Trung tâm Bảo trợ xã hội Nghệ An, nơi để xẩy ra sai phạm gần 800 triệu đồng |
Đó là trao đổi của ông Nguyễn Văn Thông - Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Nghệ An - với PV Lao Động về vụ lãnh đạo Trung tâm Bảo trợ xã hội (BTXH) tỉnh đã để xảy ra sai phạm gần 800 triệu đồng tiền mua thức ăn, đồ dùng cấp cho người tâm thần, già cả cô đơn theo kết luận của Sở LĐTBXH.
Sai phạm có ảnh hưởng lớn
Thưa ông, đến nay, vụ việc tại Trung tâm BTXH tỉnh đã có kết luận Thanh tra, với số tiền sai phạm gần 800 triệu đồng. Ông có nhận định như thế nào về vụ việc?
Vụ việc này có tính chất đặc biệt, do đặc thù của trung tâm nhân đạo và các đối tượng bảo trợ xã hội (người tâm thần, già cả, tàn tật) nên sai phạm xẩy ra có ảnh hưởng lớn hơn, dư luận cũng đánh giá khắt khe hơn. Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, tỉnh đã đầu tư xây dựng và tổ chức hoạt động Trung tâm BTXH với mục đích nhân đạo, nhận chăm sóc và nuôi dưỡng những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Cán bộ, nhân viên khi vào làm việc đã phải xác định điều này. Nhưng trong thời gian qua đã xẩy ra một số hiện tượng tiêu cực như Thanh tra Sở LĐTBXH đã kết luận. Vì vậy, sai phạm trong lĩnh vực này cần phải xử lý thật nghiêm.
Sau khi sự việc có kết luận Thanh tra, một số lãnh đạo Trung tâm BTXH có giải trình số tiền sai phạm dùng để chi cho một số hoạt động thường xuyên của cơ quan như chi công tác phí, tiếp khách... Ông nghĩ sao về điều này?
Giải trình là quyền và trách nhiệm của người bị tố cáo. Đó là một yếu tố để cơ quan chức năng xem xét. Họ nói dùng tiền đó để chi thường xuyên, thì cần xác minh rõ có đúng không, có sự chồng chéo với các khoản đã chi thường xuyên hay không.
Nếu như nguyên nhân sai phạm do khách quan như nguồn kinh phí được cấp chưa đáp ứng nhu cầu chi thường xuyên của Trung tâm thì tính chất sai phạm, mức độ xử lý sẽ khác so với khi sai phạm với động cơ tư lợi cá nhân, nhất là trong trường hợp các đối tượng là người yếu thế như vậy. Nhưng dù có lý do gì đi nữa thì tuyệt đối không được làm ảnh hưởng tới chế độ (vốn đã không nhiều) mà Nhà nước cấp cho các đối tượng BTXH.
Nếu đủ căn cứ thì xử lý hình sự
Sự việc sai phạm xảy trong một thời gian dài, nhưng các cơ quan chức năng của Sở LĐTBXH không phát hiện ra. Vậy chúng ta có nên xem xét trách nhiệm của các cơ quan này?
Đương nhiên là cần phải đặt ra vấn đề này. Trong văn bản của lãnh đạo tỉnh xử lý vụ việc, cũng đã chỉ đạo Sở LĐTBXH tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo Trung tâm BTXH chăm sóc tốt những đối tượng hưởng chế độ BTXH, cũng như kêu gọi các tổ chức xã hội, cộng đồng cùng chung tay góp sức cho nhiệm vụ cao cả này. Theo tôi, cần có sự xem xét lại một cách toàn diện các vấn đề từ cơ chế cho đến phương án thực hiện việc thanh tra, kiểm tra, đôn đốc xử lý kết luận thanh, kiểm tra, từ đó mới có thể đánh giá trách nhiệm của bộ phận quản lý liên quan.
Hiện nay, hồ sơ vụ việc đã được chuyển sang PC46 Công an tỉnh nghiên cứu. Theo ông, có nên khởi tố vụ án hình sự để điều tra?
Ngay từ đầu, lãnh đạo tỉnh đã rất quan tâm và quan điểm chung là chỉ đạo quyết liệt, không nương nhẹ, sai đến đâu xử lý đến đó. Vụ việc đang được cơ quan điều tra xem xét, theo tôi, nếu có đủ căn cứ và cần phải xử lý hình sự thì phải xử lý. Và tôi tin rằng vụ việc sẽ được giải quyết khách quan, thấu đáo, không bao che nhưng cũng không làm oan ai.
Trân trọng cảm ơn ông.
Theo Lao động