Những người đang dùng thuốc lâu ngày cũng có thể bị tác dụng phụ của thuốc gây tê tay chân. Bạn đang dùng thuốc điều trị lao, là loại thuốc phải dùng kéo dài 8 - 9 tháng nên rất có thể tình trạng tê tay chân là do tác dụng phụ của thuốc. Tác dụng phụ gây tê tay chân của các thuốc như rimifon (một loại thuốc trị lao chủ yếu, còn có tên khác là INH), lithium, nitrofurantoin, cisplatin, hydralazine, amitriptyline, sulfonamides, amiodarone, metronidazole, dapsone, disulfiram, chloramphenicol... đều đã được cảnh báo trước.
Các thuốc này được dùng để chữa nhiều bệnh từ lao, nhiễm trùng, phong, mất ngủ, trầm cảm, loạn nhịp tim... Những người nghiện rượu, nhiễm trùng mạn tính, HIV/AIDS, giời leo, phong cùi, ung thư, bệnh suy tuyến giáp... cũng hay có triệu chứng tê tay chân. Người đang tiêm streptomycin (thuốc kháng sinh điều trị lao) cũng có thể gặp phản ứng phụ là tê quanh môi, cảm giác tê như kiến bò trên cơ thể. Đây là phản ứng nhẹ nên cần giải thích cho người dùng thuốc yên tâm và sau một thời gian sẽ hết.
Và hướng dùng thuốc chữa
Để khắc phục tình trạng tê tay chân, cần loại trừ các nguyên nhân gây ra nói trên. Triệu chứng tê tay chân khi đi thăm khám bệnh thường được nghĩ đến các nguyên nhân do thần kinh. Vì vậy, các thuốc vitamin nhóm B hay được sử dụng. Tuy nhiên, nhiều khi tê tay chân là do việc dùng kéo dài một số thuốc nguy cơ đã nêu ở trên. Khi đó, cần cân nhắc để giảm liều hoặc dừng thuốc đang sử dụng. Ví dụ như trong trường hợp đang điều trị lao phải dùng isoniazid (rimifon, INH), đây là một trong các thuốc chống lao quan trọng, có mặt trong tất cả các công thức điều trị lao.
Thuốc này có phản ứng phụ là gây viêm dây thần kinh ngoại biên, làm cho người đang uống INH có cảm giác tê nhức tay chân, đau cơ, mất phản xạ, phát ban ngoài da… Khi đó, cần dùng ngay vitamin B6 để điều trị triệu chứng. Nếu tình trạng tê tay chân nặng và đang nội trú trong bệnh viện thì nên dùng vitamin B6 tiêm. Nếu người dùng thuốc đang điều trị ngoại trú thì cần phải đến kiểm tra lại tại cơ sở y tế gần nhất và có thể uống bổ sung vitamin B6 dạng viên theo hướng dẫn của thầy thuốc.
Hiện nay, với các bệnh nhân đang điều trị lao, thuốc cấp về nhà ngoại trú bao gồm thuốc chống lao và các thuốc phụ trợ, trong đó luôn luôn có các thuốc bổ sung vitamin nhóm B và thuốc giải độc gan như arginin, L-orthinin asparat, silymarin, nhuận gan giải độc… Người bệnh cần phải tuân thủ hướng dẫn, uống đủ các loại thuốc kèm theo để tránh các tác dụng phụ của thuốc chống lao.
Nếu tình trạng tê tay chân là do tư thế hoạt động, làm việc thì cần phải thay đổi và chú ý vận động để tránh máu bị dồn ép cục bộ. Bên cạnh đó, người bệnh cần phải dùng phối hợp thêm một số loại vitamin nhóm B, nhất là vitamin B12, B6, B1.
Nếu tê phù do thiếu vitamin B1 thì cần phải tiêm B1 liều cao theo chỉ định của thầy thuốc sẽ tác dụng rất tốt. Trên thị trường có một số biệt dược phối hợp vitamin B1, B6, B12 ở dạng tiêm thường được dùng trong các chứng đau do tổn thương dây thần kinh hoặc tê tay chân. Nếu bị nhẹ, người bệnh nên uống bổ sung hàng ngày viên B complex, trong đó có thành phần của B1, B6, B12.
Và chú ý trong khi lao động, làm việc cần phải thay đổi các tư thế có thể làm tê tay chân như ngồi lâu, đứng lâu, treo mình trên dây hoặc mặc quần áo quá chật… để tránh. Cần ăn uống cân bằng đủ chất hơn để tránh bị thiếu vitamin. Nếu triệu chứng tê tay chân kéo dài, thường xuyên và khó chịu, nên đến các cơ sở y tế sớm để được thăm khám, làm các xét nghiệm cần thiết, có chẩn đoán chính xác để có cách điều trị thích hợp và kịp thời.
Sưu tầm