Ủy ban Bầu cử Liên bang Myanmar (MUEC) cho biết theo kết quả kiểm phiếu tính đến ngày 10-11, Đảng Liên đoàn Quốc gia vì dân chủ Myanmar (NLD) đã giành 78/88 ghế hạ viện và 29/33 ghế thượng viện. Trong khi đó, người phát ngôn NLD Win Htein cho biết đảng này có thể giành được đến 82% số ghế Quốc hội (không tính 25% ghế được dành cho quân đội). Ngoài ra, ông Htein còn cáo buộc MUEC “cố tình trì hoãn” công bố kết quả tổng tuyển cử.
Không lạc quan đến vậy nhưng bà Aung San Suu Kyi, lãnh đạo NLD, cũng tin tưởng đảng mình giành được khoảng 75% trong số 498 ghế Quốc hội thông qua bầu cử. Nếu đúng như thế thì NLD đủ điều kiện để tự thành lập chính phủ mới. Dù hiến pháp Myanmar không cho phép bà Suu Kyi làm Tổng thống vì có chồng, con là người nước ngoài nhưng người phụ nữ 70 tuổi này tuyên bố: “Không điều gì có thể ngăn cản tôi đưa ra quyết định dựa trên cương vị lãnh đạo của đảng chiến thắng”.
Phát biểu với kênh Channel NewsAsia (Singapore) cùng ngày, bà Suu Kyi khẳng định nếu NLD giành thắng lợi, có quyền thành lập chính phủ thì Tổng thống được bổ nhiệm sẽ chỉ để “đáp ứng các yêu cầu của hiến pháp” và phải nghe theo chỉ đạo của bà. “Người này phải hiểu rõ rằng ông ta không có quyền gì, thay vào đó phải hành động theo các quyết định của đảng. Điều này rất hợp lý bởi ở bất cứ quốc gia dân chủ nào, lãnh đạo của đảng thắng cử sẽ trở thành lãnh đạo chính phủ. Nếu hiến pháp (Myanmar) không cho phép điều này, chúng tôi phải tìm cách sắp xếp sao cho đúng với các quy tắc dân chủ thông thường” - bà giải thích, đồng thời bảo đảm chính phủ sẽ vẫn vận hành đúng đắn.
Khi được hỏi điều này có dẫn đến độc tài hay không, bà Suu Kyi khẳng định NLD sẽ không trượt theo con đường đó vì sức mạnh của họ dựa vào sự ủng hộ của người dân. Tuy nhiên, nhà phân tích chính trị Richard Horsey thuộc Nhóm Nghiên cứu khủng hoảng quốc tế (ICG, trụ sở ở Bỉ) cho rằng “kế hoạch nhiếp chính” của bà Suu Kyi nhiều khả năng sẽ chọc giận giới tướng lĩnh Myanmar. “Điều này vượt qua lằn ranh đỏ của quân đội Myanmar: Aung San Suu Kyi không thể điều hành đất nước. Nếu bà ấy “đứng trên Tổng thống” thì cũng tức là “đứng trên Tổng tư lệnh quân đội”. Chuyện này sẽ không ổn” - ông Horsey nhận xét.
Câu hỏi quan trọng sắp tới là liệu quân đội có chấp nhận kết quả bầu cử và để bà Suu Kyi lãnh đạo đất nước hay không. Hồi năm 1990, NLD của bà Suu Kyi giành chiến thắng lớn trong cuộc bầu cử nhưng quân đội đã bác bỏ kết quả này, đồng thời ra lệnh quản thúc bà và bỏ tù hàng ngàn người ủng hộ. Lần này, mọi chuyện có thể sẽ khác đi. Tổng thống Thein Sein, người lên nắm quyền năm 2011 sau một cuộc bầu cử bị NLD tẩy chay, dường như đã chấp nhận kết quả. “Chúng ta phải chấp nhận mong muốn của cử tri. Dù ai dẫn dắt đất nước chăng nữa, điều quan trọng nhất là phải có ổn định và phát triển” - ông Thein Sein nhìn nhận.
Tuy nhiên, chỉ tiếng nói của Tổng thống đương nhiệm là chưa đủ. Tờ The Guardian nhận định đóng vai trò quan trọng hơn chính là những thành viên cứng rắn của quân đội - lực lượng đã điều hành đất nước Myanmar trước năm 2011. Quân đội thực tế vẫn nắm giữ nhiều quyền lực, từ đó đặt ra thử thách không nhỏ cho bà Suu Kyi. Ngoài 25% ghế trong Quốc hội, quân đội còn chi phối các bộ quan trọng, như quốc phòng, nội vụ, biên phòng, công an…, đồng thời có thể kiểm soát chính phủ và nền kinh tế, nếu thấy cần thiết.
Triển vọng Mỹ dỡ bỏ thêm trừng phạt Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest hôm 9-11 gọi cuộc tổng tuyển cử vừa diễn ra ở Myanmar là bước tiến quan trọng trong tiến trình dân chủ tại nước này. Trợ lý Ngoại trưởng Daniel Russel còn đề cập triển vọng Mỹ dỡ bỏ thêm các biện pháp trừng phạt nhằm vào Myanmar nếu quân đội chấp nhận kết quả bầu cử. Trong khi đó, theo tờ South China Morning Post (Hồng Kông), Trung Quốc đang theo dõi sát sao cuộc bầu cử ở Myanmar bởi nước này không chỉ là láng giềng mà còn là đối tác quan trọng trong chiến lược “Một vành đai, một con đường” của Bắc Kinh. Bên cạnh đó, Trung Quốc đã tài trợ một số dự án chiến lược ở Myanmar, gồm đường ống dẫn dầu và khí đốt, cảng, đập thủy điện... Vì thế, tờ Thời báo Hoàn Cầu cảnh báo Myanmar không được nghiêng về phía Mỹ. |