TP.HCM sẽ chi 156.000 tỉ đồng để chống ngập

Thứ sáu, 11/12/2015, 09:18
TP.HCM trong 5 năm tới sẽ phải chi hơn 156.000 tỉ đồng cho công tác chống ngập, gồm 88.000 tỉ đồng để xây dựng hệ thống thoát nước thải và 68.000 tỉ đồng để xây đê ngăn triều, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín nói tại phiên chất vấn kỳ họp HĐND thành phố chiều 10-12.
Cảnh người dân lội bì bõm trên đường Nguyễn Văn Quá, Quận 12, TP.HCM

Trước nhiều câu hỏi của các đại biểu HĐND thành phố về giải pháp chống ngập úng đô thị, ông Tín cho biết khoản kinh phí khổng lồ nói trên là cần thiết trong 5 năm tới để xử lý triệt để tình trạng ngập lụt đô thị. Việc chống ngập đã được đưa vào các chương trình hành động trong nhiều năm qua nhưng không hiệu quả do thiếu kinh phí để giải quyết một cách căn cơ tình trạng này.

Ông Tín cho biết Chính phủ đã đồng ý hỗ trợ thành phố triển khai xây dựng các hệ thống đê bao, cống ngăn triều, hệ thống thoát nước nhằm giúp TP.HCM giảm bớt tình trạng ngập nước do mưa, do triều trước xu hướng biến đổi khí hậu như hiện nay.

Vì sao chưa hiệu quả?

Giải trình về tình trạng ngập lụt đô thị kéo dài, ông Nguyễn Hữu Tín nói: “Về chống ngập thì thành phố đã làm trong nhiều năm qua nhưng dường như hiệu quả không rõ lắm, thậm chí có người còn nói chống đầu này thì ngập đầu kia, tình trạng ngập nước ngày càng trầm trọng thêm”.

Ông Tín giải thích rằng điều kiện tự nhiên của TP.HCM có vùng thấp hơn 1,2 mét, có vùng cao hơn 1,2 mét so với mực nước biển, thành phố được bao bọc bởi sông Sài Gòn, Đồng Nai và Vàm Cỏ và hàng trăm cửa sông lớn nhỏ khác. Chưa kể lượng mưa thay đổi không chỉ thay đổi về vũ lượng mà còn về tần suất. "Nếu 40 năm trước, thành phố chỉ có 9 trận mưa kéo dài 3 tiếng, thì 10 năm nay, bình quân mỗi năm có 3 trận mưa với vũ lượng 122mm, điều này cho thấy tần suất và vũ lượng tăng đột biến tác động trực tiếp đến thoát nước mưa cho thành phố", ông nói.

Chưa kể trong 7 năm gần đây đỉnh triều đã vượt mức 1,5 mét, tần suất xuất hiện đỉnh triều tăng, có lúc đỉnh triều chạm mức 1,68 mét và so với cao độ bình quân 1,2 mét thì trên 50% diện tích nằm dưới đỉnh triều (xâm nhập qua hệ thống kênh rạch).

Dân số gia tăng cũng tác động đến hệ thống thoát nước, sau 40 năm dân số đã tăng gấp 4 lần nhưng hạ tầng cống rãnh tăng chậm nên khả năng thoát nước bị vượt giới hạn.

Phân tích thêm nguyên nhân chủ quan, ông Tín thừa nhận rằng nguồn lực tài chính, chi phí hàng năm dành đầu tư, cải tạo, thay thế, nạo vét, duy tu là có nhưng chưa đủ sức giải quyết nên sông rạch ngày càng bồi lắng, công tác quản lý còn lỏng lẻo, một bộ phận người dân còn trực tiếp xả rác xuống kênh,.

Chính phủ đồng ý

Trước thực trạng trên, ông Nguyễn Hữu Tín cho biết thành phố đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt phương án xây dựng thêm 5.000 km cống thoát nước và nạo vét gần 3.000 km kênh rạch để thông thoáng dòng chảy với  tổng kinh phí trong 5 năm tới khoảng 88.000 tỉ đồng.

Bên cạnh đó thành phố cũng cần đầu tư hệ thống nhà máy xử lý nước thải với vốn lên đến hàng trăm triệu đô la Mỹ nữa.

Đó mới là giải quyết ngập do mưa, còn đối với ngập do triều cường xâm nhập vào thành phố qua hệ thống 13 cửa sông lớn và hàng trăm cửa nhỏ trên dọc toàn tuyến sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ, ông Tín cho biết Chính phủ đã có cơ chế cho thành phố vay 10.000 tỉ đồng và xuất khoảng 10.000 tỉ đồng quỹ trung ương cho thành phố xây dựng hệ thống cống, đê bao dọc sông Sài Gòn. Để làm hết hệ thống cống, đê bao này mất khoảng 68.000 tỉ đồng, ông Tín nói.

Ông Tín cho biết trong quá trình làm những công trình lớn nói trên thì thành phố sẽ có những giải pháp tình thế để giảm ngập: bơm di động công suất lớn, bể, túi nước lớn, lắp đặt trạm quan trắc mưa để xử lý những điểm ngập tạm thời.

Theo TB KTSG

Các tin cũ hơn