Hồi bé tôi thường cùng đám bạn chăn bò len lỏi giữa những đám cỏ tranh tốt um tùm leo lên nóc lô cốt chơi, khi đó chưa có những cánh rừng cao su che khuất tầm nhìn. Trong những ngày trời quang mây, phóng tầm mắt ra xa có thể nhìn thấy bãi Cửa Tùng như người thiếu nữ lõa thể trên mặt biển khơi xanh thẳm. Xa xa đảo Cồn Cỏ như con thuyền rẽ sóng vào bờ. Tất cả thu vào tầm mắt trẻ thơ.
Thế mới biết vì sao người Mỹ biến nó thành một cứ điểm chiến lược, con mắt thần trên tuyến hàng rào điện tử khét tiếng trong lịch sử cuộc chiến tranh. Chiến tranh đã qua từ lâu nhưng bóng dáng nó vẫn còn hiện hữu với những chiếc mũ sắt chỏng chơ, những cuộn thép gai bùng nhùng nhức mắt, trên bức tường lô cốt dày gần một mét loang lổ hình ảnh những con đầm khỏa thân có lẽ do lính Mỹ nhớ nhà vẽ lên.
Mấy chục năm hôm nay mới có dịp trở lại, chiều hè nắng gắt nhưng vẫn thấy buồn buồn, lành lạnh... Hình như âm khí vẫn còn nặng nề, những linh hồn còn phiêu bạt vẫn còn lẩn khuất. Dưới chân đồi xuất hiện một chiếc xe hơi màu sữa chạy chậm dần rồi dừng hẳn, bước từ trong xe ra là mấy người ngoại quốc, một người đàn ông tóc bạc trắng chắc gần bảy mươi đang chỉ trỏ nói gì đó với anh hướng dẫn viên. Rồi ông dừng lại trầm ngâm rất lâu trước căn hầm... Hỏi ra mới biết ông cũng là cựu binh ở chiến trường Quảng Trị, đóng quân ở Khe Sanh, còn bạn ông đóng quân và tử nạn ở đây, không tìm thấy xác. Nhìn những giọt nước mắt lăn dài trên đôi gò má nhăn nheo của người cựu binh bỗng trào dâng một nỗi niềm thương cảm. Dù ở bên kia chiến tuyến họ vẫn là con người, chính nghĩa hay phi nghĩa gì cũng là đau thương mất mát. Là thế, tham vọng bá quyền dù được che đậy bằng những mĩ từ thì bản chất vẫn là tội ác, có khi nào họ ngồi lại và tự vấn lương tâm vì mình là tội nhân của lịch sử không nhỉ?
Theo dantri.vn