Việc Tổng thống Nga Vladimir Putin tham gia ba diễn đàn lớn nhất thế giới trong tháng 11 vừa qua, gồm Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Antalya (Thổ Nhĩ Kỳ), Hội nghị Khí đốt ở Tehran (Iran) và Hội nghị Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP21) tại Paris (Pháp), cho thấy chỉ trong vòng một năm, nhà lãnh đạo Nga đã chuyển từ trạng thái bị cô lập, xa lánh sang thế thượng phong, trở thành một chính khách không thể thiếu tại những diễn đàn quốc tế quan trọng.
Sự chuyển đổi này được ghi nhận, bắt đầu từ bài phát biểu của Tổng thống Putin hồi cuối tháng 9/2015, trong phiên họp thứ 70 của Đại hội đồng Liên hợp quốc, nơi ông đã kêu gọi hình thành một liên minh quốc tế rộng lớn chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Bài phát biểu của ông cũng nhắc đến liên minh quân sự giữa Liên Xô và phương Tây trong những năm tháng hào hùng chống phát xít Đức trước kia.
Tuy nhiên, phương Tây cũng không hẳn đặc biệt quan tâm đến một thỏa thuận chính thức với Nga, mà nguyên nhân chủ yếu là do họ vẫn tỏ vẻ bất bình trong vấn đề Ukraine. Ngay cả sau khi xảy ra các cuộc tấn công khủng bố ở Washington, Paris và một số thủ đô châu Âu thì tình thế cũng không thực sự đổi khác. Rõ ràng, phương Tây chưa hề muốn mối quan hệ với Nga được lật sang trang mới, cùng gác lại cuộc khủng hoảng Ukraine để tập trung mọi nỗ lực hợp tác chống IS.