Tên lửa diệt IS từ tàu ngầm - mũi tên trúng đa đích của Nga

Thứ năm, 10/12/2015, 09:36
Dùng tên lửa hành trình phóng từ tàu ngầm diệt IS là sự lãng phí về kinh tế, nhưng lại đem lại nhiều lợi ích rất lớn khác cho Nga.
Tên lửa hành trình Nga phóng lên từ tàu ngầm Rostov-on-Don. Ảnh: RT

Ngày 8/12, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết tàu ngầm diesel-điện lớp Kilo mang tên Rostov-on-Don của hải quân nước này đã lần đầu tiên phóng các tên lửa hành trình 3M-54 Kalibr, tiêu diệt hai mục tiêu của phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) ở sào huyệt Raqqa tại Syria, RT đưa tin.

Theo chuyên gia phân tích quân sự Tyler Rogoway của FoxtrotAlpha, việc sử dụng tên lửa hành trình phóng từ tàu ngầm của Nga là hành động "bắn một mũi tên trúng nhiều đích", vừa tiêu diệt được các mục tiêu quan trọng của phiến quân IS, vừa quảng bá được tính năng, hiệu quả của tên lửa hành trình và tàu ngầm lớp Kilo cải tiến với các khách hàng tiềm năng, lại vừa răn đe được Mỹ và các đồng minh, đặc biệt là Thổ Nhĩ Kỳ.

Rogoway cho rằng cũng như hai lần phóng tên lửa hành trình từ tàu chiến ở biển Caspian trước đây, vụ phóng tên lửa từ tàu ngầm của Nga là hoàn toàn không cần thiết nếu xét theo khía cạnh hiệu quả kinh tế và quân sự.

Tên lửa 3M-14T phóng từ tàu chiến và phiên bản phóng từ tàu ngầm 3M-54 là các loại tên lửa hành trình mới được Nga đưa vào sử dụng từ năm 2012 đến nay, và đây là lần đầu tiên các vũ khí này được đưa vào sử dụng trong chiến trường thực tế. Tuy nhiên, trên chiến trường Syria, việc sử dụng các loại tên lửa đắt tiền này để diệt IS là sự lãng phí lớn, bởi Nga đang hoàn toàn làm chủ bầu trời Syria bằng các hệ thống phòng không hiện đại của mình, và có thể tiêu diệt các mục tiêu IS bằng những loại bom rẻ tiền hơn nhiều.

Theo Rogoway, khi quyết định ra lệnh phóng những quả tên lửa hành trình này và công bố những đoạn video được quay rất ấn tượng, các chiến lược gia Nga không nhắm mục tiêu chủ yếu vào phiến quân IS, mà là các khách hàng mua vũ khí tiềm năng trên thế giới.

Đoạn video quay cảnh tên lửa 3M-54 phóng ra từ tàu ngầm Rostov-on-Don, vọt lên khỏi mặt nước, lao đi với vận tốc siêu thanh và sau đó là cảnh quay chúng trút xuống mục tiêu ở Raqqa với độ chính xác cao sẽ gây ấn tượng mạnh với khách hàng đang có ý định mua vũ khí Nga, chuyên gia này nhận định.

Tàu ngầm Rostov-on-Don là chiếc tàu lớp Kilo mới nhất của hải quân Nga, vừa mới hoàn thành chuyến chạy thử vào tháng 10 và được điều đến Syria thực hiện nhiệm vụ đầu tiên. Hải quân Nga mô tả đây là "chiếc tàu ngầm êm nhất thế giới" và được NATO gọi bằng biệt danh "Hố đen giữa đại dương" bởi khả năng tàng hình ưu việt của nó trước các loại thiết bị phát hiện tàu ngầm bằng thủy âm.

Tàu ngầm này được trang bị các ngư lôi 533mm và tên lửa hành trình 3M-54. Với lợi thế có kích thước nhỏ, tàu ngầm Rostov-on-Don có thể hoạt động linh hoạt ở cả những vùng biển nông gần bờ trong 45 ngày liên tục.

