TP.HCM đổi 3 khu đất lấy dự án chống ngập

Thứ ba, 10/11/2015, 10:53
Chính quyền TP.HCM đã chấp thuận sử dụng ba khu đất có diện tích từ 5.500m2 đến 42.000m2 để thanh toán hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) dự án giải quyết ngập do triều cường khu vực TP.HCM.
Tình trạng ngập lụt tại TP.HCM đã đến mức "báo động đỏ", do vậy chính quyền thành phố đang phải tìm nhiều hình thức đầu tư khác nhau để xây các công trình chống ngập

Theo một văn bản mới được chính quyền thành phố phê duyệt, ba khu đất dùng để thanh toán hợp đồng BT cho nhà đầu tư nằm ở Quận 7 và Quận 9.

Cụ thể, ba lô đất này gồm lô C8A Khu A thuộc Khu đô thị mới Nam thành phố, phường Tân Phú, Quận 7 (diện tích 5.500m2); khu đất Trung tâm hạt nhân diện tích 42.000m2 tại phường Phước Long B, Quận 9 và khu đất tại số 232 đường Đỗ Xuân Hợp, phường Phước Long A, Quận 9 (diện tích 31.414m2).

Ba khu đất này sẽ được dùng để đàm phán với nhà đầu tư được lựa chọn cho hợp đồng BT dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1).

Tình hình ngập do mưa và triều cường làm đảo lộn mọi sinh hoạt của người dân đang có xu hướng tăng và được các chuyên gia cho rằng đã tới mức “báo động đỏ”.

Báo cáo HĐND thành phố hồi cuối tháng 10, chính quyền thành phố cho biết, địa hình của TP.HCM có cao độ trung bình 1 mét được bao bọc bởi 3 con sông Đồng Nai, Sài Gòn và Vàm Cỏ với rất nhiều cửa sông rạch nhỏ, gây bất lợi cho việc chống ngập khi có triều cường và lũ trong điều kiện biến đổi khí hậu.

Khi triều cường lên mức 1,5m thì 2/3 diện tích thành phố sẽ nằm dưới đỉnh triều, tuy nhiên trong 10 năm gần đây, triều cường luôn vượt đỉnh 1,68m. Chính vì vậy, các công trình thoát nước và chống ngập thực hiện tại thành phố hơn 10 năm qua mới chỉ đáp ứng khoảng 10% yêu cầu.

Trong giai đoạn 2016 – 2020 cần phải đầu tư cải tạo 3.407km cống thoát nước, xây 100 hồ điều tiết, nạo vét 5.017km kênh rạch, xây 12 nhà máy xử lý nước thải, làm 10 cống ngăn triều lớn, xây 129km đê bao bờ hữu và 20km đê bao bờ tả sông Sài Gòn...Để xây các công trình này cần số vốn ước tính khoảng 68.000 tỉ đồng.

Để có được số vốn rất lớn nói trên, chính quyền thành phố phải kết hợp nhiều hình thức đầu tư như bằng vốn ngân sách, thanh toán bằng hình thức đổi đất lấy dự án (hình thức BT).

Theo TB KTSG

Các tin cũ hơn