 19/7, chị mới nhận được hơn 2 triệu đồng tiền lương tháng 7 của anh vào tài khoản.

"Giờ tôi chỉ mong cho chồng và em trai sớm được về nước ngày nào hay ngày ấy để anh ấy được đi bệnh viện chữa chị. Tôi không cần đổi đời nữa, vợ chồng rau cháu nuôi nhau, miễn là anh ấy trở về", chị nghẹn ngào nói.

Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã có văn bản yêu cầu Công ty Cổ phần SIMCO Sông Đà làm việc với chủ sử dụng lao động để xác minh thông tin người lao động Việt Nam bị đánh, bị bỏ đói, bị vi phạm hợp đồng lao động; yêu cầu chủ sử dụng bồi thường, chữa trị cho những lao động bị đánh đạp để đảm bảo quyền và lợi ích cho người lao động.

Theo VnExpress

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích