Nhiều lao động đã và đang làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc cho hay họ trốn ra ngoài làm việc bởi thu nhập cao, hết hạn không về nước vì ở Việt Nam không kiếm được công việc lao động chân tay có mức thu nhập 20-30 triệu đồng.
Thu nhập nhiều hơn
Anh Nguyễn Văn Dương (34 tuổi, quê Quốc Oai, Hà Nội) đi lao động Hàn Quốc từ năm 2006 theo Chương trình cấp phép lao động Hàn Quốc. Dương chọn Hàn Quốc bởi mức thu nhập cao, nếu chẳng may gặp rủi ro, tai nạn lao động thì các công ty Hàn Quốc hỗ trợ mức bảo hiểm khá cao. Khi mới sang, Dương làm công nhân may ghế ôtô với mức lương gần 1.000 USD mỗi tháng. Năm 2012, hết hạn hợp đồng phải về nước nhưng anh vẫn ở lại, trở thành lao động bất hợp pháp với đủ ngành nghề, từ bốc vác, lau chùi máy móc đến thợ cơ khí.
Dương cho hay, những công việc này đều không được đóng bảo hiểm xã hội, chịu rủi ro lớn nhưng thu nhập cao hơn. Khi còn làm hợp đồng trong công ty, mỗi tháng anh nhận được hơn 1.000 USD. Thời điểm kinh tế Hàn Quốc suy thoái, thu nhập giảm chỉ còn khoảng 500 USD. Nhưng khi ra ngoài làm, số tiền nhận được từ 1.700 USD trở lên.
"Cùng lao động ba năm nhưng chỗ được 500 triệu, một nơi được 200 triệu thì lẽ đương nhiên là nhìn vào nơi 500 triệu", anh nói và lý giải, chế độ đãi ngộ trong các công ty ở nước sở tại khá tốt, song có một số công ty chỉ làm giờ cơ bản, không cho làm thêm. Trong khi nhiều lao động Việt Nam thích làm ngoài giờ để kiếm thêm thu nhập nên tìm cách trốn ra làm ngoài.
Cuối năm 2015, Dương bắt buộc phải về nước trong một đợt truy quét lao động bất hợp pháp. Trên chuyến xe ra sân bay có hơn 30 lao động đến từ nhiều nước, riêng Việt Nam có 8 người. Giờ anh làm thợ cơ khí trong một công ty liên doanh gần nhà với mức thu nhập chỉ bằng ¼ so với khi còn đi làm ngoài ở Hàn Quốc.
Nhiều lao động thường đi làm có vài năm kinh nghiệm rồi trốn ra làm ngoài với thu nhập khá hơn. Trần Văn Dũng (Nghệ An) sang Hàn Quốc từ năm 2006, làm thợ tiện trong một công ty ở miền Nam nước này. Thu nhập gồm lương chính và tăng ca được 1.500 USD mỗi tháng. Hết 6 năm hợp đồng hợp pháp, Dũng chuyển ra ngoài làm công nhân đóng tàu với thu nhập 2.500 USD.
Dũng cho hay, các nhà máy địa phương, công trường xây dựng ở đây rất nhiều nên người lao động dễ tìm việc. Người chủ cần một lượng lớn nhân công nên vẫn chấp nhận thuê lao động bất hợp pháp. Công ty sử dụng lao động bất hợp pháp không phải đóng bảo hiểm y tế, xã hội, hồi hương và nhiều khoản khác. Trong khi đó, lao động Việt Nam biết phải chịu rủi ro nhưng vẫn chấp nhận làm việc vì muốn kiếm tiền.
"Bọn em làm lâu năm rồi có kinh nghiệm, biết tiếng Hàn, không mất thời gian hòa nhập như lao động mới sang nên vẫn kiếm được việc. Người bên này truyền tai nhau rằng một người hợp pháp thì khó xin nhưng 10 người bất hợp pháp thì vẫn kiếm được việc làm", Dũng nói.
Để đi xuất khẩu lao động, Dũng phải đi vay mượn số tiền khá lớn. Hai năm đầu, anh tích cóp trả nợ, năm thứ ba thì gửi tiền về sửa sang nhà cửa, dành lấy vợ, làm ăn. "Trồng cây đến ngày hái quả nên về sớm ai cũng tiếc. Làm công việc chân tay như chăn nuôi, trồng hoa, trồng rau...bên này cũng vẫn kiếm được khoảng nghìn đô, gấp đôi lương kỹ sư đại học trong nước. Về nước thì bọn em biết kiếm đâu ra công việc với mức lương đó", Dũng chia sẻ.
Tỷ lệ lao động Việt Nam hết hạn hợp đồng không về nước theo chương trình EPS tính đến hết tháng 9/2015. Nguồn: colab. |
Chính sách khoan hồng
Để hạn chế lao động bất hợp pháp, Hàn Quốc tiến hành nhiều đợt truy quét và xử lý doanh nghiệp sử dụng lao động bất hợp pháp. Chỉ 3 tháng đầu năm 2015, Phòng Điều tra di dân (Bộ Tư pháp Hàn Quốc) thống kê có 5.000 lao động bất hợp pháp bị bắt giữ, trong đó có khoảng 700 người Việt Nam. Họ cũng thắt chặt việc chi trả tiền bảo hiểm hồi hương và bảo hiểm mãn hạn xuất cảnh.
Song nếu lao động bất hợp pháp tự nguyện về nước, phía Hàn Quốc sẽ miễn giảm xử phạt, như không phải nộp tiền phạt dù thời gian cư trú bất hợp pháp ngắn hay dài, có thể tự do đăng ký về nước theo điều kiện của bản thân. Tự nguyện về nước, thời gian cấm nhập cảnh giảm xuống còn 2 năm thay vì 10 năm nếu bị bắt, còn có thể trở lại làm việc với thời gian tối đa là 4 năm 10 tháng.
Cơ quan quản lý lao động của Việt Nam cũng ban hành nhiều chính sách, như từ tháng 11/2013, buộc lao động trước khi xuất cảnh phải ký quỹ 100 triệu đồng, về đúng hạn sẽ được nhận lại số tiền này cả gốc và lãi. Nếu không thì tiền này sẽ bị phong tỏa và chuyển vào Quỹ hỗ trợ giải quyết việc làm của địa phương. Ngoài ra, Nghị định 95 phạt hành chính tối đa 100 triệu đồng với lao động không về nước. Mới đây, Nghị quyết 62 nêu rõ lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp nếu về nước đúng hạn sẽ được miễn xử phạt.
Song các chính sách trên vẫn chưa đánh bật được sức nặng của mức thu nhập trong suy nghĩ của lao động bất hợp pháp. "100 triệu tiền ký quỹ hay phạt vi phạm thì đi làm khoảng nửa năm là bù lại được. Trong khi đó, nếu ở lại vài năm thì số tiền kiếm được nhiều hơn. Làm càng lâu thu nhập càng cao", Trần Văn Thành (Bắc Giang) cho biết. Theo lao động này, những biện pháp phạt trên chỉ mới áp dụng khoảng 2 - 3 năm nay trong khi nhiều lao động đi từ trước thời điểm trên và không chịu ảnh hưởng của việc ký quỹ.
Theo hợp đồng, Thành phải về nước từ tháng 9/2015 nhưng vẫn trốn ở lại. Anh lý giải nếu về nước đúng hạn mà muốn đi tiếp thì phải chờ đăng ký hồ sơ dự tuyển đợt mới, dự kiểm tra chứng chỉ tiếng Hàn. Hiện tại, chương trình cấp phép cho lao động nước ngoài (EPS) đang tạm dừng nên về rồi rất khó để đi tiếp.
Nhiều người khi trốn ra ngoài làm hoặc hết hạn không về nước vẫn thuê nhà riêng, sinh hoạt bình thường như những lao động khác vì đã quen thuộc đường phố, nơi ở. Khi có cảnh sát truy quét thì họ tránh mặt ít ngày, hạn chế tối đa các thủ tục hành chính liên quan. Khi ốm đau, đi viện thì mượn chứng minh thư của những lao động hợp pháp là ổn.
