Các đại biểu Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật thi hành tạm giữ, tạm giam |
“Tình trạng bức cung, nhục hình, chết trong khi bị tạm giữ, tạm giam… đang có biểu hiện gia tăng cả về số lượng và mức độ nghiêm trọng và vượt khỏi vòng kiểm soát,” đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) nói, khi thảo luận về dự thảo Luật thi hành tạm giữ, tạm giam tại Quốc hội .
Ông Nghĩa lưu ý rằng, những người bị tạm giữ, tạm giam, được coi là không có tội và đang được điều tra để chứng minh họ có thể có tội hoặc vô tội.
“Nhiều vụ việc xảy ra nhưng nạn nhân không tố cáo, khiếu nại vì sợ hoặc bị buộc cam kết không khiếu nại sau khi được trả tự do”, đại biểu Nghĩa nói.
Theo quy định hiện nay, bốn trại tạm giam thuộc Bộ Công an đang do Cơ quan Cảnh sát điều tra, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an quản lý. Trại tạm giam, nhà tạm giữ ở các tỉnh, huyện đang do cơ quan quản lý thi hành án và hỗ trợ tư pháp Công an cấp tỉnh, cấp huyện quản lý.
Nhiều đại biểu lo ngại rằng, việc cơ quan cảnh sát điều tra quản lý trại tạm giam sẽ dễ dẫn tới tình trạng lợi dụng việc quản lý để bức cung, dùng nhục hình. Các đại biểu muốn tách các cơ sở giam giữ này khỏi cơ quan điều tra.
Ông Nguyễn Văn Hiện, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội, cho biết khảo sát cho thấy trại tạm giam, nhà tạm giữ ở các tỉnh, huyện về cơ bản đã tách khỏi hệ thống cơ quan điều tra cùng cấp. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ mô hình như hiện nay, nghĩa là nhà tạm giữ thuộc quản lý của công an cấp huyện và trại tạm giam thuộc quản lý của công an cấp tỉnh là phù hợp.
Riêng đối với bốn trại tạm giam thuộc Bộ Công an hiện đang do Cơ quan Cảnh sát điều tra, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an quản lý, dự thảo Luật đã chỉnh lý theo hướng tách các cơ sở giam giữ này ra khỏi cơ quan điều tra và giao cho Tổng cục cảnh sát và Tổng cục an ninh trực tiếp quản lý để vừa tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động điều tra, khám phá tội phạm, nhất là những tội phạm về an ninh quốc gia, tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, vừa bảo đảm hoạt động độc lập của cơ sở giam giữ với các đơn vị điều tra của Bộ.
Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) không đồng tình quan điểm trên mà cho rằng, mặc dù trại tạm giam ở các cơ quan cấp tỉnh do cơ quan thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp (công an cấp tỉnh) quản lý cơ bản đã được tách khỏi cơ quan điều tra cùng cấp nhưng các cơ quan này vẫn trực thuộc và chịu sự quản lý của công an cấp tỉnh, trực tiếp là lãnh đạo công an cấp tỉnh bao gồm thủ trưởng cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh. Do vậy, tính minh bạch, tách bạch khỏi hệ thống và tính khách quan trong mối quan hệ giữa cơ quan này với cơ quan điều tra cùng cấp là chưa đủ khách quan.
Tương tự, đối với hệ thống nhà tạm giữ tại công an cấp huyện cũng chỉ có một sự tách bạch khỏi hệ thống cơ quan cảnh sát điều tra cùng cấp về mặt mô hình, còn thực tế lực lượng cảnh sát hỗ trợ tư pháp tại nhà tạm giữ công an cấp huyện vẫn thuộc cơ quan công an cấp huyện quản lý.
Đại biểu Vinh nêu rõ, từ thực tiễn như vậy, không ít vụ việc bức cung, nhục hình trong thời gian qua vẫn xảy ra trong quá trình điều tra, nhất là giai đoạn tiền khởi tố đối với người bị tạm giam, tạm giữ.
Theo ông Vinh, xét về bộ máy thì cơ bản mô hình hiện nay đã tách biệt giữa hệ thống cơ quan điều tra cùng cấp với các cơ sở tạm giữ, tạm giam nhưng vẫn do công an cấp huyện, tỉnh quản lý chung về nhân lực, con người và bộ máy, ngay cả việc điều động, bổ nhiệm nhân sự cũng bị phụ thuộc thiếu khách quan.
“Cần thiết phải tách việc quản lý nhà tạm giữ, trại tạm giam ra khỏi cơ quan điều tra hình sự, cơ quan công an cấp tỉnh, huyện để bảo đảm tính khách quan trong công tác giam giữ”, ông Vinh nói.
Ông đề nghị tổ chức quản lý trại tạm giam, nhà tạm giữ theo hệ thống mô hình dọc giao công tác tổ chức quản lý giam giữ cho Tổng cục thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp Tổng cục VIII thuộc Bộ Công an quản lý.
Đại biểu Nguyễn Tuyết Liên (Sóc Trăng) cũng đồng tình, cho rằng nên giao cho cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an quản lý mà không giao cho Tổng cục an ninh, Tổng cục cảnh sát trực tiếp quản lý để đảm bảo hoạt động độc lập giữa cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam và cơ quan điều tra nhằm phòng, chống bức cung, nhục hình.
Đại biểu Lê Nam (Thanh Hoá) thắc mắc, điểm a, Khoản 1, Điều 10 khẳng định: "Cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an thực hiện quản lý tạm giữ, tạm giam gọi là cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam thuộc Bộ Công an". Nhưng ngay tại điều luật này cũng quy định bốn trại tạm giam thuộc Bộ Công an do Tổng cục cảnh sát và Tổng cục an ninh quản lý.
“Ngay trong 1 điều luật nó đã có xung đột. Chúng ta đã khẳng định trong luật là cơ quan tạm giữ, tạm giam của Bộ công an là cơ quan tập trung quyền lực, tập trung nhiệm vụ quản lý tạm giữ, tạm giam. Chúng ta giao 4 trại tạm giam này cho 2 tổng cục khác, tôi cho rằng không thống nhất ngay trong 1 điều luật", ông nói.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng, nên đưa về cho Bộ Tư pháp quản lý để bảo đảm nguyên tắc suy đoán vô tội, hoặc được đối xử theo nguyên tắc suy đoán vô tội, đồng thời cũng là một kênh giám sát chống bức cung, mớm cung và nhục hình.
“Tiêu chí chung là việc tạm giữ, tạm giam phải độc lập đối với điều tra viên, công tố viên”, ông Nghĩa nhấn mạnh.
Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết sẽ chỉ đạo cho các cơ quan nghiên cứu tiếp thu đầy đủ, giải trình để báo cáo lại khi xem xét thông qua.
Dự thảo Luật thi hành tạm giữ, tạm giam sẽ được Quốc hội thông qua trong kỳ họp lần này.
Theo TB KTSG