Mang thai ngoài ý muốn xảy ra rất nhiều hằng năm. Chị em thường hối tiếc khi để “lỡ” kế hoạch. |
|
Hơn 42%
Hội nghị chuyên đề “Phòng tránh thai khu vực châu Á - Thái Bình Dương” được tổ chức tại Thái Lan mới đây, do Công ty Merck Sharp & Dohme tổ chức dành cho giới y khoa và truyền thông. Báo cáo tham luận tại hội nghị của Giáo sư Anneliese Schwenkhagen (đến từ Trung tâm y học sinh sản, nội tiết và phụ khoa, Đức) cho rằng, mặc dù đã có nhiều biện pháp tránh thai, nhưng hằng năm trên thế giới, trong số hơn 200 triệu chị em mang thai, có đến hơn 85 triệu trường hợp mang thai ngoài ý muốn (lỡ kế hoạch, chiếm hơn 42%).
Trong số mang thai ngoài ý muốn đó, có khoảng 33 triệu ca sinh đẻ ngoài ý muốn; 11 triệu ca sẩy thai, 41 triệu ca bỏ thai (trong số này, có gần một nửa thực hiện bỏ thai trong điều kiện không an toàn, chiếm nhiều ở các nước đang phát triển). “Việc mang thai ngoài ý muốn ở tuổi vị thành niên (15-19 tuổi) là mối quan ngại lớn, bởi độ tuổi này chiếm 85% số ca mang thai ngoài ý muốn”, Giáo sư Anneliese Schwenkhagen nói.
Thiếu thông tin và hiểu sai
Theo bác sĩ Edith Weisberg (Úc), hiện nay có rất nhiều biện pháp tránh thai để chị em phụ nữ lựa chọn như: thuốc uống, cấy que, thiết bị đặt trong tử cung, bao cao su, dùng màng ngăn, thuốc tiêm... Mặc dù có nhiều biện pháp, tuy nhiên bác sĩ Therese Foran (Bệnh viện phụ sản Hoàng gia Sydney, Úc) cho rằng, nhiều phụ nữ thiếu thông tin về các biện pháp tránh thai, và hiểu sai về thuốc ngừa thai nội tiết (những hiểu sai đó là: thuốc ngừa thai nội tiết sẽ gây vô sinh, gây ung thư, béo phì, giảm ham muốn tình dục...), nên thiếu áp dụng biện pháp tránh thai.
Do vậy, các bác sĩ, nhân viên y tế về chăm sóc sức khỏe sinh sản cần cung cấp thông tin đầy đủ, đưa ra các dẫn chứng khoa học cho các cặp vợ chồng hiểu rõ. Giáo sư Johannes Bitzer (đến từ Hà Lan) nói, việc hướng dẫn các biện pháp tránh thai là để giúp chị em lựa chọn cho mình biện pháp tránh thai phù hợp nhất với sức khỏe, đời sống tình dục và an toàn. Theo Giáo sư Anneliese Schwenkhagen, 82% phụ nữ có thai ngoài ý muốn là do không hiểu biết rõ ràng, đầy đủ thông tin về các biện pháp tránh thai. Việc bị “lỡ” kế hoạch, sẽ ảnh hưởng đến tâm lý, công việc của người phụ nữ.
Tham dự hội nghị này còn có đại diện Bệnh viện phụ sản Từ Dũ (TP.HCM). Bác sĩ Ngô Thị Yên, Phó khoa Khám bệnh của bệnh viện này cho biết, trong năm 2011 bệnh viện tiếp nhận 30.921 lượt phụ nữ có nhu cầu tránh thai, trong số đó nhiều nhất là dùng biện pháp tránh thai bằng bao cao su (chiếm 67,7%), kế đến là dùng viên thuốc ngừa thai (chiếm 21,1%), tiếp nữa là đặt vòng (chiếm 8,4%)... Bác sĩ Lê Quang Thanh - Phó giám đốc Bệnh viện Từ Dũ cũng cho rằng, vì bệnh viện quá tải nên việc bác sĩ, nhân viên y tế chủ động tư vấn các biện pháp ngừa thai cho chị em sau khi sinh đẻ tại bệnh viện chưa được chu đáo. Bác sĩ Quang Thanh lưu ý, người tư vấn các biện pháp tránh thai cho chị em cần nắm rõ chuyên môn, kỹ năng.
Trong buổi làm việc với phóng viên các nước, bác sĩ Therese Foran cho hay, ngay cả quý ông cũng cần nắm rõ về các biện pháp tránh thai ở phụ nữ, để giúp chị em không bị mang thai ngoài ý muốn.
Theo thanhnien.vn