Nhức nhối an toàn thực phẩm: Bộ trưởng hứa chặn từ gốc

Thứ sáu, 04/03/2016, 09:48
Tại Hội nghị trực tuyến về vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) diễn ra ngày 3/3, như bao cuộc họp trước, Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát tiếp tục nhấn mạnh với những từ mạnh mẽ: Sẽ tập trung “đánh” đột xuất, tận gốc bốn nhóm chính là chất cấm, kháng sinh, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật… Không biết sau phát biểu này, thịt lợn chứa chất tạo nạc; rau, củ, quả “bẩn”; phân bón giả… có giảm?  
Năm 2016 sẽ xếp loại các địa phương về an toàn thực phẩm

Hám lợi nên bỏ độc vào thực phẩm

Theo Bộ NN&PTNT, qua đợt cao điểm thanh kiểm tra về ATTP, phát hiện hàng loạt vụ việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Theo đó, Thanh tra Bộ này đã phối hợp với Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (C49, Bộ Công an) phát hiện xử lý 13 công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi (TACN) vi phạm về chất cấm. Trong đó, đã xử phạt vi phạm hành chính, thu hồi, tiêu hủy các sản phẩm vi phạm của 11 công ty. Một số cá nhân, công ty vi phạm đang trong quá trình điều tra, củng cố hồ sơ, chờ kết quả xử lý.

Đặc biệt, cơ quan chức năng đã phát hiện một số công ty sản xuất cám có chất cấm, như: Cty TNHH Trường Phú (Hải Dương), Cty TNHH Thịnh Đức (Bắc Giang) sử dụng Salbutamol (chất tạo nạc) và Auramine (chất tạo màu công nghiệp). Cty CP Đầu tư Phát triển Tiên Phong (Hưng Yên) sử dụng Salbutamol, Cty TNHH Hà Hưng (Hưng Yên) có sử dụng Auramine. Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng phát hiện một số thùng chứa chất tạo màu công nghiệp chưa sử dụng tại Tập đoàn Minh Tâm (Bắc Ninh); 11 thùng chứa Auramine đã sử dụng tại Cty TNHH Thăng Long (Hưng Yên)…

Cơ quan chức năng cũng bí mật trinh sát, lấy mẫu kiểm tra và phát hiện nhiều vi phạm tại các Cty sản xuất TACN. Tại Quảng Ninh, phát hiện, bắt giữ 6 tấn TACN của Cty Thiên Nam (ở Bắc Ninh) được gia công tại Cty TNHH Hải Thăng, chứa Salbutamol vượt mức cho phép tới 63 lần. Còn tại Điện Biên, PC49 và Sở NN&PTNT tỉnh này cũng phát hiện 30 gói bột màu trắng (có 20 gói loại 1 kg, không có nhãn) tại một cơ sở kinh doanh TACN và phát hiện có hàm lượng chất cấm cao…

Theo ông Nguyễn Văn Việt, Chánh Thanh tra Bộ NN&PTNT, sau một thời gian “làm mạnh”, các đối tượng kinh doanh, sử dụng chất cấm đã “lui” dần. Những nguồn Salbutamol tuồn ra ngoài thị trường cơ bản đã “cất” vào kho. Ông Việt cho biết, hiện Bộ NN&PTNT cấm sử dụng chất Salbutamol trong nông nghiệp. Tuy nhiên, Bộ Y tế lại cho phép nhập khẩu chất trên về làm thuốc chữa bệnh cho người, một số cơ sở đã lợi dụng, tuồn thuốc ra ngoài, trong đó có cấp cho nông nghiệp.

Ông Việt cũng cho biết, giá nhập khẩu gốc chỉ khoảng 1,5-1,6 triệu đồng/kg Salbutamol, nhưng qua nhiều khâu, khi đến tay người sử dụng, giá loại “bột trắng” này hơn tới 15 triệu đồng/kg, lãi gấp 10 lần. Chưa kể, một con lợn, sau khi dùng chất Salbutamol, mức lãi có thể lên đến tới 1 triệu đồng/con lợn, thậm chí cao hơn, nên nhiều người hám lợi, vẫn phạm pháp. “Thậm chí, có những công ty khi tiếp thị cám, kèm theo chất cấm tới tận chuồng trại”- ông Việt nói.

Theo đại diện C49, chất cấm hiện đã len lỏi, được đưa lên tận miền núi, vùng sâu, vùng xa, nơi quy mô sản xuất nhỏ lẻ. Họ sử dụng “chiêu” khuyến mại, không bán mà quảng bá “bung đùi, nở vai” hỗ trợ tận nơi. Hộ nào dùng “bột trắng” sẽ mua lợn với giá cao hơn. Tuy nhiên, theo vị này, một cửa hàng ở nông thôn, họ bán cả thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc trừ sâu... Những cửa hàng loại này, khi vào kiểm tra cũng rất nan giải, vì liên quan nhiều quy định.

Hô phải truy, ai làm?

“Hiện việc truy xuất nguồn gốc là yếu nhất. Chẳng hạn, khi TP.HCM phát hiện ra lợn có chứa chất cấm, nhưng khi gửi kết quả cho các tỉnh (cung cấp lợn) thì triển khai truy xuất rất chậm”, ông Việt nói. Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám, năm 2016 sẽ xếp loại các địa phương về ATTP. Trong đó, tổ chức điều tra xã hội học, tham khảo ý kiến của người tiêu dùng những vấn đề liên quan đến ATTP.

Về vấn đề trên, ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở NN&PTNT TP.HCM cho rằng: “Tôi có cảm giác, các tỉnh khoán trắng cho TP.HCM nên anh em thú y rất vất vả”. Theo ông này, hiện vấn đề bất cập là chưa có quy định tạm giữ lô hàng trong quá trình chờ xét nghiệm chất cấm. “Khi phát hiện thấy lô hàng vi phạm, chúng ta chỉ có thể phạt tiền, còn hàng đôi khi đã bán hết sạch rồi”- ông Trung nói. Trong đợt cao điểm vừa qua, TP.HCM đã lấy khoảng 1.400 mẫu nước tiểu lợn tại các lò mổ và phát hiện khoảng 10% số mẫu dương tính với chất cấm. Nguồn lợn được lấy mẫu thử chủ yếu đến từ Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa-Vũng Tàu…

“Tôi không hiểu vì sao các địa phương lại bảo vệ cơ sở sản xuất làm hại sức khỏe hàng vạn người dân? Điều đó không thể chấp nhận, không nên dung thứ. Họ coi thường tính mạng người dân và vi phạm pháp luật”.

Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát

Theo Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát, với chất cấm không chỉ làm ở phần ngọn, mà phải truy tận gốc. Ông Phát nói: “Từ chuồng trại, lò mổ, phải truy ra cơ sở, nhà máy sản xuất cám nào, ai là đơn vị nhập khẩu chất cấm, cung cấp, tuồn chất đó, để ngăn chặn tận nơi…Chúng ta đã thống kê tất cả trang trại chăn nuôi lợn thịt trong nước, các địa phương có kế hoạch giám sát; chứ không làm vu vơ, ngẫu hứng”.

Ông Phát cho biết, trong chăn nuôi và thủy sản đang có tình trạng lạm dụng kháng sinh. “Ăn nhiều kháng sinh sẽ bị nhờn và khi nhờn sẽ rất khó chữa bệnh. Vấn đề này thì các chuyên gia trong nước cũng nói nhiều; nhiều lô hàng xuất khẩu của chúng ta cũng bị cảnh báo, trả về… Trong 4 tháng tới, cũng làm mạnh như chất cấm, làm tận gốc”.

Về thuốc bảo vệ thực vật, ông Phát nói: “Thuốc kém, giả từ đâu? Hơn 100 nhà máy sản xuất trong nước, chúng ta có thể giám sát được, còn nhập lậu thì phải làm sao. Tôi đi kiểm tra cũng như những báo cáo đến tay tôi, các loại thuốc giả, kém chất lượng, độc hại phần lớn là từ nhập lậu”. Ông Phát yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ phải giám sát, mạnh tay xử lý thuốc giả, kém chất lượng, độc hại, kinh doanh trái phép. “Chúng tôi sẽ làm việc với Bộ Công an, Công Thương để tìm giải pháp với các nhóm đối tượng trên”, ông Phát nói.

Theo Tiền Phong

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích