Ông Dương Trung Quốc trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội |
Xin hỏi quan điểm của ông khi đọc thông tin TP. Hải Phòng đề xuất xây dựng trụ sở làm việc có tổng mức đầu tư lên tới 10.000 tỷ đồng?
Ông Dương Trung Quốc: Đây là công trình đầu tư lớn và việc này đi theo mô hình của một số địa phương đã làm như Bình Dương, Lâm Đồng, Đà Nẵng... nên tôi cho rằng, Chính phủ nên có tổng kết về mô hình này, xem nó có phát huy được hiệu quả không. Lúc đó chúng ta hãy làm.
Ở đây, cũng cần làm rõ xem phương thức tạo vốn là như thế nào. Bởi vì, có việc tập trung như thế thì các địa điểm cũ nếu thanh lý, chỉ cần làm một phép tính đơn giản sẽ thấy dư ra chứ không phải hụt đi. Cùng với đó, quy mô như thế nào cho vừa phải.
Tôi cho rằng cần phải tổng kết mới có thể nói nên làm hay không nên làm, nhà nước cần đầu tư hay không và đầu tư ở mức nào. Chứ còn cứ nói là nhu cầu thì vô cùng.
Hơn nữa trong lúc đang thiếu vốn như thế này đã nên triển khai các công trình này chưa? Lúc này là lúc nên tính toán kỹ, thận trọng nếu không sẽ thành một “dịch” trong lúc nợ công cao...
Việc xây dựng các công trình này cũng giống như việc chi tiêu trong gia đình. Ở đây, anh phải tính xem có khả năng đến đâu và nhu cầu đến đâu để cân nhắc. Còn đương nhiên xây dựng những công trình lớn người ta còn nhân danh cho tương lai, nhưng đôi khi lợi ích lại chỉ quan tâm nhiều đến trước mắt.
Cho nên ở đây phải nghiên cứu kỹ và quan trọng nhất cơ quan điều hành nhà nước phải liệu cơm gắp mắm. Tôi đã nói một lần là “vi-na-xin” không đáng sợ bằng “vi-na-cho”. Vì vai trò người "cho" mới quan trọng, tức là Chính phủ.
Việc "cho" đó có thể tạo ra quan hệ, những vị thế nhưng "cho" đó là "cho" tiền của Nhà nước, nhân dân nên anh phải đặt vấn đề nợ công như thế có phải do vấn đề "cho" đó không?
Ở đây chưa đến ngưỡng Quốc hội bàn nên quyết định ở Chính phủ, nhưng Chính phủ phải tính toán kỹ khi nợ công như vậy. Nếu nợ công rất ít thì chúng ta hoan nghênh nhưng nợ công lớn như thế này thì Chính phủ phải trả lời.
Trước Hải Phòng thì nhiều địa phương khác cũng xây dựng phương án xây dựng trụ sở nghìn tỷ, như Nghệ An dự kiến kinh phí 2.178 tỷ đồng, Hải Dương trên 2.000 tỷ đồng, Hà Tĩnh 1.800-2.200 tỷ đồng, Khánh Hòa 4.300 tỷ đồng,.... Phải chăng căn bệnh “chơi trội” đang lan rộng?
Tôi không dám dùng từ “chơi trội” bởi vì đã làm thì làm cho đàng hoàng, gây ấn tượng là tốt nhưng quan trọng là không ai tính đến hiệu quả và không ai tính đến tư duy kinh tế, tức là đã nên làm chưa, làm thế nào là đúng?
Tôi cho tâm lý "chơi trội", "con gà tức nhau tiếng gáy" chỉ là một phần, nhưng cái quan trọng là quản lý của chúng ta còn dẫn đến chuyện mỗi dự án là cơ hội để thất thoát, sinh lợi nhóm cho ai đó.
Khi trao đổi với báo chí, TS. Phạm Sỹ Liêm - nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, cho rằng các công trình trụ sở hoành tráng vẫn nói là công trình công nhưng thực tế người dân không được sử dụng các công trình đó. Ông nghĩ sao về điều này?
Nhìn trụ sở thì chúng ta phải nhìn cái lâu dài. Tôi cho rằng những trụ sở quá lớn người ta mới nhìn tiền đầu tư để xây cái nhà, nhưng tiền vận hành nhà đó mới khủng khiếp.
Chúng ta cứ nhìn lại những cơ quan của chính quyền thuộc địa mà ta gắn cho nó nhiều tính xấu xa, nhưng thực tế lại hết sức tử tế, đúng mức, chuẩn mực. Thí dụ người ta nhìn vào biết ngay trụ sở cấp tỉnh, dinh của ai,... và nó đảm bảo tính mỹ thuật, riêng biệt.
Còn chúng ta tùy tiện, theo sở thích của nhà lãnh đạo cao cấp chứ không có chuẩn mực về quy mô. Đương nhiên cũng có hành lang để người ta tạo riêng biệt nhưng thực tế mình không có chuẩn mực. Trụ sở đâu cũng như thế.
Xin cảm ơn ông!
Theo Dân Trí