Phát hiện 500 cá thể voọc quý hiếm ở Tây Nguyên

Thứ sáu, 04/03/2016, 08:54
Đại diện tổ chức Bảo tồn động thực vật hoang dã quốc tế (FFI) đánh giá, loài linh trưởng này không thể tìm thấy ở nơi nào khác, ngoài Việt Nam.

Sau khi phát hiện 500 cá thể loại voọc chà vá chân xám quý hiếm ở Kon Tum, tổ chức Bảo tồn động thực vật hoang dã quốc tế (FFI) đã tổ chức một cuộc khảo sát.

Ngày 3/3, đơn vị này cho biết, con số này gần bằng gấp đôi quần thể hiện được biết đến trên thế giới. Chà vá chân xám là loài linh trưởng đẹp và được ít người biết.

Trước khi thực hiện khảo sát, tổ chức Bảo tồn động thực vật hoang dã quốc tế ước tính có khoảng 800 -1.000 cá thể còn sót lại và loài này được coi là một trong số 25 loài linh trưởng nguy cấp nhất trên thế giới.

Ông Trịnh Đình Hoàng - Trưởng đoàn khảo sát chia sẻ: "Thật sự rất vui khi phát hiện ra một trong những quần thể quý hiếm nhất Việt Nam".

Loài voọc chà vá chân xám vừa được phát hiện ở rừng già Tây Nguyên. Ảnh: FFI.

Chà vá là nhóm linh trưởng gồm có ba loài: chà vá chân xám, chà vá chân nâu và chà vá chân đen. Chúng sống trên cây trong các khu rừng của Việt Nam theo đàn từ 4-30 cá thể. Các loài chà vá đều có đuôi dài bằng chiều dài cơ thể (56-76cm) và chà vá chân xám có một khuôn mặt vàng, cằm trắng, và lớp lông màu xám bao phủ hầu hết cơ thể. Chà vá chân xám là loài chủ yếu ăn lá nhưng cũng ăn các bộ phận khác của cây như hạt, trái cây, và hoa. Chúng có dạ dày chuyên hoá và vi khuẩn cộng sinh nên có thể phá vỡ các cấu trúc của lá.

Ông Benjamin Rawson - Giám đốc FFI Việt Nam thừa nhận, loài linh trưởng này không thể tìm thấy ở nơi nào khác, ngoài Việt Nam. "Quần thể mới này mang đến hy vọng cho chúng ta, nhưng cũng thật đáng buồn là chúng đang bên bờ vực tuyệt chủng. Tổ chức FFI đang nỗ lực hết sức để ngăn chặn điều này", ông Benjamin Rawson nói.

Vị giám đốc FFI Việt Nam cho rằng để bảo vệ loài chà vá chân xám này cần có sự nỗ lực từ nhiều phía trong đó có Chính phủ, cộng đồng địa phương, tổ chức xã hội dân sự, các nhà khoa học...

FFI có dự án tại 40 nước trên khắp thế giới, bảo vệ các loài khỏi nạn tuyệt chủng và ngăn chặn việc phá hủy môi trường sống, đồng thời cải thiện sinh kế của người dân địa phương. Được thành lập vào năm 1903, FFI là một trong những tổ chức bảo tồn lâu đời nhất trên thế giới.

FFI đã hoạt động tại Việt Nam từ năm 1997, tập trung chủ yếu vào bảo tồn các loài linh trưởng bản địa của Việt Nam thông qua quan hệ đối tác với các cơ quan chính phủ và cộng đồng địa phương.

Theo Zing

Các tin cũ hơn