UBND TP.HCM vừa chỉ đạo quận 6 ban hành quy định về các loại hình kinh doanh dịch vụ trên tuyến đường Võ Văn Kiệt. Trong đó, địa phương cần khuyến khích kinh doanh các mặt hàng cao cấp, không cho mở quán ăn đường phố, bãi giữ xe, rửa xe và các mặt hàng ảnh hưởng đến trật tự đô thị và mỹ quan đường phố.
Không còn “trên bến dưới thuyền”
Đường Võ Văn Kiệt ôm sát theo rạch Bến Nghé, kênh Tàu Hủ, rạch Ruột Ngựa, kéo dài từ quận 1 qua quận 5, 6... Đoạn đường đi qua quận 6 kéo dài khoảng 3,5km, từ khoảng ngã ba Võ Văn Kiệt - Ngô Nhân Tịnh đến cầu Rạch Cây.
Mặt tiền đường này được các cá nhân, tổ chức kinh doanh với ba ngành nghề chủ yếu gồm các tổng kho như kho của Công ty Cổ phần Lương thực thực phẩm Safoco, kho của Công ty Sài Gòn Lương thực, Công ty Tinh Minh, My Market, Vĩnh Tin, Cường Phát...; các chành xe về miền Tây như chành xe Cao Lãnh Sáu Quốc, chành xe Mai... và rất nhiều bãi đậu ôtô lớn. Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, các loại hình kinh doanh ăn uống nhỏ lẻ chiếm rất ít.
Ông Huỳnh Minh Hùng, Phó Chủ tịch UBND quận 6, cho biết trong buổi làm việc với UBND TP.HCM gần đây, quận có nêu thực trạng là trên tuyến đường Võ Văn Kiệt (đoạn qua quận 6) có rất nhiều nhà kho cũ, bãi xe, chành xe cũ, trong đó nhiều cái đã xuống cấp, nhếch nhác, mất mỹ quan. Trước đây có bến tàu thuyền nên trên bờ có kho bãi, chành xe để lên xuống hàng hóa, vận chuyển hàng hóa nhưng hiện không còn bến tàu thuyền nữa.
Có thể các kho, chành, bãi xe sẽ chuyển đổi kinh doanh cho phù hợp tình thế mới, đặc biệt là địa thế mặt tiền đường mới khác hẳn với địa thế bến bãi ven kênh rạch ngày trước. Trên cơ sở này, địa phương cũng cần quy hoạch định hướng trước. Tuy nhiên, đây chỉ là ý kiến ban đầu, còn việc quy hoạch ngành nghề cụ thể nào thì phải thống kê lại, đánh giá rồi mới có phương án, lộ trình cụ thể.
Ông Hùng cũng cho rằng buổi làm việc này chỉ có quận 6 và UBND TP. Có thể các quận khác có tuyến đường Võ Văn Kiệt đi qua cũng sẽ có quy hoạch tương tự để tuyến đường này được hoàn chỉnh, đồng bộ.
Một bãi xe trên đường Võ Văn Kiệt, quận 6, TP.HCM. |
Cần thiết có quy hoạch lại
Một chuyên viên của Sở KH&ĐT cho biết việc quy hoạch ngành nghề kinh doanh toàn TP, tại các quận, huyện, theo tuyến đường... được thực hiện từ nhiều năm qua. Sở chấp thuận hoặc từ chối cấp chứng nhận đăng ký kinh doanh cũng dựa theo các quy hoạch này. Việc quy hoạch là cần thiết nhằm giúp các tuyến đường, đặc biệt là các tuyến đường mới xây dựng, chỉnh trang được đảm bảo mỹ quan, phù hợp với tình hình kinh tế-xã hội của quận, huyện.
Ví dụ trước đây, khi đường Hoàng Sa - Trường Sa chưa được xây dựng thì có rất nhiều hộ kinh doanh ve chai, phế liệu, vật liệu xây dựng ven kênh Nhiêu Lộc. Sau khi TP xây dựng hai tuyến đường ven kênh thì UBND quận 3 đã quy hoạch hạn chế hoạt động kinh doanh ve chai, phế liệu, vật liệu xây dựng tại đây.
Một là đảm bảo mỹ quan, hai là đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn giao thông, ba là có thể kích thích phát triển du lịch tuyến đường và kênh này. Tương tự, việc quy hoạch ngành nghề kinh doanh trên tuyến đường mới như đường Võ Văn Kiệt là việc cần làm, không chỉ ở quận 6 mà cũng cần liên kết với các quận khác trên toàn tuyến đường.
Theo thông tin về đăng ký doanh nghiệp tại Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia, hiện có khoảng 130 điểm được đăng ký kinh doanh trên tuyến đường Võ Văn Kiệt, quận 6. Trong đó có gần 30 kho, khoảng 15 công ty vận tải.
Quận 5: Nhắc nhở để tránh mất mỹ quan Ngày xưa, ven đường Hàm Tử (cũ) có rất nhiều nhà dân kinh doanh vật liệu xây dựng như gạch, đất, cát... với các thuyền cập bến Kinh Tàu Hủ. Sau khi đường Hàm Tử được giải tỏa, mở rộng, hình thành tuyến đường Võ Văn Kiệt mới thì không còn cảnh “trên bến dưới thuyền” nữa. Tuy nhiên, nhiều nhà vẫn kinh doanh ngành nghề cũ ổn định như trước, một số hộ dân cũng đã đăng ký công ty. Vì vậy, quận 5 không quy hoạch lại ngành nghề trên đoạn đường Võ Văn Kiệt đi qua quận 5 (khoảng 4km). Chỉ có vấn đề phát sinh là nhiều người bày bán vật liệu tràn ra ngoài, chiếm dụng lòng lề đường, gây mất mỹ quan thì các phường thường xuyên đi kiểm tra, nhắc nhở, xử lý… Ông Phạm Quốc Huy, Chủ tịch UBND quận 5, TP.HCM |
Đã dẹp thì dẹp cho hết Chành xe tôi đã hoạt động hơn ba năm nay. Ở đây có rất nhiều chành xe, bãi xe, kho cũ. Nhiều kho cũ cũng bỏ không làm kho nữa mà cho thuê mặt bằng làm chành xe, bãi xe. Nếu mà quy hoạch dẹp hết thì tôi cũng phải tìm chỗ khác làm chành, đậu xe tiếp thôi. Nhiều con đường nhỏ quanh đây cũng có chành xe, không khó để tìm chỗ. Nhưng mà Nhà nước đã quy hoạch, đã cấm, đã dẹp thì dẹp cho hết chứ chỗ thì dẹp, chỗ thì để lại là không công bằng, dân không phục đâu. Ông NVT, chủ một chành xe đi Đồng Nai |