Vụ xe Camry gây tai nạn: Thấy chết không cứu vì vô cảm hay sợ hãi?

Thứ sáu, 04/03/2016, 08:04
"Có thể họ vốn là những người tốt và từng làm nhiều việc thiện, nhưng trong vụ tai nạn này họ thấy người chết mà không cứu... Tôi cho rằng một số người đã vô cảm, một số người vì sợ hãi và phiền hà...", Ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia lý giải.

Phóng viên: Lời tự sự của nhân chứng cho biết rất nhiều người lái xe đi qua nhưng không dừng lại đưa người bị nạn đi cấp cứu. Dư luận bức xúc và lên án đó là hành động vô nhân đạo và độc ác, bởi nếu như một trong những chiếc xe đó dừng lại thì biết đâu cháu bé đã sống sót? Ông nghĩ gì về vấn đề này?

Ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia: Đây là vấn đề văn hóa nói chung, là đạo đức của con người ứng xử trong vụ tai nạn thương tâm này. Trong tâm khảm ai cũng nghĩ rằng còn nước còn tát và ai cũng sẽ nghĩ rằng nếu có xe dừng lại kịp thời để đưa đi cấp cứu thì cháu bé sẽ sống. Đó là niềm tin vào cuộc sống của mọi người.

Không gì có thể lớn hơn tính mạng con người và việc không dừng xe cứu giúp người gặp nạn là những hành động đáng trách. Nếu là tôi thì tôi sẽ dừng xe lại, khi thử đặt mình vào vị trí của những người lái xe đi qua hiện trường thì tôi tin rằng hầu hết họ đều muốn cứu người. Nhưng thực tế là họ đã không đưa cháu bé đi cấp cứu, có thể họ có những nỗi sợ ám ảnh, dù họ áy náy nhưng họ vẫn quyết định không dừng xe.

Ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia

Theo lời của một cô giáo trường Tiểu học Ngọc Lâm (trường học của bé Gia Hân) là nhân chứng của vụ việc kể lại trên trang cá nhân của mình, khi được cầu cứu đã có người dừng xe nhưng rồi họ lại bỏ đi. Trong tình huống cấp bách như vậy, khi tính mạng con người nằm trong tay họ mà họ còn đắn đo, tính toán, phải chăng nỗi đau ấy chưa thấu đến lương tâm của họ?

Trong trường hợp này họ thực sự đáng trách. Ở đây là kỹ năng ứng xử. Không phải là họ không muốn dừng xe cứu người bị nạn mà vì họ sợ hãi, họ cũng nghĩ mình không dừng thì sẽ có người khác dừng.

Họ sợ phiền, sợ rằng tham gia vào một vụ việc thì họ sẽ bị liên quan, sợ phải làm chứng, phải gặp cơ quan công an; có người lại mê tín sợ rằng người bị nạn sẽ chết trên xe của mình; có người nghĩ rằng đưa đi cấp cứu rồi đến bệnh viện họ bị giữ lại, thậm chí bị người nhà của nạn nhân hiểu nhầm là người gây tai nạn và hành hung…

Có thể họ vốn là những người tốt và từng làm nhiều việc thiện, nhưng trong vụ tai nạn này họ thấy người chết mà không cứu. Tôi cho rằng một số người đã vô cảm, một số người vì sợ hãi và phiền hà, dù là lý do nào thì việc họ bỏ mặc người bị nạn là vô cùng đáng trách và đáng bị lên án.

Nhưng lời kể của cô giáo là đã yêu cầu lực lượng chức năng có mặt ở đó đưa cháu bé đi cấp cứu nhưng họ trả lời phải giữ nguyên hiện trường chờ Cảnh sát giao thông đến. Ông nhìn nhận việc này như thế nào?

Tôi cho rằng họ đã làm đúng quy trình nhưng họ không có kinh nghiệm, không có kỹ năng xử lý tình huống cấp bách là đưa người đi cấp cứu trước, nói nghiêm túc thì có thể họ nghĩ cháu bé đã qua đời.

Trong tình huống này, với tư cách là một người quan sát thì chúng ta dễ cảm thấy bức xúc khi lực lượng công an phường quan trọng việc bảo vệ hiện trường mà không lập tức tìm cách đưa người bị nạn đi cấp cứu, nhưng với tư cách là người thực thi nhiệm vụ thì chúng ta sẽ thấy họ đã làm đúng chức năng.

Hiện trường vụ tai nạn do xe Camry gây ra khiến 3 người thiệt mạng hôm 29/2

Về góc độ pháp lý, việc cứu người bị nạn khi tham gia giao thông được qui định thế nào, chế tài xử phạt ra sao, thưa ông?

Trong Luật Giao thông đường bộ có quy định người tham gia giao thông phải cứu người bị nạn gặp trên đường, có cả chế tài xử phạt. Theo Luật, công an, cảnh sát có quyền yêu cầu một người bất kỳ có khả năng hỗ trợ cứu nạn trong những trường hợp khẩn cấp.

Nghị định 171 quy định xử phạt trong lĩnh vực giao thông đường bộ cũng quy định rất rõ, nếu gặp người bị nạn trên đường mà không cứu sẽ bị phạt từ 500.000 - 1 triệu đồng với cá nhân và phạt từ 1 triệu - 2 triệu đồng đối với tập thể. Tuy nhiên, có những người cho rằng sẵn sàng chịu phạt.

Kỹ năng cứu người bị nạn như thế nào là phù hợp đối với người tham gia giao thông khi gặp những trường hợp tương tự, thưa ông?

Chúng ta cần có sự đồng cảm với những người không may gặp tai nạn và tâm niệm rằng tai nạn giao thông có thể xảy ra với bất cứ ai, có thể đó là người thân, bạn bè, đồng nghiệp của chính mình. Vì vậy, theo tôi mọi người tham gia giao thông, đặc biệt là các lái xe cần trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết đủ để hiểu biết về việc cứu người và kêu gọi mọi người cùng tham gia cứu người.

Trang bị cho mình những kỹ năng sơ cứu cơ bản cho người bị tai nạn giao thông. Trên xe nên có túi cứu thương để có thể thực hành sơ cứu. Hãy kêu gọi mọi người chứng kiến hỗ trợ và bảo vệ hiện trường; Báo cho công an nơi gần nhất; gọi cấp cứu 115 hoặc bệnh viện nơi gần nhất… Dùng điện thoại di động để chụp ảnh, quay phim ghi lại hiện trường vụ việc.

Ngoài ra, cách hành xử, thái độ của người thực thi công vụ tại hiện trường, của cơ quan điều tra thu thập chứng cứ vụ án… với người cứu giúp người bị nạn, với nhân chứng cần có sự bảo vệ cho họ, như: Phải có ngay một sự xác nhận (bằng văn bản, hay lời nói) về hành động cứu giúp người bị nạn. Nếu không có văn bản thì cần nói to, rõ tại hiện trường vụ việc để mọi người có mặt cùng biết…

Xin cảm ơn ông!

Theo Dân Trí

Các tin cũ hơn