Truyền thông đã ‘giết’ nông sản Việt?

Thứ ba, 29/12/2015, 11:30
Các nhà khoa học khẳng định chất thúc chín trái cây Ethephon không độc hại và đây là thông tin sai lầm.
Thông tin sai về chất làm chín trái cây Ethephon khiến người tiêu dùng hoang mang, DN xuất khẩu gặp khó. Trong ảnh: Sơ chế chôm chôm xuất khẩu

Gần đây, một số phương tiện thông tin đại chúng đưa tin nhiều nông dân và thương lái tại các tỉnh miền Đông Nam Bộ, Tây Nguyên sử dụng một loại hóa chất có tên là Ethephon để thúc chín trái cây và cho rằng chất này chỉ được dùng để kích thích mủ cây cao su, ảnh hưởng đến sức khỏe con người, thậm chí gây ung thư.

Thông tin trên đã gây hoang mang cho người tiêu dùng, ảnh hưởng đến việc xuất khẩu trái cây Việt Nam ra các nước.

Làm hại xuất khẩu

Ngày 28-12, tại TP.HCM, Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) nông nghiệp trang trại nông thôn Việt Nam và Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao đã tổ chức buổi tọa đàm khoa học “Đánh giá đúng về chất thúc chín trái cây Ethephon và các vấn đề sử dụng hóa học sinh học trong ngành nông sản”.

Tại hội thảo, các DN chế biến, xuất khẩu trái cây cho biết thông tin không đúng về chất Ethephon trên các phương tiện thông tin báo chí đã đến tai các thị trường nước ngoài. Từ đó họ dựng các hàng rào kỹ thuật gây hậu quả nặng nề, không đáng có đối với các DN xuất khẩu nông sản.

Ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng Giám đốc Công ty Vinamit, cho biết năm 2014, các thông tin truyền thông cảnh báo về việc nhúng trái cây trong hóa chất gây ung thư bùng nổ, mà mạnh nhất là năm 2015. Do đó từ đầu năm nay tình hình xuất khẩu từ gạo, khoai lang, các loại trái cây nói riêng cho đến nông sản nói chung đều tụt giảm.

Ông Viên nói hiện nay người tiêu dùng kể cả thị trường châu Á, Bắc Mỹ đều dè dặt với sản phẩm của Việt Nam. Thậm chí họ đánh giá Việt Nam đứng thứ hai sau Trung Quốc - là đất nước có nhiều nông sản thực phẩm gây nguy hại sức khỏe người tiêu dùng. Điều này làm các DN Việt xuất khẩu bế tắc hơn.

Cụ thể, nếu DN Việt xuất khẩu trực tiếp vào Bắc Mỹ, các nhà nhập khẩu tại đây sẽ phải mua bảo hiểm cho khách hàng của đất nước họ cao hơn nước khác. Ví dụ một lô hàng 100.000 USD thì Việt Nam buộc đóng bảo hiểm tới 50% giá trị xuất khẩu. Trong khi Thái Lan, một số nước trong khu vực và ngay cả Đài Loan chỉ phải mua 5%-15%.

“Điều này khiến các nhà nhập khẩu các nước buộc phải mua sản phẩm của Việt Nam giá rẻ và DN xuất khẩu đành phải tìm đường lách khi phải bán qua nước khác như Đài Loan, Thái Lan. Ngay cả Vinamit cũng được các nhà phân phối Mỹ khuyến cáo tốt nhất nên bán hàng qua nước khác, sau đó hãy bán hàng cho họ để người tiêu dùng nước họ cảm thấy yên tâm hơn” - ông Viên than thở.

Chất thúc chín trái cây không độc hại

Thông tin về chất Ethephon, TS khoa học Trần Hạnh Phúc, Viện Sinh học nhiệt đới, cho hay từ năm 1995, Nhà nước đã cho tiến hành dự án “chuyển giao sản xuất thử nghiệm và ứng dụng chế phẩm Ethephon từ Nga vào Việt Nam”. Dự án đã hoàn thành và được Hội đồng nghiệm thu cấp nhà nước nghiệm thu năm 2006.

Theo TS Phúc, kết quả nghiên cứu của dự án được đánh giá cao và cho phép triển khai ứng dụng để điều khiển quá trình ra hoa kết trái của cây trồng theo ý muốn của nhà nông. Qua đó nhằm rải vụ và nghịch vụ các loại cây trái, tránh trái cây chín tập trung trong một thời gian quá ngắn, không tiêu thụ hết, thất thoát nhiều và bị rớt giá, đồng thời phục vụ cho xuất khẩu quanh năm như xoài, nhãn, thanh long…

GS-TS Nguyễn Quang Thạch, Chủ tịch Hội đồng khoa học của Viện Sinh học nông nghiệp, chia sẻ thêm: “Từ lâu các nước trên thế giới đã sử dụng rộng rãi Ethephon trong ngành trồng trọt cả trong và sau thu hoạch để kích thích sự chín đều và đồng loạt của các loại quả. Các thí nghiệm khoa học trên thế giới đã chứng minh chất etylen dạng khí tạo ra khi Ethephon gặp nước không ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Cần quản lý chặt

TS Nguyễn Văn Phong, Viện Cây ăn quả miền Nam, cho biết nguyên nhân chất Ethephon bị hiểu sai là do hóa chất trôi nổi nhập lậu từ Trung Quốc với nhãn mác (tự dán) cũng ghi chất thúc chín trái cây. Bên cạnh đó, một số DN kinh doanh không lành mạnh, không ghi đúng chức năng phù hợp của chất Ethephon…

Từ đó, TS Phong đề nghị các cơ quan chức năng cần thông tin tuyên truyền để nông dân mua những hóa chất có nguồn gốc, công ty có giấy phép đăng ký, nhãn mác đúng quy định.

Trong khi đó, TS Võ Mai, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, phân tích đúng là nếu tất cả loại trái cây chín tự nhiên là tốt nhất, ngon nhất. Tuy nhiên, đối với ngành công nghiệp trái cây, chế biến thực phẩm đòi hỏi phải sử dụng chất Ethephon. Ví dụ, DN muốn xuất khẩu chuối phải chín đồng đều, màu sắc chín đẹp… để khách hàng mua thì phải dùng.

“Vấn đề là hiện nay một số nông dân dùng hóa chất nhưng không rõ nguồn gốc, mượn mác Ethephon... Như vậy, việc sử dụng sản phẩm có thương hiệu và nguồn gốc xuất xứ rõ ràng cũng chính là cách thể hiện lương tâm nghề nghiệp và trách nhiệm xã hội vì sức khỏe của cộng đồng” - TS Mai chia sẻ.

Tôi rất đau lòng!

Vì không hiểu nên có người nói Ethephon là chất độc gây chết người, ung thư nên cấm… Trong khi Ethephon là một tiến bộ khoa học kỹ thuật, không có nước nào là không dùng nó để đẩy mạnh nền công nghiệp hàng hóa của mình. Chẳng hạn, Mỹ cho phép sử dụng chất này với liều lượng thích hợp để làm chín cà chua, dâu, táo… Úc, New Zealand và Hà Lan - những nước có nền nông nghiệp hiện đại đều cho phép sử dụng.

Thế nhưng truyền thông Việt Nam viết những bài dùng những cụm từ nặng nề như “cực độc”, “sự nhẫn tâm, bất lương của nhà sản xuất”, “tắm hóa chất”…

Báo chí có rất nhiều thành tích nhưng cũng đã từng làm hại biết bao nông dân. Một thông tin bưởi gây ung thư đã làm nông dân mất toi 200 tỉ đồng mà người viết không phải ra tòa.

Tôi rất đau lòng vì chính tôi là người đầu tiên mà 20 năm về trước được Nhà nước cho mang chất Ethephon từ Nga về sử dụng và nghiên cứu nhưng đến ngày hôm nay người ta vẫn nói nó độc, gây ung thư.

TS TRẦN HẠNH PHÚC

Ethephon không liên kết chặt chẽ trong mô cây trồng, nó có thể được loại bỏ dễ dàng bằng cách rửa. Do đó dù là trái cây hay rau củ, nên rửa sạch trước khi sử dụng.

Đối với các cơ quan quản lý nhà nước, cần quyết liệt hơn trong việc xử lý những hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ nhằm lành mạnh hóa thị trường và ổn định tâm lý người tiêu dùng. Qua đó tránh tạo ra tâm lý xa lánh hàng Việt Nam, vô tình tiếp tay cho các thương hiệu nhập khẩu chiếm lĩnh thị trường nội địa.

TS NGUYỄN ĐĂNG NGHĨA, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn nông nghiệp nhiệt đới

Theo PL TP.HCM

Các tin cũ hơn