Hang nằm trên ngọn núi trên quốc lộ 217, thuộc địa phận thôn Khung, xã Thiết Kế, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa, ở độ cao khoảng 200 mét tính từ chân núi, chiều rộng và chiều sâu của hang khoảng 10 mét. Đường lên hang vô cùng hiểm trở với những vách đá dựng đứng.
Hang nằm cheo leo trên vách núi, đường lên cửa hang hiểm trở, dựng đứng
Trước cửa hang là một xương đầu trâu được đặt ngay ngắn trên một phiến đá lớn, cạnh đó là 6 bộ quan tài nằm ngổn ngang, tất cả đều không còn nguyên vẹn. Cái nhỏ nhất dài khoảng 2,5 mét, rộng khoảng 0,5 mét; cái lớn nhất dài khoảng 3,5 mét và rộng khoảng 0,7 mét.
Khắp trong hang có nhiều mẩu xương lạ, chủ yếu là xương đầu và chi của các loài thú. Ngoài ra còn có một bộ xương hàm giống xương hàm người.
Theo lời của người dân nơi đây, hang này được phát hiện lần đầu cách đây 10 năm, do một người đàn ông trong làng đi chặt củi vô tình tìm thấy. Sau đó một số người tò mò đã leo núi vào hang thử khám phá song do đường vào cửa hang quá khó khăn nên về sau số người tới hang ít dần.
6 quan tài cổ trong hang và nhiều mẩu xương thú lạ
Khi được hỏi về lịch sử hang, người dân thôn Khung không một ai biết rõ. Điều kỳ lạ là đường lên hang khó đi như vậy, người đi không còn phải leo trèo rất vất vả, nhưng trong hang lại có những bộ quan tài to lớn, đặt lưng chừng cheo leo. Ngoài ra còn có những mẩu xương thú như xương trâu, xương thú lạ rải rác khắp hang.
Liệu đây có phải là hình thức mai táng treo như giả thiết của các nhà khoa học ở Thanh Hóa? Câu hỏi này cần chờ sự giải đáp chính xác của các cơ quan chức năng. Còn theo nhận định của ông Lê Minh Cót, Chủ tịch UBND xã Thiết Kế, hang động này chính là một ngôi mộ theo hình thức mai táng treo cổ xưa ở vùng đất này.
Theo baodatviet.vn