Giá rẻ = đau bụng
Hà Nội đang trải qua những ngày nắng nóng cực điểm, nên nhu cầu giải khát của người dân tăng cao. Chủ một quán trà đá vỉa hè cho biết, mỗi ngày phải mua tới 10 túi đá viên (mỗi túi 5kg) và nhiều loại nước tinh khiết ướp lạnh. Tại các quán càphê, giải khát thì lượng đá viên tiêu thụ mỗi ngày cũng không hề nhỏ.
Nhiều mẫu nước đá viên, nước tinh khiết đóng chai nhiễm khuẩn.
Nhiều gia đình mua 1-2 túi đá viên về để sẵn trong tủ sử dụng dần... Chỉ khoảng 3.000-5.000 đồng một túi đá viên tinh khiết 5kg, chai nước mang theo người đã mang lại tiện lợi lớn cho người sử dụng.
Chính bởi nhu cầu đó mà rất nhiều cơ sở sản xuất đã tham gia sản xuất đá viên, nước tinh khiết quảng cáo là nước sạch, đá sạch với đủ tên gọi và chất lượng. Chủ một quá trà chanh vỉa hè trên phố Lý Quốc Sư cho biết, thường lấy đá viên của một cơ sở ở tận huyện Hoài Đức.
Một lần, có khách hàng phản ánh uống trà về bị đau bụng đi ngoài, tôi nghĩ là do đá viên không đảm bảo vệ sinh nên đã chuyển sang mua một cơ sở khác ở quận Cầu Giấy.
Nhiều người đã từng bị đau bụng, đi ngoài do uống phải nước đá, nước bẩn, nhưng đều không mấy quan tâm viên đá được bỏ vào cốc nước có sạch hay không. Sau khi có thông tin phát hiện nước đá viên, nước tinh khiết có nhiễm khuẩn gây bệnh tiêu chảy, không ít người lo ngại.
Chị Bích Hường - quận Cầu Giấy - phản ánh: Trước đây, tôi thường mua đá viên, nước chai đóng sẵn về sử dụng, một lần để mấy viên đá ra cốc không sử dụng ngay, khi đá tan thấy nước trong cốc nhiều cặn màu vàng, nhìn mà ghê. Một sinh viên phàn nàn: Bọn em đã vài lần bị đau bụng vì uống trà đá vỉa hè rồi; mỗi tối, ở các phố Hà Nội giới trẻ ngồi uống trà chanh đầy ngoài đường mà thấy ái ngại quá. Nhiều bạn biết bẩn mà vẫn uống?
Nhiều cơ sở chui chưa được phát hiện
Mới đây, đại diện Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội thông báo phát hiện 1 mẫu đá viên, 5 mẫu nước đóng chai bị nhiễm khuẩn coliform (loại vi khuẩn có thể gây các bệnh tiêu chảy, viêm đường ruột, tồn tại cả trong phân người), do các cơ sở quy mô nhỏ hoặc hộ gia đình có điều kiện vệ sinh sản xuất không đảm bảo sản xuất.
Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có 69 cơ sở sản xuất nước đá sạch có công bố sản phẩm và hơn 370 cơ sở sản xuất nước tinh khiết đóng chai được cấp phép.
Ngành y tế Hà Nội cũng thừa nhận, vẫn có những cơ sở sản xuất nước đá, nước tinh khiết hoạt động chui, nhái nhãn mác của những hãng nước tinh khiết nổi tiếng, có uy tín trên thị trường... chưa được phát hiện và kiểm soát. Vì thế, ngành y tế khuyến cáo người tiêu dùng chỉ nên chọn mua và sử dụng nước đá viên, nước tinh khiết đóng chai của các hãng đã được cấp phép, có uy tín, có thương hiệu...
6 mẫu nước đóng chai, đá viên bẩn: Đá viên của cơ sở Ngọc Hường (ở số 85 đường Trung Văn, huyện Từ Liêm); nước tinh khiết đóng chai Sakura của Cty CP Hùng Hậu, đường Âu Cơ, quận Tây Hồ; nhãn Aquavenus của Cty CP Hồng Long, Xuân Phương, Từ Liêm; hiệu Bonwater của Cty phát triển Đức Việt, Xuân Phương, Từ Liêm; nước WaterHaru của Cty TNHH đầu tư sản xuất và thương mại Tiến Thành, đường Phùng Chí Kiên, quận Cầu Giấy; nước Aqua Myanh của Cty TNHH nước uống Hòa Bình, Thái Thịnh, quận Đống Đa. |
Theo Laodong