Tổng chủ biên lý giải về bản dịch thơ Nam quốc sơn hà

Thứ tư, 11/11/2015, 21:09
Giáo sư Nguyễn Khắc Phi cho biết, hội đồng thẩm định đã cân nhắc kỹ khi đưa bản dịch thơ của Lê Thước - Nam Trân vào sách giáo khoa.

Trao đổi với VnExpress, giáo sư Nguyễn Khắc Phi, Tổng chủ biên sách giáo khoa Ngữ văn 7, Tập 1 cho biết, hội đồng biên soạn đã cân nhắc, qua vài vòng thẩm định mới đưa bản dịch thơ bài Nam quốc sơn hà của Lê Thước - Nam Trân vào. Nói bản dịch mới là không đúng vì ra mắt đã gần 40 năm và có mặt trong sách giáo khoa 14 năm.

"Cho đến giờ, không có bản dịch nào toàn bích. Trong sách giáo khoa, ngoài bản của Lê Thước - Nam Trân, chúng tôi còn đưa thêm hai bản. Một bản dịch trên nguyên bản bức sơn mài trong Viện Bảo tàng Lịch sử, một bản của dịch giả Ngô Linh Ngọc để học sinh có sự tham khảo, so sánh. Chia ra bản chính và bản đọc thêm, nhưng vai trò thì không khác nhau. Trong giảng dạy, giáo viên có thể linh động để tùy chọn", giáo sư nói.

tong-chu-bien-ly-giai-ve-ban-dich-tho-nam-quoc-son-ha

Bản dịch thơ của Lê Thước - Nam Trân nằm trong phần học chính, trang 62 của Ngữ văn 7, Tập 1. Ảnh: H. P.

Giáo sư Phi phân tích, bản dịch phổ biến mà nhiều người quen lâu nay đọc êm tai, làm cho nhiều người muốn giữ. Nhưng êm tai không phải là tiêu chuẩn của bản dịch thơ. Tín, đạt, nhã là ba yếu tố quan trọng trong dịch thuật. Nhất là tín, nghĩa là phải giữ lại tinh thần nguyên bản của bài thơ.

Trong bản chữ Hán bài thơ Nam quốc sơn hà có một chữ rất "gay cấn" mà người xưa gọi là nhãn tự, làm cho người dịch phải cực kỳ cân nhắc, đó là chữ định phận. Định phận ở đây là phân định ranh giới, là địa phận quốc gia. Nếu dùng theo bản dịch phổ biến thì rất dễ hiểu nhầm thành số phận đã định. Như vậy thì không hay. Bản dịch của Lê Thước - Nam Trân dịch là "Vằng vặc sách trời chia xứ sở" là hoàn toàn phù hợp với định phận trong bản chữ Hán.

Ngoài ra, trong nguyên tác còn có chữ Đế mà nhiều dịch giả chuyển thành Vua (Vương) thì không hay. Bản dịch của Lê Thước - Nam Trân trong sách giáo khoa cũng để là vua Nam nên hội đồng biên soạn đã thêm bản của Ngô Linh Ngọc vào ở phần đọc thêm. Bản dịch của Ngô Linh Ngọc giữ lại được chữ Đế trong câu đầu tiên Đất nước Đại Nam, Nam đế ngự.

"Giữ được chữ Đế là khẳng định nước ta có chủ quyền, là một nước độc lập, sánh ngang hàng với những nước khác. Thành thử, lâu nay những bản dịch chữ Đế thành Vua (vương) đều chưa chuẩn", giáo sư nói.

Theo giáo sư, nhiều người băn khoăn bản dịch của Lê Thước - Nam Trân toàn vần trắc, khiến khó nghe, khó đọc. Xưa nay, nhiều người học quen với sự êm ái của vần bằng, nhưng những nhà dịch thuật dùng vần trắc cũng phải có lý do.

"Trong dịch thơ, dịch ra vần bằng bao giờ cũng dễ hơn ra vần trắc. Hai cụ Lê Thước - Nam Trân là những dịch giả văn học rất giỏi, dùng toàn vần trắc khi dịch hẳn phải suy nghĩ, cân nhắc rất nhiều. Bởi vì khi nào cần đến sự quyết tâm, sự đấu tranh thì nên dùng vần trắc, biểu đạt tình cảm hiệu quả hơn, phù hợp hơn. Điều này cũng phù hợp với lịch sử được cho là hoàn cảnh ra đời bài thơ. Tài cao, phận thấp, chí khí uất của Tản Đà nếu không dùng vần trắc thì sao diễn tả hết được sự uất ức trong lòng đây?", giáo sư lý giải.