Rogoway cho rằng với màn ra mắt rất hoành tráng này, Rostov-on-Don đã cho cả thế giới thấy rằng một chiếc tàu ngầm với giá thành rẻ, chỉ vào khoảng 250 triệu USD mỗi chiếc, cũng có thể tung ra những đòn đánh mạnh bằng tên lửa tương đương với những tàu ngầm cỡ lớn của Mỹ hay NATO, và đây sẽ là một lợi thế rất lớn của Nga trong các thương vụ bán tàu ngầm trên thị trường thế giới trong tương lai.


Tàu ngầm lớp Kilo Rostov-on-Don mới được đưa vào hoạt động từ tháng 10. Ảnh:Reuters

Răn đe Mỹ và đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ

Theo giới phân tích, việc Nga liên tục phóng tên lửa hành trình tầm xa để diệt mục tiêu IS là một động thái phô diễn sức mạnh quân sự nhằm răn đe Mỹ và đồng minh, trong bối cảnh quan hệ Nga – Thổ Nhĩ Kỳ đang rất căng thẳng sau vụ Su-24 Nga bị bắn rơi.

"Đây chính là một hành động nhằm phô trương thanh thế, một kiểu đấm ngực của Nga", ông Christopher Harmer, chuyên gia phân tích cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh ở Washington, nhận định.

Tên lửa Kalibr của Nga được cho là một đối thủ nặng ký đối với tên lửa hành trình Tomahawk mà Mỹ rất hay sử dụng trong các cuộc tấn công phủ đầu vào đối phương. Những vụ phóng tên lửa này là lời khẳng định của Nga với thế giới rằng sức mạnh của họ không chỉ nằm trên giấy.

"Chúng ta đã nghe rất nhiều về khả năng quân sự của Nga trên giấy tờ", Harmer nói. "Sức mạnh về lý thuyết là một chuyện, còn việc thể hiện nó trên chiến trường như thế nào lại là chuyện khác".

Theo giới phân tích, việc Nga thông báo cho Mỹ trước khi khai hỏa tên lửa từ tàu ngầm thể hiện sự tự tin rất lớn của các tướng lĩnh nước này vào khả năng thành công và sức hủy diệt của tên lửa Nga, điều mà Mỹ có thể dễ dàng theo dõi và kiểm chứng bằng các phương tiện trinh sát.

Vụ phóng tên lửa hành trình từ tàu ngầm này được thực hiện trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ vừa tỏ ra rất giận dữ trước bức ảnh một quân nhân Nga giương tên lửa vác vai trên tàu chiến đi qua eo biển Bosphorus của nước này. Đây là một eo biển có tầm quan trọng chiến lược đối với tuyến đường tiếp tế từ Hạm đội Biển Đen của Nga tới Syria.

Tên lửa hành trình 3M-54E phiên bản xuất khẩu của Nga. Ảnh: Wikipedia

Theo chuyên gia Stephen Blank thuôc Hội đồng Chính sách Đối ngoại Mỹ, việc Nga phóng tên lửa hành trình từ biển vào mục tiêu IS sâu trong nội địa Syria là một minh chứng cho thấy Nga hoàn toàn có thể khống chế được các địa điểm chiến lược, chẳng hạn như eo biển Bosphorus, bằng hỏa lực tầm xa nếu xung đột nổ ra.

"Chúng ta vừa được chứng kiến một ví dụ nữa về khả năng kết hợp hỏa lực của Nga trong chiến dịch quân sự tại Syria. Nó cho thấy Nga hoàn toàn có khả năng áp đặt sức mạnh bằng hỏa lực tầm xa. Đây dường như là một thông điệp của Nga rằng chúng tôi mạnh, các ông yếu, và các ông không thể làm được những điều như chúng tôi", chuyên gia Blank nhấn mạnh.

Theo VNE

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích