Nông sản Việt bị tiếng xấu

Thứ ba, 29/12/2015, 09:55
Ngày 28-12, tại TP.HCM, Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) nông nghiệp trang trại nông thôn Việt Nam (VFAEA) tổ chức tọa đàm “Đánh giá đúng chất làm chín trái cây ethephon và vấn đề công nghệ sinh học đối với ngành nông sản chế biến”.

Theo ông Nguyễn Lâm Viên, Phó Chủ tịch VFAEA, từ năm 2014 đến nay, sau khi tăng cường kiểm soát, nhiều nước phát hiện nhiều dư lượng hóa chất, kháng sinh trong nông sản nhập từ Việt Nam. “Nông sản Việt Nam đang bị xếp vào nhóm “nguy cơ” như Trung Quốc.

Tại thị trường Bắc Mỹ, các nhà nhập khẩu phải tăng mức mua bảo hiểm cho người tiêu dùng đối với nông sản Việt Nam. Từ đó, nhà nhập khẩu ép giá nông sản nhập từ nước ta để bù vào chi phí hoặc DN Việt phải xuất khẩu sang Thái Lan, Đài Loan trước khi đưa sang Mỹ để né xuất xứ Việt Nam.

Nguyên nhân có phần do thông tin không chính xác như việc “nhúng” vào hóa chất để trái cây mau chín, đẹp. Phát triển nông nghiệp hiện đại không thể thiếu ứng dụng của công nghệ sinh học. Trong chế biến nông sản, không ai có thể chờ từng trái chín rồi mới đưa vào sản xuất, nhất là các loại rất khó chín đều như mít, sầu riêng, chuối” - ông Viên nói.

GS-TS Nguyễn Quang Thạch, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Sinh học Nông nghiệp, cho biết từ lâu, nhiều nước đã sử dụng rộng rãi ethephon trong ngành trồng trọt để kích thích sự chín đều và đồng loạt của các loại quả. Theo thống kê, 74% lượng chuối tiêu thụ trên toàn cầu được làm chín bằng hóa chất, chỉ một lượng nhỏ là chín tự nhiên, cho thấy sự phổ biến của phương pháp này.

Theo TS Nguyễn Đăng Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn nông nghiệp nhiệt đới, cách đây 20 năm đã có một hội đồng khoa học đánh giá chất ethephon và thống nhất đưa nó vào nhóm chất điều hòa sinh trưởng, có dinh dưỡng, chứ không phải là thuốc bảo vệ thực vật. Vấn đề đặt ra là phải sử dụng ethephon đúng cách, không sử dụng nếu không rõ nguồn gốc để bảo đảm an toàn thực phẩm.

Về quản lý nhà nước, ethephon được phép sử dụng theo Danh mục các chất điều tiết sinh trưởng được phép sử dụng trong phân bón ban hành kèm theo Thông tư 36/2010 ngày 24-6-2010 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, việc đăng ký sản phẩm vào danh mục là hết sức khó khăn, dẫn đến tình trạng ethephon lưu hành nhưng chưa đầy đủ cơ sở pháp lý.

Theo NLĐ

Các tin cũ hơn