Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đang làm nóng bầu không khí xã hội với nhiều ý kiến khác nhau. Trong số này, bộ môn lịch sử chiếm được sự quan tâm hơn cả.
Lo lắng, xúc động trước số phận môn lịch sử
Có lẽ chưa bao giờ trong lĩnh vực giáo dục lịch sử lại xuất hiện một hiện tượng đặc biệt đến thế. Đó là sự vào cuộc dường như là đông đảo nhất của các thế hệ những người làm công tác giáo dục và dạy học lịch sử: từ những nhà khoa học đầu ngành, những “lão tướng” khai quốc công thần của nền sử học nước nhà đến những người mới bước vào nghề; từ các chuyên gia trong các viện nghiên cứu đến các nhà giáo dạy sử ở khắp các trường ĐH, CĐ, phổ thông; từ giáo viên đã lành nghề đến các giáo sinh còn trên ghế nhà trường; từ những người dạy sử đến những người không dạy sử; từ người bình thường đến các cựu chiến binh…
Tất cả họ đều trăn trở, đều băn khoăn, lo lắng và bức xúc cho vị thế của bộ môn lịch sử trong dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Sự băn khoăn, đôi lúc xúc động đến rơi nước mắt, khi một lớp giáo sinh sư phạm nhắn gửi với thầy của mình: “Các thầy ơi, cố lên để cứu lấy môn sử!”.
Có không ít người đã đặt câu hỏi vì sao những bức xúc trên đây lại chỉ diễn ra chủ yếu ở môn lịch sử khi mà môn lịch sử không phải là môn học duy nhất phải đối mặt với hoàn cảnh như vậy? Có phải vì những người dạy sử lo lắng cho “cơm áo gạo tiền” trong nghề nghiệp của mình chăng?
Thực ra, nếu đúng như thế thì chẳng sai nhưng chắc chắn không phải là điều căn bản nhất. Bởi lẽ, chuyện áo cơm vốn không phải là chuyện riêng của môn lịch sử. Mặt khác, trong số những người lên tiếng cho môn sử, có rất nhiều bậc cao niên, đầu đã bạc và đã ở cái tuổi 70-80, cái tuổi mà vật chất và mưu sinh không còn là nỗi trăn trở chủ yếu nữa.
Bởi vậy, xin hãy nhìn xa hơn một chút: với những người dạy sử, cái mà họ đang trăn trở, chính là những hệ quả tiêu cực của chương trình đổi mới đối với những giá trị cực kỳ quan trọng của môn lịch sử: đó là giá trị của truyền thống dân tộc, của ý chí chính trị, của đạo đức, của lý tưởng và niềm tin của thế hệ trẻ hôm nay. Đó là những phẩm chất quan yếu đã trở thành sức mạnh kỳ diệu và là một trong những nhân tố quyết định nhất đối với sự tồn sinh và phát triển của dân tộc ta từ trong lịch sử ngàn năm cho đến hôm nay và tương lai mai sau.
Đó là những giá trị luôn gắn liền với sự tồn vong của đất nước và dân tộc - những giá trị vô giá không thể thay thế và cũng không có gì có thể so sánh được.
Phi lý và phản khoa học
Các lãnh đạo của Bộ GD-ĐT nhiều lần khẳng định vị trí của môn lịch sử không có gì thay đổi, môn lịch sử vẫn được tôn trọng, vẫn là bắt buộc, không ai xóa môn lịch sử khỏi chương trình. Nếu đúng như thế thì có gì phải bàn cãi, phải bức xúc nữa? Chẳng lẽ lịch sử vẫn được tôn trọng, vẫn là bắt buộc mà những người dạy sử vẫn đấu tranh, vẫn phản đối? Chẳng lẽ họ lại ấu trĩ, lại trì trệ, lại vô trách nhiệm đối với sự nghiệp đổi mới đến vậy?
Nhìn một cách tổng thể, môn lịch sử đang dần bị thủ tiêu. Nói chính xác hơn, bộ môn lịch sử, hoặc là môn tự chọn hoặc là kiến thức lịch sử, đã được tích hợp trong các môn bắt buộc khác. Nhưng xin đừng nhầm lẫn giữa kiến thức lịch sử cụ thể được sử dụng ở đâu đó, được gắn vào một môn học nào đó với hệ thống kiến thức lịch sử của một bộ môn khoa học chính thống. Nhận thức lịch sử cũng như nhận thức bất cứ khoa học nào là phải nhận thức trong hệ thống. Trong dạy học, kiến thức theo hệ thống đó đã được nhân loại đúc kết thành các bộ môn khoa học.
Kiến thức lịch sử có thể được sử dụng và phục vụ cho hoạt động nhận thức của nhiều bộ môn khác nhau nhưng nếu đem những kiến thức ấy để thay thế bộ môn lịch sử hoặc tích hợp kiến thức lịch sử vào một môn bắt buộc nào đó để coi lịch sử cũng là môn bắt buộc thì thật là phi lý và phản khoa học. Đó là sự tầm thường hóa bộ môn lịch sử, là sự đánh tráo khái niệm nguy hiểm, dễ dẫn tới những hiểu lầm tại hại cho xã hội.
Dạy học lịch sử hiện nay ở trường phổ thông đang tồn tại nhiều bất cập và rất cần một sự đổi mới toàn diện, mang tính cách mạng. Nhưng đúng như các nhà khoa học đã nói, dù với bất cứ lý do nào thì việc coi nhẹ vai trò và vị trí, dẫn tới hậu quả thủ tiêu bộ môn lịch sử ở trường phổ thông (dẫu không phải là ý chủ quan của ai đó) thì sẽ là điều cực kỳ nguy hiểm và sẽ để lại những hậu quả khó có thể lường hết.
Động chạm đến tình cảm thiêng liêng Nói đến lịch sử không chỉ nói đến tri thức khoa học thuần túy mà còn là nói tới tình cảm thiêng liêng không chỉ của thế hệ trẻ mà là của mỗi người dân Việt Nam đối với dân tộc, với Tổ quốc mình. Đó không chỉ là niềm vui và tự hào mà còn động chạm tới máu xương và nước mắt của biết bao thế hệ đã cống hiến và hy sinh cho dân tộc này, đất nước này. Điều đó cũng giải thích vì sao cùng trong nhóm các môn học tích hợp, cùng có hoàn cảnh như nhau trong cấu trúc chương trình mới nhưng trong khi các môn học khác rất ít ý kiến thì môn lịch sử lại nhận được sự quan tâm đặc biệt và bức xúc như vậy. Động chạm tới lịch sử là động chạm tới những vấn đề rất nhạy cảm về chính trị, những vấn đề của tình cảm nhân văn mang đặc trưng bản sắc Việt Nam. Với vị trí đặc biệt của mình, dù với thể chế chính trị và vị trí địa lý khác nhau, đa số quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các nước phát triển, đều rất coi trọng giáo dục lịch sử, trong đó bộ môn lịch sử luôn là một môn độc lập và bắt buộc trong chương trình giáo dục phổ thông. |