Đề xuất không cho thí sinh đổi nguyện vọng xét tuyển

Thứ sáu, 22/01/2016, 09:24
Trước khi quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2016 được Bộ GD&ĐT ban hành, lãnh đạo một số trường đề xuất giảm số nguyện vọng và hạn chế rút hồ sơ để tránh lặp lại bất cập xét tuyển.

Ngày cuối cùng của đợt một xét tuyển ĐH, CĐ năm 2015 được nhiều người đánh giá là "kỳ dị", khi thí sinh phải căng thẳng trực tại các điểm nộp - rút hồ sơ đến phút chót.

Nhiều em đủ điểm đỗ bỗng thành trượt vì điểm chuẩn tạm thời thay đổi theo số lượng hồ sơ nộp vào trường. Đây cũng được coi là một trong những bất cập lớn nhất của kỳ thi THPT quốc gia lần đầu tiên được tổ chức năm 2015.

Để tránh những bất cập này, nhiều lãnh đạo đại học đưa ra phương án thí sinh chỉ nộp hồ sơ một lần và không thay đổi.

Không nên đổi nguyện vọng xét tuyển

GS.TS Nguyễn Quang Kim, Hiệu trưởng Đại học Thủy Lợi cho rằng, kỳ tuyển sinh 2016 không nên cho thí sinh quyền thay đổi nguyện vọng xét tuyển. Mỗi em chỉ được phép đăng ký vào 2 trường, số nguyện vọng ở mỗi trường sẽ do trường đó quyết định.

Phiếu đăng ký nguyện vọng của thí sinh nên ghi đầy đủ thông tin của cả 2 nguyện vọng để trường biết nguyện vọng 2 vào trường, ngành nào, có khả năng trúng tuyển không.

Thí sinh chờ đợi làm thủ tục nộp, rút hồ sơ tại Đại học Kinh tế Quốc dân trong ngày cuối cùng của đợt xét tuyển đợt một năm 2015. Ảnh: Lê Hiếu.

Theo PGS. TS Đỗ Văn Xê, Phó hiệu trưởng Đại học Cần Thơ, để tránh việc các em "kêu than" vì khâu xét tuyển, nên quy định mỗi người chỉ có 2 nguyện vọng vào 2 trường khác nhau. Trong thời gian xét tuyển, không cho rút hồ sơ để tránh lộn xộn như năm ngoái.

Trước đó, Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết, kỳ thi THPT quốc gia 2016 cơ bản ổn định như năm ngoái. Những bất cập về tuyển sinh, đặc biệt trong khâu xét tuyển, sẽ được khắc phục triệt để.

Cũng liên quan khâu xét tuyển, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM nêu quan điểm, thời gian nên rút ngắn còn 10 ngày là hợp lý (năm ngoái 20 ngày - PV). Điểm ưu tiên ở các khu vực cũng nên giảm xuống bằng một nửa so với năm ngoái để tạo công bằng hơn cho thí sinh, tránh gây tranh cãi.

Về việc tổ chức thi và chấm thi, ông Dũng cho rằng, năm 2015, Bộ GD&ĐT làm rất tốt, năm nay nên tăng cường điểm thi và cụm thi.

Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT có thể hướng đến nộp hồ sơ qua mạng, không bắt buộc các em chuẩn bị hồ sơ, bằng tốt nghiệp, giấy chứng nhận tốt nghiệp..., tận dụng thông tin đã có ở cơ sở dữ liệu quốc gia để giảm nhẹ thủ tục, giấy tờ cho thí sinh. Thí sinh cũng phải chịu trách nhiệm về thông tin khai báo của mình.

"Năm nay, phần mềm xét tuyển trực tuyến chung của Bộ GD&ĐT dự kiến giao cho đơn vị khác xây dựng nên hy vọng sẽ có nhiều trường tin dùng", ông Dũng nhận định.

Cảnh giác với điểm chuẩn ảo

Trao đổi với Zing.vn, PGS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội cũng tán thành phương án 2 nguyện vọng vào hai trường mà lãnh đạo một số đại học đưa ra. Tuy nhiên, ông đề xuất có thứ tự ưu tiên cho từng nguyện vọng, tránh tình trạng thí sinh "bắt cá hai tay", khiến các trường khó xác định điểm chuẩn.

Cụ thể, ông Sơn lo ngại, nếu thí sinh được phép nộp vào 2 trường cùng lúc, số hồ sơ ở mỗi trường có thể tăng lên gấp đôi, đồng thời điểm chuẩn dự kiến cũng buộc phải tăng. Điều này dẫn đến nhiều thí sinh mất cơ hội vào trường vì... ảo.

"Rõ ràng với lượng thí sinh không thay đổi, nếu các em được rải hồ sơ ở nhiều trường thì điểm chuẩn sẽ bị thổi phồng như 'bong bóng bất động sản'", lãnh đạo Đại học Bách khoa Hà Nội nhận định.

Trong kỳ tuyển sinh 2015, hiện tượng điểm chuẩn ảo không xảy ra ở đợt xét tuyển thứ nhất vì mỗi thí sinh chỉ được đăng ký một trường, nhưng đến các đợt sau, thí sinh được nộp 3 phiếu xét tuyển cùng lúc vào các trường, tất yếu dẫn đến điểm chuẩn ảo.

Nên điều chỉnh cơ cấu đề thi

PGS Đỗ Văn Dũng nhận định, đề năm ngoái hơi dễ, phổ điểm 7 và 8 quá nhiều. Nhiều thí sinh đạt điểm 22 khiến nhà trường rất khó xét trúng tuyển. Năm nay, đề thi nên tăng thêm các câu khó.

Đồng ý quan điểm này, thầy Dương Văn Cẩn, giáo viên Vật Lý trường THPT Việt Đức, Hà Nội cho rằng, cơ cấu đề thi năm 2016 nên thay đổi theo hướng 40% câu dễ và 60% câu khó.

Thầy Cẩn nêu vấn đề: "Ở môn thi Vật lý THPT quốc gia 2015, cả nước chỉ có 1 học sinh được điểm 10, quá nhiều học sinh được trên 6 điểm. Phổ điểm để cạnh tranh vào đại học chỉ còn từ điểm 7 đến điểm 9. Phổ hẹp như vậy sẽ làm tăng tính may rủi, khó phân loại thí sinh".

Theo Zing

Các tin cũ hơn