Vụ việc xảy ra gần quần đảo Natuna của Indonesia ở phía Nam Biển Đông |
Một cuộc đối đầu căng thẳng đã xảy ra giữa Bắc Kinh và Jakarta ở Biển Đông, khi tàu hải cảnh của cả hai bên va chạm vì một tàu cá của Trung Quốc hoạt động trái phép.
Bộ trưởng Ngư nghiệp của Indonesia cho hay, Indonesia đang cố gắng bắt giữ một tàu Trung Quốc đánh bắt phi pháp trong vùng biển gần Biển Đông thì một tàu hải cảnh của Trung Quốc can thiệp.
TờJakarta Globe đưa tin, các quan chức của lực lượng bảo vệ bờ biển Indonesia ngày 19/3 đã lên một tàu cá của Trung Quốc hoạt động tại vùng biển cách quần đảo Natuna 4,34km và hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Jakarta.
Tám thủy thủ trên tàu Kway Fey 10078 đã bị bắt, nhưng sau đó một tàu hải cảnh Trung Quốc can thiệp và đẩy tàu cá này trở lại vùng biển quốc tế.
Indonesia đã không phản ứng trực tiếp đối với hành động khiêu khích trên, nhưng bày tỏ lo ngại và sẽ triệu tập đại sứ Trung Quốc tới để làm rõ về các hành động của nước này.
“Chúng tôi sẽ triệu tập đại sứ Trung Quốc tới để thảo luận về vụ việc. Trong khi Indonesia đang trong quá trình bắt giữ con tàu thì một cuộc đối đầu đã xảy ra. Chúng tôi phải bảo vệ chủ quyền của mình”, bà Pudjiastuti nói.
Bộ trưởng Pudjiastuti cho hay bà tin rằng hải cảnh Trung Quốc đã ngăn tàu cá nước này, vốn đang bị kéo đi, để đề phòng việc đánh chìm tàu.
Trung Quốc phát ngôn không nhất quán?
Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông dựa trên cái gọi là “đường 9 đoạn” hay “đường lưỡi bò”, chồng lấn lên các vùng biển của Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei.
Indonesia không có tranh chấp với Trung Quốc về Biển Đông, nhưng Jakarta rất bất bình trước yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc chồng lấn lên một phần thuộc quần đảo Natuna của Indonesia và gọi yêu sách này là không có cơ sở pháp lý.
Tuy nhiên, tại cuộc họp báo hồi tháng 11/2015, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi khẳng định, Indonesia không có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông và Trung Quốc cũng không phản đối chủ quyền của Indonesia đối với quần đảo Natuna ở vùng biển này.
“Điều mà chúng tôi sẽ yêu cầu đại sứ Trung Quốc làm rõ là nếu họ nói “đường lưỡi bò” không bao gồm quần đảo Natuna thì tại sao hoạt động đánh bắt trái phép vẫn diễn ra ở đó”, Bộ trưởng Pudjiastuti nói.
Bộ Ngoại giao Indonesiadự kiến sẽ triệu mời đại sứ Trung Quốc vào hôm nay, 21/3.
Trong khi đó, Trung Quốc lại lớn tiếng phản ứng với vụ tàu cá trên bằng cách tuyên bố rằng khu vực xảy ra vụ việc là “một ngư trường đánh bắt truyền thống của Trung Quốc”.
“Tàu cá Trung Quốc đang hoạt động bình thường thì bị một tàu có vũ trạng của Indonesia truy đuổi. Chúng tôi hy vọng phía Indonesia giải quyết thỏa đáng vụ việc, xem xét bức tranh tổng thể quan hệ giữa hai nước”, phát ngôn viên Đại sứ quán Trung Quốc ở Jakarta Xu Hangtian nói.
Bắc Kinh trước đó đã bày tỏ lo ngại sau khi Indonesia phá hủy một tàu cá Trung Quốc bị bắt giữ hồi năm ngoái.
Jakarta chưa đưa ra phản ứng chính thức. Nhưng Bộ trưởng Pudjiastuti khẳng định: “Chúng tôi muốn tránh một vụ việc nghiêm trọng hơn nhiều, vì vậy chúng tôi chỉ bắt giữ 8 thuyền viên. Tàu cá đã bị kéo đi nhưng chúng tôi có 8 người bị bắt giữ ở đây để giúp Indonesia điều tra vụ việc này”.
Theo Dân Trí