Ngân sách đầu tư chỉ còn 45.000 tỷ: Sân bay Long Thành sẽ có “khoản riêng”

Thứ hai, 09/11/2015, 10:47
Cân đối ngân sách cho đầu tư phát triển chỉ còn khoảng 45.000 – 47.000 tỷ đồng theo tính toán của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh. Liệu những dự án đầu tư sắp triển khai có bị ảnh hưởng và hoạt động đầu tư công có bị cắt giảm?...

Nợ công tăng cao, ngân sách liên tục bội chi nên việc cân đối gặp nhiều khó khăn. Do đó, cắt giảm các khoản chi không cần thiết, trong đó có những dự án đầu tư công là một trong những việc mà các nhà điều hành ngân sách phải tính đến.

Là một trong những dự án đầu tư công đã được Quốc hội cho ý kiến về chủ trương đầu tư, việc triển khai Cảng hàng không Quốc tế Long Thành đang đặt ra bài toán khó là lấy đâu tiền để triển khai dự án. Đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu Bùi Đức Thụ, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội cho biết sẽ phát hành trái phiếu đối để huy động vốn cho dự án này.

Đại biểu Quốc hội Bùi Đức Thụ - Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội

Ông đánh giá thế nào về tình hình ngân sách hiện nay, liệu chúng ta có quá lo ngại hay không khi mà nợ công thì tăng cao mà thu lại không đủ chi?

Cân đối ngân sách trong những năm gần đây căng thẳng, thu không bù chi và có xu hướng tăng bội chi ngân sách hàng năm. Năm 2015 giải ngân vốn ODA dự kiến trên 30.000 tỷ, cộng thêm ngân sách trung ương hụt thu 31.300 tỷ. Nếu cộng hai khoản này sẽ dẫn tới tình trạng làm tăng bội chi 61.000 tỷ đồng, gây áp lực lớn cho ngân sách.

Do đó, đòi hỏi phải tăng cường kỷ luật tài chính, quản lý chặt chẽ khoản thu chi và cắt giảm khoản chi chưa thật cần thiết như khánh tiết, lễ hội, xe công… kể cả khoản chi khác như xây dựng trụ sở hoành tráng cũng cần phải cân nhắc. Trên cơ sở đó cơ cấu lại ngân sách, tăng cường nguồn lực tài chính , lành mạnh hóa tài chính công và giảm bội chi ngân sách, giảm dư nợ công.

Tôi thấy gần đây một số tỉnh đề nghị xây dựng tượng đài văn hóa. Về lâu dài thì là cần thiết, nhưng trong bối cảnh cân đối ngân sách hết sức căng thẳng, nợ công của ta cuối năm 2015 đã lên 61,3% GDP và cuối 2016 tăng 63% GDP, tiến sát trần cho phép.

Do đó, để giữ vững an ninh tài chính cần cân nhắc hết sức thận trọng trên tinh thần chính sách tài khóa thắt chặt triệt để, cắt giảm những khoản chi không thật cần thiết, từng bước cân bằng lại ngân sách giảm dư nợ công.

Đầu kỳ họp Quốc hội lần này, Chính phủ có trình phương án phát hành trái 3 tỷ USD phiếu quốc tế. Liệu chúng ta có lo ngại nợ công sẽ tăng cao hơn?

Việc phát hành 3 tỷ USD trái phiếu quốc tế là để sử dụng đảo nợ đối với các khoản vay ngắn hạn trong nước. Tôi cho đó là cần thiết bởi áp lực trả nợ do chúng ta vay các khoản ngắn hạn trong nước đang rất lớn. Nên để cân đối lại ngân sách một cách lành mạnh, đòi hỏi phải có khoản vay dài hạn để thay thế cho khoản vay ngắn hạn.

Trong điều khiện vay trong nước là hết sức khó khăn, khi 9 tháng đầu năm kết quả vay phát hành trái phiếu Chính phủ mới được 51%. Nên tôi cho rằng cần thiết phải cho phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế để huy động thêm nguồn lực nước ngoài.

Việc vay tại thị trường quốc tế cũng đang có nhiều điểm lợi hơn, như vay dài hạn hơn, thời hạn từ 10 – 30 năm và lãi suất thấp hơn. Vay như vậy là để cơ cấu lại khoản vay trong nước, để đảo nợ thì sẽ không làm tăng dư nợ công.

Trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội thì Bộ trưởng Bùi Quang Vinh có thông tin rằng ngân sách cho đầu tư sau khi cân đối lại các khoản thì chỉ còn 45.000 tỷ đồng. Liệu điều này có làm ảnh hưởng đến các dự án sắp triển khai như sân bay Long Thành không, thưa ông?

Tổng đầu tư bố trí trong cân đối ngân sách năm 2016 tăng so với năm 2015 là tương đối lớn. Năm 2015 cân đối là 195.000 tỷ, năm 2016 cân đối cho ngân sách là 255.750 tỷ, tăng đến hơn 31% so với dự toán năm 2015. Trong bối cảnh ngân sách hiện tại là hết sức khó khăn, thì bố trí ngân sách ở mức trên 255.000 tỷ là một cố gắng lớn.

Tuy nhiên, phải nói rằng trong bố trí ngân sách đó thì gần một nửa là từ ngân sách địa phương, còn lại là của ngân sách trung ương. Nếu trừ các khoản chi cố định như bù chênh lệch lãi suất, dự trữ quốc gia và vốn đối ứng ODA, thì phần còn lại có thể phân bổ điều hành được, như bộ trưởng Bùi Quang Vinh phát biểu là còn khoảng 45.000 – 47.000 tỷ đồng. Như vậy không có nghĩa là tổng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước chỉ có mức như trên.

Tôi cũng nói thêm rằng chúng ta có gần 30.000 tỷ đồng từ sổ số kiến thiết và 60.000 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ của năm 2016 đang đặt ngoài cân đối ngân sách. Do đó, tổng chi đầu tư phát triển của chúng ta có được là 341.000 tỷ đồng, là mức mà tôi cho là tương đối cao trong điều kiện có thể cân đối được.

Còn đầu tư một số dự án cấp bách, đặc biệt là dự án cụm cảng hàng không quốc tế Long Thành, đề án này đã được Quốc hội cho ý kiến về chủ trương đầu tư. Vấn đề đặt ra là Chính phủ cần hoàn thiện dự án khả thi và báo cáo Quốc hội, trên cơ sở đó triển khai thực hiện.

Nguồn vốn thực hiện dự án này là nguồn trái phiếu Chính phủ dự kiến sẽ phát hành trong tài khóa tới, theo lộ trình sẽ thực hiện theo kế hoạch và Nghị quyết mà Quốc hội phê chuẩn.

Theo Tri Thức Trẻ

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích