Chỉ 3% số người tâm thần được chăm sóc

Thứ hai, 01/07/2013, 14:07
Theo Bộ LĐTBXH, cả nước có khoảng 10% dân số (tương đương 8,6 triệu người) bị rối nhiễu tâm trí, trong đó, người tâm thần nặng chiếm khoảng 200.000 người. Thực tế này đòi hỏi sự đổi mới trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm thần theo hướng phát triển các dịch vụ công tác xã hội, trợ giúp xã hội kết hợp với điều trị y tế.

Năm 2020 nước ta có khoảng 250.000 người tâm thần

Khảo sát của Bộ LĐTBXH cho thấy, các cơ sở bảo trợ xã hội làm nhiệm vụ chăm sóc người tâm thần còn rất ít (khoảng 17 tỉnh, thành), chỉ đáp ứng được 3% nhu cầu chăm sóc của người tâm thần. Phần lớn các cơ sở đã xuống cấp về cơ sở vật chất, thiếu trang bị phục hồi chức năng. Đội ngũ nhân lực trong các cơ sở bảo trợ chỉ khoảng 2.000 người, thiếu cả về chất và lượng.

tam than

 Người tâm thần cần được cộng đồng quan tâm, chăm sóc.

Trong khi đó, phần lớn các cơ sở chăm sóc chữa bệnh chưa có bộ phận công tác xã hội trợ giúp hòa nhập, chưa có sự phối kết hợp chặt chẽ giữa ngành LĐTBXH và y tế tại địa phương trong việc chăm sóc sức khỏe tâm thần. Hệ thống các tổ chức dịch vụ tư vấn, trị liệu tâm lý chưa có.

Đặc biệt, nhận thức của một bộ phận dân chúng về việc người thân bị rối nhiễu tâm thần cần đưa đi chữa trị chưa cao. Dự báo, đến năm 2020, số người rối nhiễu tâm trí chiếm khoảng 10 triệu người, trong đó người mắc bệnh tâm thần thuộc diện bảo trợ xã hội khoảng 250.000 người. Điều này sẽ tạo sức ép rất lớn về trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho đối tượng rối nhiễu tâm thần tại VN.

Nâng cao nhận thức cộng đồng

Để khắc phục những khó khăn và thách thức trên, Chính phủ đã ban hành Đề án trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2011-2020.

Đề án đặt mục tiêu đến năm 2020, có 90% số người tâm thần có hành vi nguy hiểm được phục hồi chức năng luân phiên tại các cơ sở bảo trợ xã hội; 90% số người rối nhiễu tâm trí có nguy cơ cao bị tâm thần, người tâm thần được tư vấn, trị liệu tâm lý. Mạng lưới cơ sở bảo trợ xã hội mở rộng phấn đấu điều trị khoảng 250.000 người tâm thần nặng vào năm 2020, trong đó khoảng 200.000 người được điều trị nội trú trong các cơ sở bảo trợ xã hội...

Theo thạc sĩ Nguyễn Văn Hồi - Cục phó Cục Bảo trợ xã hội, Bộ LĐTBXH - cần một lộ trình nhằm hình thành hệ thống các cơ sở phòng và trị liệu. Theo đó, giai đoạn 2011-2015, hỗ trợ xây dựng thí điểm tối thiểu 10 mô hình cơ sở, giai đoạn 2016-2020, hỗ trợ nhân rộng mô hình cơ sở tới các cấp quận, huyện có đông đối tượng rối nhiễu tâm trí.

Cần chú trọng công tác truyền thông nâng cao nhận thức của gia đình, cộng đồng về chăm sóc sức khỏe tâm thần. Bên cạnh đó, cần hình thành hệ thống các giải pháp đồng bộ như xây dựng quy phạm pháp luật, sửa đổi chính sách trợ giúp xã hội cho người tâm thần như: Trợ cấp xã hội, học nghề, việc làm, trợ giúp y tế và trợ giúp khác.

Theo Laodong

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích