Các hãng xe khách vẫn đang "nhìn nhau" trong việc kê khai điều chỉnh giảm giá cước. |
Các hãng xe khách đang “ngóng” nhau
Trong lần điều chỉnh giá xăng dầu lần thứ 18 mới đây của liên Bộ Tài chính – Công thương, giá xăng RON 92 đã giảm thêm 391 đồng/lít về mức 16.400 đồng/lít và giá dầu diesel giảm 1.246 đồng/lít còn 11.984 đồng/lít. Tính từ giữa tháng 10/2015 đến nay, đây là lần điều chỉnh giá xăng dầu giảm thứ 5 liên tiếp và là lần điều chỉnh cuối cùng trong năm.
Giá xăng dầu đã giảm và có tác động trực tiếp đến giá cước vận tải bởi chi phí cho nhiên liệu đang chiếm khoảng 30% giá thành vận tải. Thế nhưng thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp kinh doanh vận tải trên địa bàn TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung vẫn “chây ỳ” chưa chịu giảm giá cước.
Theo Sở Tài chính TP.HCM, tính đến ngày 25/12 đã có 16/49 doanh nghiệp kinh doanh vận tải tuyến cố định kê khai giá cước mới, với mức giảm từ 1,7% - 7,9%. Trong đó, một số hãng xe khách chạy tuyến TP.HCM – Quảng Ngãi đã giảm giá vé từ 10.000 – 15.000 đồng. Sau ngày 28/12, với những doanh nghiệp chậm trễ kê khai, Sở Tài chính đề nghị lập danh sách chuyển sang thanh tra sở để kiểm tra.
Trao đổi với PV, ông Thượng Thanh Hải – Phó Giám đốc Bến xe miền Đông cho hay, trước tình hình giá xăng dầu giảm trong những ngày qua, tính đến ngày 29/12 mới có khoảng 30 doanh nghiệp đăng ký kê khai giá cước mới. Đây là con số khá khiêm tốn bởi tại bến xe này đang có hơn 200 doanh nghiệp xe khách hoạt động.
Cũng theo ông Hải, một số hãng xe khách đã đưa ra giá cước mới cho dịp cao điểm Tết Dương lịch năm 2016 và Tết Nguyên đán Bính Thân sắp tới có cả tăng và giảm so với mức giá cũ. Với mức giảm, để cạnh tranh trong dịp cao điểm cuối năm, các hãng xe vẫn đang “nhìn nhau” và mức giảm chỉ là nhỏ giọt.
Trong khi đó các hãng xe điều chỉnh tăng giá vé thì cho rằng do cộng thêm mức phụ thu giá vé ngày Tết, chi phí phát sinh trong dịp lễ Tết nên tăng giá là phù hợp. Chủ hãng xe chạy tuyến TP.HCM – Buôn Ma Thuột cho biết, giá xăng dầu trong nước thay đổi liên tục kiểu “nay tăng mai giảm” và việc đăng ký kê khai với thủ tục rườm rà nên chưa vội thực hiện điều chỉnh. Tại Bến xe miền Tây, số hãng xe đăng ký giá cước mới là không đáng kể, mức giảm cũng rất nhỏ giọt.
Cùng với đó, giá cước taxi tại TP.HCM vẫn đang “giậm chân tại chỗ”. Sau khi giá xăng dầu điều chỉnh giảm vào ngày 18/12 vừa qua, một số hãng taxi đang hoạt động trên địa bàn thành phố đã có văn bản trình Sở Tài chính xem xét xin được giữ nguyên giá cước. Sở Tài chính cho biết, nếu thấy việc xin giữ giá cước của các hãng taxi này không phù hợp sẽ có quyết định.
14.000 lượt xe phục vụ người dân
Trong 3 ngày nghỉ Tết Dương lịch năm 2016, theo dự báo của Bến xe miền Đông, lượng hành khác đi lại trong dịp lễ này sẽ tăng nhưng không cao trên một số tuyến đường từ Bình Định trở vào các tỉnh phía Nam và Tây Nguyên.
Với Tết Nguyên đán Bính Thân, Bến xe miền Đông cũng có chuẩn bị kế hoạch phục vụ hành khách trong 20 ngày (trước và sau Tết). Riêng các hãng xe đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân về các tỉnh phía Bắc , miền Trung và Tây Nguyên sẽ triển khai sớm hơn, bắt đầu từ ngày 12 tháng Chạp năm Ất Mùi.
Theo ông Thượng Thanh Hải, so với năm ngoái dự báo số lượng hành khách qua Bến xe miền Đông dịp Tết Bính Thân năm nay không tăng và tập trung đi lại cao điểm nhất vào các ngày từ 22 – 27 tháng Chạp. Bến xe miền Đông đã chuẩn bị hơn 14.000 lượt xe phục vụ cho gần 360.000 lượt khách. Phó giám đốc Bến xe miền Đông cho biết, so với năm trước giá vé xe dịp Tết năm nay nhìn chung không chênh lệch nhiều.
Bắt đầu từ ngày 10/1 - 4/2/2016, Bến xe miền Đông sẽ triển khai bán vé trước do các hãng xe ủy thác, xe tăng cường trái tuyến, xe buýt và xe hợp đồng tăng cường phục vụ người dân về quê đón Tết.
Theo Infonet