Trung Quốc tuyên bố không nói chuyện Biển Đông tại APEC

Thứ ba, 10/11/2015, 15:18
Trung Quốc tuyên bố không thảo luận về vấn đề Biển Đông tại APEC, nhưng đã cử đại diện tới Philippines, Malaysia, Indonesia thảo luận về các vấn đề.

Tờ New York Times ngày 10/11 đưa tin cho biết, Trung Quốc cho biết không có kế hoạch thảo luận về vấn đề Biển Đông tại Hội nghị APEC tại thủ đô Manila của Philippines vào tuần tới.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình xác nhận sẽ tham dự hội nghị APEC diễn ra tại Manila từ ngày 17-19/11. Một nhóm thành viên của APEC, gồm Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Canada chiếm 57% sản lượng toàn cầu và 46,5% thương mại thế giới.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại hội nghị APEC năm 2013. Ảnh Reuters.

"Mọi người đều biết rằng APEC chủ yếu là thảo luận về thương mại và hợp tác tài chính trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương... Theo như tôi biết, tại hội nghị thượng đỉnh năm nay, không có kế hoạch thảo luận về vấn đề Biển Đông", Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lý Bảo Đông tuyên bố hôm 10/11.

Theo báo Mỹ, Trung Quốc đặc biệt tức giận với việc Philippines đưa khởi kiện Trung Quốc áp dụng và giải thích sai Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) lên Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) ở Hà Lan và tuyên bố sẽ không thừa nhận hay tham gia vụ kiện này.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hôm nay sẽ đến thăm Philippines để thảo luận về việc chuẩn bị cho chuyến thăm của ông Tập Cận Bình cũng như tìm cách cải thiện mối quan hệ giữa Bắc Kinh với Manila.

Trong một động thái khác, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc ra tuyên bố cho biết Tư lệnh Hải quân Trung Quốc, Đô đốc Ngô Thắng Lợi đã lên đường tới thăm Malaysia và Indonesia. Malaysia là một quốc gia có yêu sách tại Biển Đông và có lập trường phản đối các hành vi bành trướng của Bắc Kinh ngày càng rõ.

Trung Quốc mềm nắn rắn buông với Philippines?

Mặc dù tuyên bố không thảo luận về vấn đề Biển Đông tại APEC, tránh né thảo luận công khai vấn đề này tại những diễn đàn quốc tế, phía sau Trung Quốc dường như đang cố gắng sử dụng chiến thuật ngoại giao mềm để xoa dịu từng đối thủ.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị.

Theo CNN, ông Vương Nghị sẽ có cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Philippines Albert Del Rosario và diện kiến Tổng thống Benigno Aquino III.

Chuyến thăm của ông Vương Nghị diễn ra một tuần sau khi Tòa PCA tuyên bố có thẩm quyền xét xử đơn kiện của Philippines chống lại đường lưỡi bò của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Phán quyết được đưa ra sau khi Mỹ công khai tuần tra trong phạm vi 12 hải lý xung quanh các bãi cạn lúc nổi lúc chìm ở Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam) bị Trung Quốc bồi lấp thành đảo nhân tạo (bất hợp pháp).

Trong một tuyên bố trước chuyến thăm, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho rằng quan hệ Bắc Kinh-Manila đang đối mặt với những khó khăn vì những lý do mà "mọi người đều biết, nhưng đó là điều Trung Quốc không mong muốn" (?!). Ông Lỗi nói Bắc Kinh rất chú trọng đến mối quan hệ với Manila, sẵn sàng giải quyết các bất đồng trên cơ sở đối thoại và đàm phán".

Tuyên bố này cho thấy, Trung Quốc đang cố tìm cách tiếp cận mềm mỏng hơn trong vấn đề tranh chấp Biển Đông sau một loạt các sự kiện bất lợi cho nước này gần đây, tờ Straits Times dẫn lời các nhà phân tích cho biết.

Trung Quốc đang cảm thấy bị cô lập sau khi đối mặt với trở ngại pháp lý từ Tòa án Trọng tài, tờ báo Singapore dẫn lời Trương Minh Lượng, chuyên gia Đông Nam Á tại Đại học Kỵ Nam cho biết. Ông Lượng nhận xét:"Việc công bố chuyến thăm của Vương Nghị cùng ngày đưa ra tuyên bố Tập Cận Bình tham dự APEC là dấu hiệu cho thấy có vẻ như Trung Quốc rõ ràng muốn hy vọng sẽ giảm bớt căng thẳng với Philippines".

Tiến sĩ Li Jinming của Đại học Hạ Môn tin chuyến thăm của Ngoại trưởng Trung Quốc sẽ là một cơ hội cho cả hai bên để bình tĩnh thảo luận về một vấn đề đã được đánh dấu bằng nhiều lời lẽ giận dữ, gồm cả nhận xét của Tổng thống Philippines cho rằng Trung Quốc "giống phát xít Đức".

Ông Trương Minh Lượng tin rằng Vương Nghị có thể thảo luận về khả năng Tập Cận Bình sẽ có cuộc hội đàm chính thức với ông Aquino bên lề hội nghị thượng đỉnh APEC. "Biển Đông thực sự đã tạo ra bóng tối đổ lên mối quan hệ giữa Trung Quốc và Philippines. Hai bên cùng hy vọng mau chóng bước ra khỏi cái bóng này", ông Lượng nhận xét.

Theo GDVN

Các tin cũ hơn