Facebook không còn là chỗ riêng tư, nếu bạn công khai mọi thông tin và kết bạn với nhiều người khác. |
“Những gì trên Facebook cá nhân của chúng ta vẫn được xem là bằng chứng trước tòa, nếu có cá nhân hoặc tổ chức nào đó lấy nó để kiện chúng ta về tội xúc phạm, đặt điều không hay về họ. Do đó phải cẩn thận! Đừng nghĩ Facebook cá nhân thì mình làm gì cũng được. Bộ luật Hình sự và Dân sự đều có quy định rõ về điều này”, luật sư Trần Thanh Phong, Ủy viên Hội đồng Luật sư toàn quốc, khẳng định. Dĩ nhiên, khi đó tòa sẽ làm rõ bạn có xúc phạm người khác thực sự hay không, hay việc nói họ “kênh kiệu” chỉ là lời... chê. Tòa chứ không phải là bộ máy quản lý với quyền lực hành chính như hiện nay!
Facebook không còn là chỗ riêng tư, nếu bạn công khai mọi thông tin và kết bạn với nhiều người khác. Để xoa dịu những lo ngại về sự riêng tư, Facebook cho phép người dùng lựa chọn cài đặt bảo mật của riêng mình và lựa chọn những người có thể nhìn thấy. Như vậy, trừ khi chúng ta nhấp vào mục “Chỉ mình tôi” khi viết hoặc đăng bất cứ ảnh gì trên Facebook cá nhân, thì đấy mới đúng nghĩa là trang nhật ký riêng.
Nhưng chơi Facebook để làm gì khi chẳng có ai “like” hay chia sẻ? Nếu nói rằng bạn vẫn có thể kết bạn với nhiều người và vô tư “theo dõi” họ, mà không sợ ai biết gì về mình, thì có thể bạn lầm. Bởi lẽ, những người đã chấp nhận kết bạn với bạn có thể sẽ hủy việc kết bạn này khi thấy sờ sợ làm sao với kẻ chẳng có thông tin gì trên Facebook cá nhân. Nếu bạn muốn nhận được sự chia sẻ, thông thường, bản thân bạn cũng phải chia sẻ.
Facebook giờ nguy hiểm thật, nếu nhìn vào những gì đang diễn ra quanh Facebook. Ngoài những tai nạn kể trên, còn hàng loạt tình huống dở khóc dở cười khác, nếu lỡ bạn viết gì đó “cay nghiệt” hay đăng bức ảnh “tế nhị” nào đó trên Facebook và mọi người xem nó. Nguy hiểm đến mức, nhiều quý ông, quý bà, đã kiên quyết không kết bạn, thậm chí ngăn chặn vợ hoặc chồng mình trên Facebook.
Nhiều công ty khi tuyển người sẵn sàng bỏ cả buổi vào “thăm” Facebook các ứng viên nặng ký. Lỡ trước đây bạn vô tư chém gió, chửi thề, hay đăng những bức ảnh kiểu ăn nhậu thác loạn gì đó, xem như cũng xong! Một số người khi “tuyển” con dâu cũng hay vào Facebook, nhìn thấy ảnh cô nàng chu mỏ, cong chân tự sướng kiểu khó coi, chắc cũng suy nghĩ lại về đứa con dâu tương lai...
Nhưng bạn chỉ cần cẩn thận khi là một “Facebooker”, vậy thôi!
Gần đây có “phong trào” lãnh đạo, cán bộ nhà nước tham gia Facebook để “lắng nghe” ý kiến quần chúng, nhiều người khấp khởi. Chưa biết những gì trên Facebook được các vị nghe tới đâu, đưa vào việc điều hành hay thay đổi cơ chế thế nào, chỉ thấy qua Facebook, gần đây các lãnh đạo (thông qua hệ thống chính quyền) kỷ luật được nhiều người! Phải chăng, một số lãnh đạo và đội ngũ tư vấn tham gia Facebook chỉ để rình rập xem ai nói xấu, góp ý quá thẳng thì kỷ luật?
Đừng lo, nếu bạn là người đàng hoàng kể cả ngoài đời và trên Facebook, thì chẳng cần chặn sếp hay ai đó! Nếu chúng ta chỉ chia sẻ những sự thật, điều hay lẽ phải, những thông tin giải trí chẳng xúc phạm đến ai, và quan trọng nhất là cư xử như người tử tế ngay cả trên mạng thì chẳng có gì phải sợ Facebook. Cộng đồng Facebook theo đuổi những giá trị, mục tiêu đó dần đủ mạnh để đồng hành, đấu tranh, bênh vực bạn.
Nói cách khác, ứng xử trên Facebook hay ngoài đời thường đâu có gì khác: nếu là người có nền văn hóa tốt thì sẽ cư xử tử tế với người khác như những người trưởng thành với nhau.
Thế nào mới là xúc phạm, thế nào mới là gây mất uy tín cơ quan, ảnh hưởng địa phương? Chỉ có tòa án mới có thể phán quyết. Không nên, không thể tồn tại cái kiểu ghép tội thẳng tay, trên chỉ xuống... để thể hiện quyền lực của chiếc ghế. Thời đại ngày một trở nên văn minh hơn đang gây áp lực buộc phải thay đổi theo chuẩn văn minh với tất cả mọi người.
Theo TB KTSG