"Cảnh sát Hàn Quốc thi thoảng mới tiến hành truy quét trong nhà xưởng, ít khi kiểm tra ở khu dân cư. Nhiều người xung quanh biết bọn em không phải là lao động hợp pháp nhưng họ không báo cảnh sát, cũng thông cảm cho mình vì miếng cơm manh áo", Thành nói và cho biết vì thế mà có những người sang Hàn Quốc 19 năm nhưng có 16 năm làm lao động bất hợp pháp mà vẫn chưa bị phát hiện, trục xuất về nước. Những trường hợp bị phát hiện thường do sinh sự đánh nhau hoặc cờ bạc, rượu chè.
'Người bên đó cần chia sẻ cơ hội với những người khác'
So với các thị trường như Đài Loan chủ yếu là lao động nữ hay Nhật Bản yêu cầu lao động có trình độ cao, tay nghề khá thì lao động xuất khẩu sang Hàn Quốc hầu hết là nam, ở trình độ phổ thông. Họ sang làm nông nghiệp, công nhân xây dựng, lắp ráp tại các nhà máy, công trường...nên tỷ lệ bỏ trốn, làm việc bất hợp pháp cũng nhiều hơn.
Theo Thứ trưởng Lao động Doãn Mậu Diệp, việc lao động bỏ trốn liên quan đến thể diện quốc gia. Lao động các nước tuân thủ luật pháp tốt, ít bỏ trốn, còn chúng ta thì quá nhiều. Lao động không chịu về nước chủ yếu do mức lương ở Hàn Quốc khá cao, thu nhập từ 25 đến 30 triệu đồng, có người lên đến 40 triệu đồng mỗi tháng.
"Lao động về nước thì kinh tế khó khăn hơn, khó có chỗ nào đảm bảo được tiền lương như thế. Nhưng vì số lao động bỏ trốn quá cao mà trong 3 năm trở lại đây có khoảng 35.000-40.000 người mất cơ hội đi Hàn Quốc. Người ở bên đó cũng cần chia sẻ cơ hội với những người khác", ông nói.
Tháng 4/2016, hiệp định lao động giữa Việt Nam và Hàn Quốc sẽ hết hiệu lực. Phía Hàn Quốc yêu cầu Việt Nam giảm tỷ lệ lao động bỏ trốn xuống dưới 30% và về lâu dài bằng các nước ở xung quanh. Đây là điều kiện quan trọng để tiến tới ký Biên bản ghi nhớ bình thường về hợp tác lao động giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Hiện hai bên chưa đàm phán lại và nếu không giảm được tỷ lệ lao động bỏ trốn thì sẽ rất khó ký tiếp hiệp định.
Việt Nam đang "dẫn đầu" 15 nước phái cử lao động tại thị trường Hàn Quốc về tỷ lệ lao động bất hợp pháp với 32%, trong khi các nước bình quân từ 15 đến 17%. Theo thống kê, 15 địa phương có số lao động bỏ trốn chiếm đến 85% lao động bất hợp pháp của Việt Nam tại Hàn Quốc. Dẫn đầu là Nghệ An với hơn 1.450 người, Hà Nội 940, Hải Dương 850, Thanh Hóa 820 người... Địa phương thấp nhất là Hải Phòng với 245 người.
Năm 1993, Việt - Hàn bắt đầu chương trình hợp tác cung ứng và sử dụng lao động giữa hai nước, triển khai dưới 3 hình thức: chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (EPS); lao động làm việc trên các tàu đánh cá của Hàn Quốc và lao động có trình độ tay nghề kỹ thuật cao (chương trình Thẻ Vàng). Năm 2012, Hàn Quốc ngừng tiếp nhận lao động Việt Nam do có quá nhiều người bỏ hợp đồng ra ngoài làm việc, hoặc hết hợp động mà không về nước. Năm 2013, Hàn Quốc tiếp nhận lại lao động Việt Nam nhưng ở mức hạn chế, cho đến tháng 4/2015 mới tiếp nhận lại với mức lớn hơn. Hiện, chương trình EPS cung ứng lao động đi Hàn Quốc nhiều nhất cũng đang bị gián đoạn bởi số lao động hết hạn không về nước khá cao, trên 15.000 người. |
Theo VNE