ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) nêu quan điểm cần quy định nguyên tắc cơ bản của dịch vụ công là phải chi bằng tiền thuế, nhất là dịch vụ công mà toàn dân đều sử dụng; còn phí, lệ phí là trả cho một bộ phận nào đó có nhu cầu sử dụng dịch vụ. Ngoài ra, cũng cần bảo đảm nguyên tắc các khoản thu phí, lệ phí phải hợp lý, không thể trở thành một loại thuế thu nhập cá nhân trá hình, làm giảm thu nhập hợp pháp của người dân.
“Dân đã đóng các loại thuế, trong đó có thuế thu nhập, thì phải bảo đảm không phải móc thêm tiền túi cho các dịch vụ công nữa; không phải bù đắp cho tệ nạn tham nhũng, lãng phí, kém hiệu quả trong quản lý nhà nước. Hiện sử dụng thuế đầu tư rất yếu kém, tăng chi phí rất nhiều, dẫn đến không đủ tiền rồi sau đó lại huy động các loại phí khác nhau, cuối cùng dân phải đóng thêm” - ông Nghĩa nói.
ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) cũng chỉ ra thực tế là mặc dù quy định nhà nước của dân, do dân, vì dân nhưng khi thiết lập bất cứ quan hệ nào với nhà nước, người dân cũng phải nộp phí, lệ phí. “Cần tách dịch vụ công, hành chính công thành những loại hình khác nhau. Dịch vụ nào là hành chính thuần công thì không nên thu phí, lệ phí vì chính quyền phải có nghĩa vụ và trách nhiệm phục vụ dân. Dân đã đóng thuế để nuôi bộ máy hành chính mà đến xin giấy tờ, xin con dấu, chữ ký… cũng phải đóng tiền là không phù hợp. Những dịch vụ công ích thì đóng phí là thích hợp” - ông Tám nêu ý kiến.
Về quy định “cứng” thành nguyên tắc chung là phí, lệ phí bù đắp chi phí cho các dịch vụ, nhiều ĐB như ông Trương Trọng Nghĩa, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM)… đều cho rằng có những loại dịch vụ nhà nước chỉ thu một phần, còn lại nhà nước tự bù lỗ chứ không thu toàn bộ chi phí. Do đó, quy định như trên là không cần thiết. Để thể hiện tính chất phục vụ nhân dân trong nền hành chính công, các ĐB cho rằng nên sửa lại là mức phí, lệ phí tối đa không vượt chi phí hợp lý.
Đặc biệt, vấn đề minh bạch trong chi phí của các dịch vụ cũng được các ĐB băn khoăn. Theo ĐB Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội), quy định cơ quan thu phí, lệ phí được giữ lại một phần để trang trải chi phí là chưa đáp ứng tính minh bạch, công khai; chưa phù hợp với quy định của hiến pháp.
“Để lại một phần thì khoản này không nằm trong dự toán, tức là ngoài ngân sách nhà nước, còn phần nộp vào ngân sách thì không bảo đảm phản ánh đúng số thu phí. Điều này cũng sẽ nảy sinh cơ chế xin cho, nhất là khi việc xác định chi phí cần thiết để hành thu là chưa thực sự rõ ràng. Cần quy định toàn bộ khoản thu phải nộp 100% vào ngân sách, khoản chi phí hành thu được tính vào dự toán chi của các đơn vị” - bà Hường kiến nghị.
Đại Biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình): Phản đối thu phí ở trạm Lương Sơn là chính đáng! Việc người dân ở thị trấn Lương Sơn (huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình) đổ ra đường phản đối trạm thu phí là chính đáng. Trước nhà mình có một cái trạm thu phí chình ình, hằng ngày mỗi lần đi ra đi vào lại phải nộp tiền thì không ai chấp nhận được. Chẳng hạn, một công chức hằng ngày đi qua trạm thu phí đến 4 lượt, mỗi lượt 25.000 đồng thì mỗi tháng mất đến 3 triệu đồng! Chưa kể người dân thăm nom bạn bè, đưa đón con đi học hay taxi đón khách hằng ngày qua lại trạm liên tục… Tuy nhiên, có một số người dân phản ứng quá khích thì cần phải xử lý. Người dân nói với chúng tôi rằng họ không đòi đi miễn phí nhưng phải có mức phí hợp lý. Họ đề nghị phải giảm mức phí còn 20%-30% thì sẽ chấp nhận song đơn vị quản lý trạm BOT vẫn chưa làm được mà phải chờ ý kiến của các bộ, ngành. Ph.Nhung ghi |