Quy hoạch hệ thống giao thông khu vực TP.HCM - Nguồn: Sở GTVT TP.HCM |
Đô thị vệ tinh hay đối trọng?
Theo quy hoạch, vùng TP.HCM gồm toàn bộ ranh giới hành chính TP.HCM và bảy tỉnh xung quanh là Bình Dương, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Tiền Giang, Tây Ninh và Đồng Nai. Trong đó, TP.HCM là đô thị hạt nhân còn các đô thị vệ tinh độc lập, vệ tinh phụ thuộc nằm ở các tỉnh còn lại.
Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Minh Hòa, thực tế phát triển các đô thị trong vùng TP.HCM thời gian qua dường như đã đi ngược lại quan điểm quy hoạch. Thực tế các đô thị như Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Bà Rịa, Tân An… hiện nay không phải là các đô thị vệ tinh của TP.HCM mà đang dần trở thành những cực tăng trưởng độc lập, đối trọng với TP.HCM.
Trong khoảng 10 năm trở lại đây, vốn đầu tư nước ngoài “đổ vào” Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu… tăng nhanh và cao hơn TP.HCM. Tốc độ đô thị hóa và tăng trưởng của khu vực này tăng nhanh trong khi TP.HCM có dấu hiệu chựng lại, bão hòa. Hiện, các lợi thế so sánh như giá thuê đất, lao động tay nghề cao, cơ sở dịch vụ chất lượng cao… đang có sự cạnh tranh gay gắt giữa các đô thị.
Nghị quyết Đảng bộ tỉnh Bình Dương nhiệm kỳ 10 (2015 - 2020) vừa xác định quy hoạch Bình Dương theo hướng vùng đô thị độc lập. Thực tế Bình Dương đang có lợi thế kết nối với ba vùng là miền Trung, Tây Nguyên và ASEAN - qua các cửa khẩu ở Tây Ninh.
Do vậy, trong chiến lược dài hạn của mình, theo ông Hòa, TP.HCM cần coi các tỉnh phía Bắc (Bình Dương, Đồng Nai) là các đơn vị hợp tác ngang bằng chứ không nên coi là đơn vị phụ thuộc hay thứ cấp trong vùng đô thị rộng lớn. Cho nên, khái niệm “vùng đô thị TP.HCM” theo Đồ án Quy hoạch vùng TP.HCM (đã được phê duyệt) cần được định danh lại cho phù hợp.
Ở các nước phát triển, vùng đô thị là vùng ảnh hưởng của một đô thị nào đó - lan tỏa ra và cả thu nạp vào… Vì vậy, ông Hòa cho rằng, cần phải cấu trúc lại vùng đô thị TP.HCM.
Vùng đô thị nằm trong TP.HCM
Theo ông Hòa, bản thân TP.HCM cần được cấu trúc lại để trở thành vùng đô thị. Vì TP.HCM hiện nay không phải là vùng đô thị (metropolitan) mà là đại đô thị (mega city). Vùng đô thị là một vùng rộng lớn bao hàm trong đó nhiều thành phố đơn và đa chức năng, thị trấn và cả những khu vực nông nghiệp, công nghiệp, làng nghề. Nó là một phức hợp bao gồm nhiều thực thể độc lập về quản lý, tài chính, nhân sự, nguồn lực.
TP.HCM có diện tích 2.100 cây số vuông (bao gồm 24 đơn vị quận, huyện) và về cơ bản đô thị này có hạt nhân là khu vực lõi trung tâm 930 héc ta và vùng trung tâm là 170 cây số vuông của các quận nội thành (cũ). Nhưng từ năm 2008, chính quyền thành phố nhận thấy đô thị phát triển đơn cực (đại đô thị) như thế là bất lợi nên đã quyết định chuyển sang phát triển đô thị đa cực - vùng đô thị.
Theo đó, TP.HCM đã định hướng quy hoạch phát triển hai thành phố vệ tinh: một ở Tây Bắc thành phố (đô thị Tây Bắc Củ Chi), cách trung tâm thành phố 35 cây số với diện tích khoàng 10.000 héc ta; và một ở phía Nam (Thành phố cảng Hiệp Phước), cách trung tâm thành phố 22 cây số với khoảng 4.000 héc ta. Nhưng đến nay các thành phố vệ tinh này chưa ra đời vì hạ tầng giao thông chưa được cải thiện.
Mới đây, trong Đề án “Chính quyền đô thị TP.HCM” trình Trung ương năm 2014, chính quyền thành phố dự định quy hoạch lại trên địa bàn TP.HCM sẽ có một đô thị trung tâm và bốn đô thị Đông - Tây - Nam - Bắc và các khu vực ngoại thành. Đây là một sự cố gắng của chính quyền để hình thành nên một vùng đô thị trong địa giới hành chính của TP.HCM.
Theo ông Hòa, bản thân khái niệm “đô thị” không phải là khái niệm được sử dụng trong quy chuẩn hành chính của Việt Nam. (Theo hệ thống quản lý hành chính về tên đô thị thì chỉ có các định danh là thành phố, thị xã, thị trấn). Do đó, ông Hòa cho rằng nên chia các thành phố theo chức năng như Metro Manila đang thực hiện…
Metro Manila của Philippines là một vùng đô thị bao gồm 17 thành phố đồng cấp với mô hình quản lý hai cấp (thành phố và phường). Các thành phố này phát triển dựa theo các chức năng chính như Manila là thành phố chính trị, hành chính, ngoại giao; Quezon là thành phố khoa học, công nghệ; Makati là thành phố tài chính…
Vì vậy, ông Hòa cho rằng TP.HCM hoàn toàn có thể cấu trúc không gian để quy hoạch các thành phố trong vùng đô thị với các chức năng chính tương tự như Manila. Theo đó, vùng Đông – Bắc thành phố (Thủ Đức, Quận 9) hiện hữu có thể trở thành thành phố khoa học, công nghệ với hạt nhân là đô thị đại học quốc gia và khu công nghệ cao; vùng Tây – Bắc thành phố (Củ Chi, Hóc Môn) trở thành thành phố nông nghiệp công nghệ cao; vùng Tây – Nam (Bình Chánh) trở thành thành phố công nghiệp; vùng Đông – Nam (Cần Giờ) trở thành thành phố du lịch…
Tất nhiên, việc tái cấu trúc này cần nghiên cứu kỹ lưỡng để đưa ra các cơ sở có tính khoa học. Khi một thành phố xác định được một chức năng chính thì sẽ dể dàng xác định quy mô của vốn đầu tư, các quy chuẩn quy hoạch, quy chuẩn kiến trúc chung cho toàn bộ hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội…
Một khi có vùng đô thị TP.HCM thì sẽ có hình thái đô thị trong vùng (không phải hình thái thành phố trong thành phố vẫn nói lâu nay rất khó hiểu). Và khi đó, đô thị Phú Mỹ Hưng hiện đại nhất nước sẽ không còn gọi chung chung là khu đô thị mới (dưới quyền lãnh đạo của hai phường Tân Phong và Tân Phú, Quận 7) nữa mà có thể sẽ được gọi là thành phố Phú Mỹ Hưng.
Ông Hòa khẳng định, việc sớm hình thành và phát triển “vùng đô thị” sẽ giúp TP.HCM giải được rất nhiều bài toán nan giải trong quy hoạch, quản lý đô thị hiện nay.
Theo TB KTSG