Chiều 29-12, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, Thượng tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, khẳng định sau khi có ý kiến của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh, các cơ quan có trách nhiệm của Bộ Quốc phòng sẽ triển khai ngay việc giao đất, với tinh thần càng sớm càng tốt để giảm áp lực cho sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM).
Bàn giao càng sớm càng tốt
Thượng tướng Võ Văn Tuấn khẳng định: “Chưa thể nói thông tin cụ thể giao đất như thế nào và bao giờ giao xong, tuy nhiên chúng tôi sẽ làm thủ tục để bàn giao với tinh thần nhanh nhất có thể cho Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) để sớm sử dụng quỹ đất này”.
Trước đó, phát biểu tại hội nghị Chính phủ với các địa phương vào chiều 28-12, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cho biết Bộ Quốc phòng thống nhất bàn giao 20ha đất ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất cho Bộ GTVT và có thể giao thêm diện tích tương tự.
Đường ra vào sân bay Tân Sơn Nhất thường xuyên quá tải |
Theo ông Thanh, dù Bộ GTVT chỉ đề nghị “nhường” 9ha đất ở sân bay Tân Sơn Nhất cho mục đích giao thông nhưng Bộ Quốc phòng đã chủ động bàn giao 20ha trong giai đoạn 1. Việc bàn giao này là do Bộ Quốc phòng nhìn nhận hoạt động của máy bay quân sự ở sân bay Tân Sơn Nhất gây cản trở đến hoạt động bay dân dụng, đặc biệt trong quá trình sửa chữa, bay thử nghiệm. Lực lượng không quân đóng ở Tân Sơn Nhất sẽ di chuyển ra khỏi TP.HCM, đóng ở các địa phương lân cận. Tiếp đó, trong giai đoạn 2, Bộ Quốc phòng giao thêm 20ha đất để cải thiện hạ tầng giao thông, có thể mở đường Cộng Hòa vào sân bay Tân Sơn Nhất để giảm ùn tắc.
Đại tướng Phùng Quang Thanh cho rằng việc bàn giao đất quân sự cho Bộ GTVT sẽ được tiến hành theo hướng lưỡng dụng, khi có nhu cầu thì Bộ Quốc phòng sẽ tái sử dụng. “Ngoài sân bay Tân Sơn Nhất, việc di chuyển lực lượng không quân đóng ở các sân bay Nội Bài, Đà Nẵng cũng đã có lộ trình thực hiện. Ngoài ra, tại Hà Nội, Quân chủng Phòng không - Không quân sẽ bàn giao đất để thủ đô mở rộng đường Lê Trọng Tấn dài khoảng 2km” - ông Thanh thông tin.
Ngoài ra, theo Đại tướng Phùng Quang Thanh, cảng Cam Ranh (Khánh Hòa) dự kiến khánh thành vào cuối tháng 2-2016 với mô hình cảng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa, đan xen lợi ích. “Bên cạnh cảng quân sự dành riêng cho hải quân, quân đội còn xây cảng quốc tế là cảng mở để sau này Khánh Hòa có tàu du lịch cỡ lớn vào, tàu quân sự các nước đến làm dịch vụ hậu cần kỹ thuật. Mô hình cảng mở Cam Ranh sẽ giống cảng Changi của Singapore” - người đứng đầu Bộ Quốc phòng nói.
Cần giải pháp về giao thông
Một lãnh đạo sân bay Tân Sơn Nhất cho biết nhu cầu mở rộng sân bay là rất lớn bởi hiện tình trạng quá tải không chỉ ở khu vực nhà ga mà cả sân đỗ tàu bay, đường lăn cất hạ cánh, đường giao thông kết nối ra vào sân bay…
Liên quan đến 7,63ha đất quân đội đã “nhường” trước đó, theo một lãnh đạo Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, đơn vị đã được bàn giao hơn 4ha và đến khoảng tháng 2-2016, phía quân đội sẽ bàn giao toàn bộ diện tích đất này để xây dựng bãi đỗ máy bay, mở rộng đường lăn M1. Khi đó, số lượng bãi đỗ tàu bay sẽ nâng từ 41 lên 46 vị trí, dù thực tế nhu cầu của các hãng hiện rất lớn. “Tại những cuộc họp gần đây, các hãng hàng không đều kiến nghị xin thêm vị trí đậu do lượng tàu bay mới liên tục nhập về nhưng điều kiện của sân bay có hạn nên chưa thể đáp ứng được” - vị này nói.
Về quy hoạch các đường kết nối với sân bay, đường Trường Sơn vẫn là trục chính 2 chiều với 6 làn xe, có dải phân cách giữa. Đồng thời, trục đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi cũng được hoàn thiện với 2 tuyến riêng biệt. Nhưng thực tế, tình trạng quá tải khu vực ra vào sân bay (khu vực các đường Trường Sơn, Hồng Hà, Bạch Đằng…) xảy ra thường xuyên và vấn đề này lại không nằm trong “tầm tay” của sân bay, mà cần giải pháp liên quan giao thông kết nối của TP HCM.
Người dân muốn sớm xây dựng sân bay Long Thành Ngày 29-12, đoàn công tác của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã có buổi gặp gỡ, đối thoại với người dân trong vùng dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành (sân bay Long Thành, tỉnh Đồng Nai). Tại buổi làm việc, hầu hết người dân đồng thuận với chủ trương thực hiện dự án, tuy nhiên cũng có phần bất an khi nếp sống cũ bị đảo lộn. Cụ Nguyễn Trung (85 tuổi) cho biết nghe kế hoạch giải tỏa làm sân bay từ gần 20 năm trước, đến nay vẫn còn có thể kéo dài cả chục năm nên hết sức lo lắng vì chưa biết thế nào. “Nếu làm thì phải nhanh lên, đền bù sao cho người dân không quá thiệt thòi khi giá đất thị trường đã lên cao” - cụ Trung kiến nghị. Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, ghi nhận toàn bộ ý kiến, nguyện vọng của người dân, tổng hợp rà soát kết hợp với khảo sát thực tế để báo cáo lên Quốc hội. |
Theo NLĐ