Sáng nay, tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, GS.TS. Nguyễn Viết Tiến - Thứ trưởng Bộ Y tế, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Quốc gia là người trực tiếp tiến hành ca mổ sinh cho trường hợp mang thai hộ (MTH) đầu tiên tại Việt Nam.
Em bé đầu tiên ra đời bằng phương pháp mang thai hộ. |
Vợ chồng chị H. từ sáng sớm đã có mặt tại bệnh viện để chuẩn bị chào đón đứa con được sinh bằng phương pháp đặc biệt này.
Chị chia sẻ, những khiếm khuyết bẩm sinh về hệ sinh sản khiến chị không thể mang thai. Suốt 16 năm trời chạy chữa không thành công nên sau khi luật về MTH được thông qua, tháng 3/2015, anh chị đã làm thủ tục đăng ký.
Người mang thai hộ cho chị chính là người cô, năm nay đã 46 tuổi. Đây là người duy nhất có đủ điều kiện giúp chị thực hiện ý nguyện. Đón con gái từ tay Thứ trưởng Tiến, vợ chồng chị H không kìm nén được cảm xúc. Chị nói trong nước mắt nghẹn ngào: "Tôi thực sự hạnh phúc. Cháu bé rất đẹp. Chúng tôi sẽ đặt tên con gái là Đinh Quỳnh Anh".
Sau khi bé chào đời, người cô mang thai hộ sẽ giúp vợ chồng chị nuôi con bằng sữa mẹ trong 1 tháng. Sau đó em bé sẽ được nuôi bằng sữa công thức.
GS.TS Nguyễn Việt Tiến - người trực tiếp mổ trao em bé mới chào đời cho người mẹ. |
Giáo sư Tiến cho hay, mang thai hộ là hình thức nhờ lấy trứng của mẹ và tinh trùng của bố để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó chuyển phôi vào tử cung cho người phụ nữ tự nguyện mang thai. Phôi được chuyển vào hoàn toàn không mang yếu tố di truyền của người được MTH. Chỉ khi người này ốm yếu thì ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi chứ không ảnh hưởng gì đến di truyền của đứa trẻ.
Việc thực hiện kỹ thuật này hoàn toàn khác với tiến trình xin noãn, xin phôi, xin tinh trùng. Những cặp vợ chồng phải nhờ đến kỹ thuật MTH vì bản thân người phụ nữ không có tử cung (bệnh lý bẩm sinh) nhưng vẫn có buồng trứng hoặc có tử cung bất thường. Trường hợp như vậy kỹ thuật lấy noãn cũng khó khăn hơn nhiều. Thậm chí có trường hợp phải thực hiện kỹ thuật lấy qua đường thành bụng, nếu không có kinh nghiệm không thể lấy được.
Niềm vui của các bác sĩ và gia đình cháu bé. |
Chia sẻ thêm về trường hợp đầu tiên tại Việt Nam, GS Tiến cho hay, người mẹ không có tử cung nên không bao giờ có thể mang thai song buồng trứng cũng như tinh trùng của chồng vẫn bình thường nên các bác sĩ đã thực hiện MTH.
Số hồ sơ đã được duyệt tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương hiện tại là hơn 60 ca, cả nước (tại cả 3 trung tâm) là hơn 100 ca. Những nơi như Úc, mỗi năm chỉ thực hiện khoảng 20 ca, tức Việt Nam gấp tới 4 lần.
Bản thân ông đã thuyết phục rất nhiều các cặp vợ chồng chỉ khi các bác sĩ không thể tìm được cách, mới tiến hành MTH, không tùy ý thực hiện.
Trước đây, thụ tinh ống nghiệm đã cứu cánh, khi không thành công mới thực hiện biện pháp MTH. Về chi phí, Thứ trưởng Tiến cho hay tương đương thụ tinh ống nghiệm, trung bình 60 triệu đồng mỗi ca.
Theo Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi, các cặp vợ chồng có quyền nhờ người MTH khi có đủ các điều kiện: Có xác nhận của đơn vị y tế về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi làm thụ tinh ống nghiệm; vợ chồng không có con chung; đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý. Người được nhờ MTH phải có các điều kiện: là người thân thích cùng hàng của bên vợ (hoặc bên chồng) nhờ MTH; từng sinh con và chỉ được MTH một lần; ở độ tuổi phù hợp và có xác nhận của đơn vị y tế về khả năng MTH; nếu người MTH đã có chồng thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của chồng; đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.
12 loại giấy tờ cần có để thực hiện kỹ thuật MTH:
1. Đơn đề nghị thực hiện kỹ thuật MTH theo mẫu. 2. Bản cam kết tự nguyện MTH vì mục đích nhân đạo theo mẫu. 3. Bản cam đoan của người đồng ý MTH là chưa MTH lần nào. 4. Bản xác nhận tình trạng chưa có con chung của vợ chồng do UBND cấp xã nơi thường trú xác nhận. 5. Bản xác nhận của cơ sở y tế được thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm về việc người vợ có bệnh lý nếu mang thai sẽ có nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người mẹ, thai nhi. Người mẹ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. 6. Bản xác nhận của cơ sở y tế được thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm đối với người MTH về khả năng mang thai, đáp ứng quy định đối với người nhận phôi theo quy định. 7. Bản xác nhận của UBND cấp xã hoặc người MTH, người nhờ MTH tự mình chứng minh về mối quan hệ thân thích cùng hàng trên cơ sở các giấy tờ hộ tịch có liên quan và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của các giấy tờ này. 8. Bản xác nhận của chồng người MTH (trường hợp người phụ nữ MTH có chồng) về việc đồng ý cho MTH. 9. Bản xác nhận nội dung tư vấn về y tế của bác sĩ sản khoa. 10. Bản xác nhận nội dung tư vấn về tâm lý của người có trình độ đại học chuyên khoa tâm lý trở lên. 11. Bản xác nhận nội dung tư vấn về pháp luật của luật sư hoặc luật gia hoặc người trợ giúp pháp lý. 12. Bản thỏa thuận về MTH vì mục đích nhân đạo giữa vợ chồng nhờ MTH và bên MTH theo quy định theo mẫu, phải có công chứng. |
Theo Zing