“Mức phạt cao nhất” (!?)
Sau khi lời hứa của giám đốc Sở rằng “sẽ tổ chức cuộc họp xem xét lại mức phạt đối với Kangaroo” được báo Lao Động đăng tải trên số 265, ra ngày 16.11, bạn đọc liên tục gọi điện đến đường dây nóng của báo hỏi về mức xử phạt đối với Kangaroo sau khi được Sở Văn hóa Thể thao TP.Hà Nội xem xét lại.
Để có câu trả lời thỏa đáng nhất đến quý bạn đọc, chiều 28.12, PV tiếp tục liên hệ với Giám đốc Sở Tô Văn Động thì một lần nữa nhận được câu trả lời: “Vì bận quá nên chưa tổ chức được cuộc họp”. Sau đó, ông Động cho biết đã giao cho thanh tra sở xử lý nhưng khi liên hệ với Chánh Thanh tra, ông Nguyễn Thanh Phong nói: “Giám đốc Sở chưa chỉ đạo xem xét lại, sao phải xem xét lại? Đó là mức phạt cao nhất” (!?).
Tuy nhiên, xét theo điểm b, khoản 5, Điều 51 Nghị định số 158/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo, Kangaroo có thể bị xử phạt từ 50.000.000 - 70.000.000 đồng. Vậy thì mức phạt 10.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo gian dối về công dụng khiến người tiêu dùng(NTD) hiểu nhầm đây là máy lọc nước diệt được khuẩn của Kangaroo có thực sự là mức xử phạt cao nhất như chánh thanh tra sở nói?
Một đại lý phân phối sản phẩm máy lọc nước Kangaroo trên đường Trường Chinh vẫn dùng biển quảng cáo máy lọc nước RO có tác dụng loại bỏ khuẩn asen, amip. |
Khi PV gọi điện lại một lần nữa cho ông Động, mong muốn được biết bao giờ thì phía Sở mới tiến hành họp xem xét như đã hứa thì ông Động cho rằng, không thể dự kiến trước được thời gian.
Kangaroo vẫn “nổ”
Mặc dù quyết định xử phạt đối với hành vi sai phạm của Kangaroo được Chánh Thanh tra Sở VHTT Hà Nội ký ngày 29.10, mức phạt 10 triệu đồng. Quyết định cũng yêu cầu phải gỡ bỏ ngay toàn bộ nội dung quảng cáo sai phạm nhưng chiều 28.12, khi đi khảo sát một số đại lý phân phối sản phẩm máy lọc nước Kangaroo trên địa bàn Hà Nội, PV vẫn thấy những tấm pano quảng cáo khổ lớn về máy lọc nước KG 110-Omega loại bỏ asen amip vẫn được một số đại lý sử dụng, chưa tháo gỡ.
Nhân viên của đại lý phân phối máy lọc nước Kangaroo tại địa chỉ số 54, đường Trường Chinh (Hà Nội) cho biết: “Cơ quan chức năng chỉ yêu cầu tháo dỡ biển quảng cáo máy lọc nước có khả năng ngăn ngừa mỡ máu chứ không yêu cầu gỡ biển có nội dung loại bỏ asen amip”. Còn trên website Kangaroo.vn của tập đoàn này, tối 29.12 vẫn thấy nội dung “máy lọc nước có khả năng loại bỏ asen amip” phóng to nằm giữa trang.
Trước đó, thời điểm báo bắt đầu triển khai loạt bài về hành vi quảng cáo “nổ” của Kangaroo, trên website chính thức của tập đoàn này, các loại máy lọc nước Kangaroo được quảng cáo không khác gì một chiếc máy “thần” có thể tiêu diệt các loại khuẩn nguy hiểm như amip ăn não người, trùng mủ xanh, ecolly... Chiếc máy này cũng giúp ngăn chặn lão hóa, giải độc cơ thể, tăng cường miễn dịch, phòng ngừa ung thư... . hỗ trợ giảm mỡ máu trong cơ thể… Trong đoạn quảng cáo ghi rõ: “Đặc biệt ở model mới nhất Kangaroo vừa cho ra mắt KG117 có tác dụng loại bỏ các loại khuẩn nguy hiểm như amip ăn não người, trùng mủ xanh, ecolly... Hầu như không thể lọc hoặc tiêu diệt bằng các phương pháp lọc thông thường”.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Minh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị - Công trình y tế - cho biết: “Máy lọc nước Kangaroo không nằm trong danh mục thiết bị y tế nào. Tôi cũng chưa nghe nói về loại máy có thể loại bỏ được vi khuẩn amip ăn não người. Nếu có vi khuẩn, virus thì phải điều trị chứ uống nước lọc thì diệt khuẩn sao được”.
Theo Lao Động