Dư địa cho giá quá ít
Giá dầu thô ngọt nhẹ giao sau tại thị trường New York đến ngày 23.12 đứng ở mức hơn 36 USD/thùng. Những phiên giao dịch đầu tuần, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ còn giảm dưới 34 USD/thùng, gần mức thấp nhất trong 11 năm qua, còn dầu thô Brent tại thị trường London khoảng 36 USD/thùng, cũng thấp nhất kể từ năm 2004. Nhìn chung, tâm lý thị trường vẫn tin là giá dầu còn giảm. Giới đầu cơ còn dự báo giá dầu không chỉ xuống mốc 20 USD/thùng mà còn giảm xuống mốc mới là 15 USD/thùng vào năm 2016.
Trong lần điều chỉnh giá cuối cùng của năm 2015 (vào ngày 18.12), giá xăng trong nước đã giảm về mốc 16.400 đồng/lít. Giá dầu diesel bán lẻ còn 11.980 đồng/lít và dầu hoả còn 11.060 đồng/lít. Giá bán lẻ dầu mazut cũng còn ở mức 8.162 đồng/kg. Với xăng - mặt hàng tiêu thụ lớn nhất, đây là lần điều chỉnh giá thứ 18 trong năm 2015, trong đó có 12 lần giảm giá và 6 lần tăng giá, song mức giảm tổng cộng chỉ khoảng 1.170 đồng/lít.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận định: “Năm 2015, giá xăng dầu, đặc biệt là xăng giảm ít hơn giá thế giới là quá rõ. Dầu thô thế giới năm nay giảm tới gần 40% kéo theo giá xăng dầu thành phẩm giảm mạnh song giá xăng trong nước hiện chỉ thấp hơn đầu năm gần 1.200 đồng/lít, tức chỉ giảm khoảng 6-7%; giá dầu diesel thấp hơn khoảng gần 5.000 đồng/lít… Đây là điều hết sức vô lý”. Trong khi đó, nhìn vào giá xăng dầu hiện nay, ông Long cho biết, thuế, phí đã tăng lên chiếm tới gần 50% cơ cấu giá. “Chúng ta đang thu thuế từ xăng dầu quá lớn bắt đầu từ năm nay nên không còn nhiều dư địa cho việc giảm giá” - ông Long nhìn nhận.
Người tiêu dùng “gánh” thiệt
Thực tế, thuế nhập khẩu xăng dầu năm nay đã có lúc tăng lên tới 35% và mới chỉ giảm xuống 20% do Việt Nam phải thực thi hiệp định thương mại ASEAN (ATIGA). Thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu cũng tăng lên tới 300% từ 1.5.2015… Đây là những yếu tố điển hình nhất khiến giá xăng dầu không giảm được theo diễn biến giảm của giá xăng dầu thế giới; thậm chí còn làm giá xăng dầu trong nước liên tục bị tăng lên “ngược dòng” với thế giới suốt từ tháng 3 đến tháng 6.2015. Gần đây nhất, khi giá xăng dầu thế giới liên tục giảm mạnh thì giá xăng trong nước cũng chỉ giảm nhỏ giọt, ở các mốc 180 đồng/lít, 250 đồng/lít rồi 390 đồng/lít… Các doanh nghiệp xăng dầuthì liên tục công bố lãi khủng.
“Rõ ràng với 3 chủ thể: Nhà nước thu thuế phí lớn từ xăng dầu, doanh nghiệp công bố lãi khủng từ xăng dầu thì đương nhiên, người tiêu dùng phải chịu thiệt thòi nhất khi giá xăng dầu chỉ giảm nhỏ giọt, không tương xứng” - ông Long phân tích.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cũng cho rằng, chính vì giá xăng dầu trong nước năm nay chưa giảm tương xứng nên đã ảnh hưởng lớn đến sức cạnh tranh của nền kinh tế và đời sống người dân nếu điểm lại 1 năm qua. Theo ông Doanh, xăng dầu là đầu vào chủ yếu của nền kinh tế, quyết định toàn bộ hệ thống giá, chỉ số CPI (chỉ số giá tiêu dùng) của nền kinh tế nhưng vì không giảm tương xứng nên đã không có tác động mạnh tới hoạt động của doanh nghiệp, giúp kéo giá cả của các loại hàng hóa tiêu dùng.
“Minh chứng rõ nhất là giá cước vận tải không giảm được bao nhiêu; giá hàng tiêu dùng như lương thực thực phẩm cũng chẳng chịu xuống; thậm chí giá của nhiều dịch vụ như điện, nước còn tăng lên… Điều này cho thấy việc tận dụng cơ hội giá xăng dầu giảm để nâng cao sức cạnh tranh cho nền kinh tế, giảm chi phí sản xuất kinh doanh đã không để lại dấu ấn nào” - ông Doanh nói. Với người dân khi giá xăng dầu ở mức cao thì không tránh khỏi việc họ phải móc hầu bao nhiều hơn cho các chi chi đi lại, sinh hoạt… mà lẽ ra được giảm.
Chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng cho rằng, đã đến lúc phải thay đổi cơ chế chính sách với mặt hàng xăng dầu để minh bạch hơn, công bằng hơn và hài hòa lợi ích Nhà nước - doanh nghiệp - người tiêu dùng. “Chúng ta không thể giữ mãi một cơ chế điều hành dễ gây nhiễu xu hướng giá thị trường, khiến giá bán lẻ xăng dầu trong nước luôn ở tình trạng “lên nhanh - xuống chậm, tăng nhiều - giảm ít” như suốt một năm qua” - ông Thắng khẳng định.
Ngày 6.1.2015 là lần giảm giá xăng dầu đầu tiên trong năm 2015. Cụ thể: Giá bán các mặt hàng xăng dầu được điều chỉnh giảm tối thiểu: 307 đồng/lít xăng RON 92; 361 đồng/lít dầu diesel 0,05S; 286 đồng/lít dầu hỏa; 201 đồng/kg dầu mazut 180 CST 3,5S. Giá xăng RON 92 khi đó là 17.574 đồng/lít; dầu diesel 0,05S là 16.638 đồng/lít; dầu hỏa là 17.114 đồng/lít; dầu mazut 180CST 3,5S là 12.934 đồng/kg. So với mức giá ngày 6.1.2015, giá xăng cuối năm nay chỉ giảm 1.170 đồng/lít, giảm 6,65%. Giá dầu diesel có 11 lần giảm và 4 lần tăng giá. Mức giảm so với giá đầu năm là 4.650 đồng/lít, tương ứng tỷ lệ giảm tới 27,96%. Dầu hoả có 15 lần giảm và 4 lần tăng giá và hiện, giá bán lẻ đã giảm 6.050 đồng/lít so với giá đầu năm, tỷ lệ giảm 35,35%. Dầu mazut có 12 lần giảm và 4 lần tăng giá, và giá bán lẻ hiện nay giảm 4.870 đồng/kg, tỷ lệ giảm là 37,66%. |
Theo Dân Việt