Ông cũng thông tin thêm, bản dịch của Lê Thước - Nam Trân in trong Thơ văn Lý - Trần (Trang 322, Tập 1, xuất bản năm 1977) thì câu đầu tiên là Núi sông Nam Việt vua Nam ở. Khi đưa vào trong sách giáo khoa được hội đồng biên soạn nhất trí sửa thành Sông núi nước Nam vua Nam ở, bởi "nước ta chưa bao giờ có quốc hiệu Nam Việt".

"Nguyên tắc biên soạn sách giáo khoa ở nước ta cũng như nước ngoài, cho phép người biên soạn có quyền sửa chữa cho phù hợp nội dung. Vì có sự sửa chữa nên mới có một chữ Theo dưới phần nguồn gốc bản dịch thơ là Theo Lê Thước - Nam Trân dịch trong Thơ văn Lý Trần, Tập 1, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội 1977. Điều này được cả hội đồng biên soạn thông qua", ông nói.

Trước ý kiến nên dùng bản dịch thơ phổ biến, giáo sư cho rằng "Nếu dùng bản cũ phổ biến, phải sửa lại từ định phận và chữ vua thành chữ đế thì mới tốt. Điều này thuộc về nguyên tắc".

Có hơn 30 dị bản Nam quốc sơn hà

tong-chu-bien-ly-giai-ve-ban-dich-tho-nam-quoc-son-ha-1

Tiến sĩ Phạm Văn Tuấn, Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

Tiến sĩ Phạm Văn Tuấn, Viện Nghiên cứu Hán Nôm cho biết, phần chữ Hán của bài thơ Nam quốc sơn hà cũng có hơn 30 dị bản. Các dị bản trên xuất hiện trong Đại Việt sử ký toàn thư, Lĩnh Nam chích quái, Việt Điện u linh, nhiều thần tích... Bản phổ biến nhất hiện nay là bản trong Đại Việt sử ký toàn thư.

Theo anh Tuấn, bản dịch của Lê Thước - Nam Trân vẫn là một bản dịch tốt, sát với nguyên tác. Hai cụ đều là những nhà Hán học, biên khảo có tiếng của Việt Nam trong thế kỷ 20. Đến nay chưa có bản dịch nào được cho là bản chuẩn của bài thơ này. Nhưng bản dịch cũ mọi người nhớ thuộc trước kia phổ thông hơn, âm vận thuận hơn, nên người học dễ thẩm thấu hơn.

"Trong giảng dạy, có thể lấy một bản chính và một số tiêu bản để học sinh có thể đối chiếu, có cách nhìn nhận sinh động hơn về bài thơ. Không nên áp đặt mà nên có những cách học gợi mở cho các em. Trong sách giáo khoa có 3 bản dịch thơ để so sánh với nhau, điều này rất nên làm. Sách giáo khoa không nên thay đổi liên tục nhưng nếu có bổ sung tốt hơn thì vẫn nên đưa vào", anh nói.

Về phần sách giáo khoa trích dẫn câu đầu tiên khác với nguyên bản dịch thơ của Lê Thước - Nam Trân trong cuốn Thơ văn Lý Trần, tiến sĩ Tuấn cho rằng, nếu như dẫn lại và bổ sung thì hội đồng biên soạn nên dùng từ Dựa vào bản Thơ văn Lý Trần... và có chỉnh sửa hoặc ghi rõ Chỉnh sửa theo bản...

Trong giới nghiên cứu văn bản Hán Nôm xưa nay, nếu trích dẫn như trong sách giáo khoa Theo Lê Thước - Nam Trân dịch trong Thơ văn Lý - Trần, Tập 1, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội 1977, mặc định là đã trích dẫn nguyên bản của phần dịch ấy. "Nhóm làm sách đã làm sai, làm không đúng thao tác", anh nói.

Lê Thước (1891-1975) là nhà giáo dục, nhà biên khảo Việt Nam ở thế kỷ 20. Ông là thành viên Hội đồng cố vấn Học chính sau Cách mạng tháng Tám 1945.

Nam Trân (1907-1967) là nhà thơ, học giả, từng làm quan lại dưới thời Nguyễn rồi đến với cách mạng. Năm 1959, Nam Trân về công tác tại Viện Văn học, phụ trách Tiểu ban dịch tập thơ chữ Hán Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bản dịch thơ Nam quốc sơn hà trong sách Ngữ văn 7, Tập 1 do hai học giả dịch, được in trong cuốn Thơ văn Lý Trần, tập 1, xuất bản năm 1977.

Theo VNE

Các tin cũ hơn