Theo chân nhiều tỉnh - thành khác, TP.Hải Phòng vừa trình Thủ tướng Chính phủ đề án xây dựng trung tâm hành chính - chính trị tại phía Bắc sông Cấm (huyện Thủy Nguyên) với mức đầu tư gần 10.000 tỉ đồng.
“Không phải bàn cãi” (!)
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động ngày 8-11, trước ý kiến cho rằng trong lúc ngân sách eo hẹp, Chính phủ chỉ đạo phải “thắt lưng buộc bụng”, Hải Phòng lại xin xây khu trung tâm hành chính - chính trị có mức đầu tư như vậy là quá lớn, ông Phạm Hữu Thư - Chánh Văn phòng UBND TP.Hải Phòng - cho biết việc xây dựng dự án này không phải bàn cãi vì đã có chủ trương từ lâu trong Nghị quyết 32 của Bộ Chính trị (năm 2003) về xây dựng và phát triển TP.Hải Phòng trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Từ năm 2009, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Quyết định 1448/QĐ/TTg (ngày 16-9-2009) phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TP.Hải Phòng đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050.
Theo các chuyên gia, trung tâm hành chính - chính trị hiện hữu của TP.Hải Phòng còn tốt, chưa nhất thiết phải lập đề án xây mới quá tốn kém Ảnh: KIM NGA |
Theo thông báo của UBND TP.Hải Phòng, dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu trung tâm hành chính - chính trị TP.Hải Phòng đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương, đang được các bộ - ngành xem xét, thẩm định chủ trương đầu tư theo quy định.
Dự án gồm các hạng mục chính: Hệ thống hạ tầng kỹ thuật, cầu Hoàng Văn Thụ, hệ thống giao thông chính và đê tả sông Cấm. Mục tiêu là xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, làm cơ sở để triển khai xây dựng trụ sở các cơ quan hành chính - chính trị của Hải Phòng; phát triển mở rộng TP về phía Bắc và từng bước hoàn thiện hệ thống trung tâm TP mới theo định hướng phát triển không gian đô thị và điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1448/QĐ/TTg.
Địa điểm xây dựng là tại các xã Tân Dương, Dương Quan, Hoa Động (huyện Thủy Nguyên) và phường Minh Khai (quận Hồng Bàng). Dự kiến, diện tích sử dụng đất là 324ha; tổng mức đầu tư: ngân sách trung ương trên 6.800 tỉ đồng, ngân sách TP và các nguồn vốn hợp pháp khác là khoảng trên 3.000 tỉ đồng.
Thời gian thực hiện dự án từ 2015-2020, gồm 3 giai đoạn: chuẩn bị dự án (hoàn thành trong năm 2015), thực hiện (2016-2019), kết thúc xây dựng, đưa công trình vào khai thác (năm 2020).
Theo đồ án quy hoạch, trung tâm hành chính - chính trị có 4 khu chức năng chính theo trục Bắc - Nam và 6 khu chức năng phụ. Bốn khu chức năng chính gồm: hành chính - chính trị, đa chức năng, thương mại, khu vực cảnh quan mặt nước. Sáu khu chức năng phụ gồm: trung tâm văn hóa, khu cao tầng kết hợp khu đa năng, khu y tế và khu đa năng, khu trường học và sinh thái, khu thương mại và cảnh quan mặt nước, khu thương mại ven sông và khu ở kết hợp đa năng.
Điểm nhấn chính của khu trung tâm là công trình hợp khối gồm trụ sở Thành ủy, HĐND, UBND TP, trung tâm hội nghị, tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh…
Khu trung tâm hành chính - chính trị TP.Hải Phòng sẽ trở thành một đại đô thị năng động và thịnh vượng bậc nhất miền Bắc Việt Nam.
Địa phương chịu 20% vốn song chưa có nguồn
Theo Ban Quản lý công trình xây dựng phát triển đô thị TP.Hải Phòng, hiện đã hoàn thành một số phần việc của dự án như khảo sát hiện trạng khu vực xây dựng dự án, xây dựng kế hoạch bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ, dự toán và có kế hoạch lựa chọn nhà thầu giai đoạn chuẩn bị dự án.
Hiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đang được gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được hoàn thiện trình Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt; đang đo đạc, lập bản đồ địa chính tỉ lệ 1/500; nhà thầu chuẩn bị triển khai công tác khảo sát xây dựng phục vụ công tác lập dự án.
Cùng ngày, trao đổi qua điện thoại với phóng viên, ông Lê Khắc Nam, Phó Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng, cho biết dự án mới chỉ là đề án tiền khả thi và đề nghị Thủ tướng phê duyệt. Dự tính, địa phương xin trung ương 80% tổng mức đầu tư, còn lại là Hải Phòng tự thu xếp song chưa có phương án huy động cụ thể.
Trước đó, ngày 24-10, tại cuộc họp báo sau Đại hội Đảng bộ TP.Hải Phòng lần thứ XV, nhiệm kỳ 2015-2020, ông Lê Văn Thành - Bí thư Thành ủy kiêm Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng - nhấn mạnh sẽ đầu tư mạnh mẽ cho xây dựng kết cấu hạ tầng, cải thiện môi trường đầu tư để thu hút những doanh nghiệp, tập đoàn lớn. Theo ông Thành, một trong những nhiệm vụ lớn trong nhiệm kỳ mới là Hải Phòng sẽ quyết tâm thực hiện chủ trương di chuyển trung tâm hành chính - chính trị sang phía Bắc sông Cấm.
Theo lãnh đạo TP.Hải Phòng, việc xây dựng khu hành chính - chính trị này rất cần thiết cho việc cải cách hành chính, góp phần đưa Hải Phòng trở thành một đô thị văn minh, hiện đại và là đột phá của Hải Phòng trong thời gian tới.
TS Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng: Không cần thiết phải xây mới Tôi thấy trụ sở hành chính của TP.Hải Phòng chưa cần thiết phải xây mới, xét cả về vị trí lẫn quy mô. Tôi không hiểu sao trung ương có thể cho địa phương chi tiêu tiền nhiều như thế được. Quốc hội đang nói rất nhiều về vấn đề ngân sách thâm thủng, không đủ chi. Giờ lại tiêu tiền của trung ương để xây trụ sở thì dễ bị phản ứng. Ba năm công chức không được tăng lương vì thiếu nguồn ngân sách, nay chi xây trụ sở, quảng trường... thì không nên. TS Huỳnh Thế Du, giảng viên Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright: Ai cũng nhắm “bầu sữa” ngân sách Việc Hải Phòng định xây dựng trụ sở gần 10.000 tỉ đồng, trong đó xin ngân sách nhà nước 80% vốn với lý do địa phương này đóng góp lớn cho nguồn thu ngân sách. Hiện nay, cơ chế phân bổ ngân sách không rõ ràng. Các địa phương có nguồn thu lớn như Hải Phòng, TP.HCM... đáng lý phải theo cơ chế ngân sách tự định, có nghĩa là đặt mức cố định nào đó đủ để các địa phương nuôi dưỡng nguồn thu và chi tiêu hiệu quả. Như thế thì người ta mới không đi chạy ngân sách. Việt Nam không như thế mà sử dụng cơ chế phân bổ ngân sách. Trung ương muốn giữ quyền lực phân bổ trong khi không có công thức hợp lý nên cuối cùng các địa phương cứ xin từ “bầu sữa” ngân sách. Địa phương nghĩ ra hết dự án này đến dự án khác, thổi phồng mọi cái để xin mới dẫn đến phân bổ ngân sách kém hiệu quả. Bây giờ, nghịch lý là địa phương thu được nhiều thì phải đóng nhiều, còn vùng khó khăn được bao cấp thì lại chi tiêu lãng phí. Ngay cả địa phương có nguồn thu nhưng phải xin trung ương nên hiệu quả của các dự án bị dư luận nghi ngờ. Hơn nữa, trong bối cảnh ngân sách khó khăn, kể cả địa phương có nguồn thu lớn cũng không nên theo phong trào xây trụ sở cơ quan hành chính, gây nhiều lãng phí. Chỉ nên đầu tư vào những công trình thực sự cần thiết như cơ sở hạ tầng giao thông, điện nước... |