Lương cơ sở không thể không tăng

Thứ ba, 10/11/2015, 11:14
Nghị quyết 79/NQ-CP về Phiên họp thường kỳ tháng 10/2015 nêu rõ, do khó khăn trong dự toán ngân sách nhà nước nên năm 2016 chưa cân đối được nguồn để thực hiện cải cách tiền lương. Chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, ông Đặng Ngọc Tùng chia sẻ với Đầu tư về nội dung này.

Ông bình luận gì về trước việc Chính phủ chưa tính đến chuyện tăng lương cho người lao động làm việc trong khu vực nhà nước?

Theo Bộ luật Lao động (có hiệu lực kể từ ngày 1/5/2013) thì căn cứ vào nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, điều kiện kinh tế - xã hội và mức tiền lương trên thị trường lao động, Chính phủ công bố mức lương tối thiểu vùng trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng Tiền lương quốc gia.

Đáng tiếc là, kể từ đợt tăng lương cơ sở gần đây nhất (1/7/2013) với mức tăng không đáng kể, từ 1,050 triệu đồng/tháng lên 1,15 triệu đồng/tháng đến nay, khu vực nhà nước chưa được tăng lương thêm lần nào nữa, mặc dù lạm phát năm nào cũng tăng, kinh tế năm nào cũng tăng trưởng và người làm công cho khu vực ngoài nhà nước năm nào cũng được tăng lương. Như năm 2016, lương tối thiểu vùng của khu vực doanh nghiệp nhiều khả năng sẽ tăng thêm bình quân 12,4% theo đề nghị của Hội đồng Tiền lương quốc gia.

Chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, ông Đặng Ngọc Tùng

Trong khi đó, theo đề nghị của Chính phủ, năm 2016, trên cơ sở rà soát, cân đối nguồn qua kết quả thực hiện thu ngân sách năm 2015 và khả năng thu ngân sách năm 2016, Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội việc thực hiện cải cách tiền lương cho cán bộ, công chức tại Kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII, tức là người lao động trong khu vực nhà nước ít nhất cũng phải đợi đến tháng 3/2016 mới biết có được tăng lương hay không.

Ông có cho rằng, lý do mà Bộ Tài chính đưa ra cho việc chưa tăng lương cơ sở là do chưa cân đối được nguồn là không thuyết phục, vì 10 năm nữa nếu không cân đối được nguồn chẳng lẽ lương khu vực nhà nước vẫn không tăng?

Thảo luận về cân đối ngân sách năm 2016 và những năm trước đây, nhiều đại biểu Quốc hội, trong đó có đại diện của tổ chức công đoàn hết sức chia sẻ khó khăn với Bộ Tài chính trong viêc cân đối thu - chi vì ngân sách có rất nhiều khoản phải chi tiêu, trong khi đó nguồn thu có hạn.

Tuy nhiên, thu nhập của công chức, viên chức không thể không tăng, vì như tôi nói, kinh tế tăng trưởng, lạm phát năm nào cũng tăng, lương tối thiểu vùng của người lao động làm việc cho khu vực ngoài nhà nước năm nào cũng tăng. Nếu không tăng lương cho người lao động trong khu vực nhà nước thì công chức, viên chức không chỉ không được hưởng thành quả do sự phát triển kinh tế đem lại, mà thu nhập thực tế của họ còn bị giảm do lạm phát.

Lý do chưa tăng lương do không cân đối được ngân sách theo tôi thiếu thuyết phục, vì ngân sách năm nào cũng thu vượt dự toán và năm sau bao giờ cũng cao hơn năm trước. Chính vì vậy, Tổng liên đoàn Lao động đã đề nghị Chính phủ, năm 2016, không tăng nguồn chi thường xuyên khác như chi phí hội thảo, hội nghị, lễ hội… tiết giảm tối đa chi tiêu công để cố gắng tăng lương cơ sở cho khu vực nhà nước thêm 5%.

Giả sử năm 2016, cũng với lý do không cân đối được nguồn nên không tăng lương thì sao?

Bộ luật Lao động đã quy định rõ, lương tối thiểu phải bảo đảm mức sống tối thiểu cho người lao động. Ở khu vực ngoài nhà nước đã thực hiện nghiêm quy định này thì không có lý do gì ở khu vực nhà nước lại không thực hiện.

Ai đi làm, làm cho bất cứ khu vực nào, Nhà nước, doanh nghiệp hay đi làm tự do cũng đều mong muốn có cuộc sống ổn định, có thu nhập tương xứng với công sức để đóng góp toàn tâm, toàn ý cho công việc. Công chức, viên chức cũng như người lao động, ai cũng mong muốn công sức mà mình bỏ ra phải được ghi nhận và trả công tương xứng.

Nhiều người cho rằng, “người nhà nước” làm việc hiệu quả thấp, “sáng cắp ô đi tối cắp về” nên mức lương cơ sở 1,15 triệu đồng/tháng hiện nay đã là… quá cao so với công sức mà nhiều cán bộ, công chức, viên chức bỏ ra?

Đúng là có bộ phận công chức, viên chức như vậy, nhưng thực hiện cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, đại đa số cán bộ, công chức, viên chức đã và đang hết sức nỗ lực, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Tuyệt đại đa số công chức, viên chức hiện nay chỉ có thu nhập từ nguồn duy nhất là tiền lương, không có bất cứ nguồn thu nhập nào khác. Nếu nguồn thu nhập chính đáng không đủ trang trải cho cuộc sống tối thiểu của bản thân và gia đình, vì cuộc sống mưu sinh, nhiều công chức, viên chức phải tìm mọi cách để kiếm nguồn thu nhập ngoài lương. Lương không đủ sống cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tiêu cực trong một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, ít thì làm việc theo kiểu như dân gian gọi là “sáng cắp ô đi tối cắp về”, dành thời gian làm việc khác kiếm thêm thu nhập; gây khó dễ trong việc giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công để tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp phải “bôi trơn”; nhiều thì lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tham ô, tham nhũng…

Nhưng năm nào cũng tăng lương cơ sở cũng không phải là giải pháp căn cơ, thưa ông?

Đúng vậy, để thực hiện lộ trình cải cách tiền lương, bảo đảm người làm việc trong khu vực nhà nước phải có được cuộc sống tối thiểu thì phải tinh giản bộ máy hành chính theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả; tiết giảm chi tiêu công, mua sắm công; hạn chế tối đa chi tiêu không cần thiết như lễ hội, khánh tiết, hội nghị, công tác… Còn khu vực sự nghiệp công phải mạnh dạn giao quyền tự chủ về bộ máy, tổ chức, biên chế và tài chính.

Theo Báo Đầu Tư

Các tin cũ hơn