Chống ngập tại TP.HCM: Chưa xong chỗ này lại "tòi" ra chỗ khác

Thứ hai, 09/11/2015, 16:23
Dù có nhiều giải pháp chống ngập được triển khai, tiêu tốn khá nhiều tiền của và sức lực nhưng tình trạng ngập nước trên địa bàn TP.HCM vẫn chưa có giải pháp khắc phục hiệu quả. Hơn nữa chống ngập được chỗ này, lại phát sinh điểm ngập mới ở chỗ khác là nhận định của các đại biểu dự buổi tọa đàm do Hội đồng nhân dân TP.HCM và Đài Truyền hình TP.HCM tổ chức ngày 8.11.

Van ngăn triều không tác dụng?

Theo đại diện của quận 6, Bình Thạnh, Bình Tân và Hóc Môn, dù có nhiều công trình chống ngập được đầu tư và cho tác dụng, nhưng khi trời mưa lớn là nhiều tuyến đường ở những quận này vẫn ngập chìm trong nước. Số liệu của Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập TP.HCM cho thấy, năm 2014, trên địa bàn TP.HCM còn 68 điểm ngập úng do mưa. Trong đó có 29 điểm ngập phát sinh. Như vậy là những điểm ngập cũ chưa xóa được lại phát sinh thêm những điểm ngập mới.

Ông Trần Công Lý - Phó GĐ Sở NNPTNT, thuộc BQL dự án ven sông Sài Gòn, ngăn triều gây ngập úng trên địa bàn Hóc Môn, Gò vấp, quận 12 - cho biết, dự án được Bộ NNPTNT triển khai từ năm 2006 với chiều dài toàn tuyến đê bao là 13,6km, lắp đặt 309 cống ngăn thủy triều và đến nay cơ bản hoàn thành. Nhưng khi đưa vào sử dụng thử nghiệm trong thời gian qua lại xảy ra tình trạng đê bao bị lún, cống điều tiết không đóng được.

Nguyên nhân do một số cửa van điều tiết bị rác đọng lại nhiều, khi thủy triều lên nước vẫn tràn vào gây ra ngập. Ông Hoàng Anh Dũng - Phó GĐ Trung tâm Chống ngập nước TP.HCM - bổ sung thêm, hiện nay trung tâm cũng cho lắp đặt nhiều cống kiểm soát triều để chống ngập cho các quận nội thành và một số quận, huyện ngoại thành. Theo thiết kế, cống điều tiết triều đóng mở tốt. Tuy nhiên, do van điều tiết làm theo hình thức tự đóng mở nên khi gặp rác vướng vào cống không đóng được, nên việc ngăn triều cường không được hiệu quả.

Ngập do san lấp ao hồ kênh rạch

Theo một báo cáo của Phòng Quản lý cấp thoát nước (Sở GTVT TP.HCM), quá trình đô thị hóa từ năm 1998 đến năm 2006 đã biến hơn 12.600ha đất nông nghiệp, ao hồ, kênh rạch thành đất xây dựng, làm mất nơi chứa nước mưa và nước triều mà không có giải pháp thay thế đã làm giảm khả năng thoát nước. Cụ thể, từ năm 1998 - 2005, TP.HCM cho san lấp thêm 3.576ha kênh rạch.

Liên quan đến việc san lấp sông rạch, ông Trần Trọng Tuấn - Phó GĐ Sở Xây dựng TP.HCM - cho biết, từ 2007 - 2014, Sở TNMT và Sở GTVT cấp cho phép 159 dự án công trình được san lấp kênh, rạch. Mới đây Sở Xây dựng đi kiểm tra theo yêu cầu 24/28 dự án phải xây hồ điều tiết, nhưng chỉ mới có 4/24 công trình có xây dựng hồ điều tiết đúng với quy định. Nhiều công trình có xây hồ điều tiết nhưng không thực hiện được chức năng mà chỉ để làm cảnh quan.

“Khi phát triển đô thị sẽ không thể tránh khỏi việc san lấp kênh, rạch nhưng làm sao phải hài hòa, không làm tắc nghẽn hay mất đi dòng chảy của nước như hiện nay. Hơn nữa việc phát triển đô thị làm sao phải đúng với tự nhiên. Công trình nào được san lấp, công trình nào không được san lấp kênh, rạch. Khi xây dựng công trình, bắt buộc phải có hệ thống thoát nước và hồ điều tiết mới cấp phép. Những công trình nào không thực hiện được việc này phải tạm ngừng triển khai hay bị thu hồi giấy phép. Việc xây dựng hồ điều tiết phải đảm bảo được đúng chức năng mới cho triển khai dự án” - ông Tuấn góp ý.

Để khắc phục tình trạng ngập nước, hiện TP.HCM đã cho triển khai dự án khôi phục lại nguyên trạng một đoạn kênh Hàng Bàng (khu vực Q.6) trước đó đã được lắp đặt cống hộp. Cụ thể, kênh Hàng Bàng sẽ được đào rộng 11m như dòng kênh cũ, hai bên trồng cây xanh (hoàn thành trong giai đoạn 2016-2020). Như vậy, toàn bộ dải đất giữa đường Phan Văn Khỏe và Bãi Sậy (dọc kênh Hàng Bàng) có chiều ngang chừng 30m, dài 600m với hơn 900 hộ dân ở dọc hai bên dòng kênh (từ đường Lò Gốm đến Ngô Nhân Tịnh) sẽ được giải tỏa trắng.

Theo Báo Lao Động

Các tin cũ hơn