Hiện trường vụ sà lan đâm sập cầu Ghềnh trưa 20/3 |
Theo anh Phan Tiến Dũng, Cung trưởng Cung chắn Biên Hòa 2, lúc 11h38 phút ngày 20/3, anh Dũng nhận lệnh đóng chắn đón tàu hàng 2542 xin đường qua cầu Ghềnh, sau khi nhận xin đường, anh Dũng cùng hai nhân viên cùng ca trực ra ngoài đường sắt kiểm tra lại an toàn một lần nữa.
“Khi nhận lệnh đóng chắn để cho tàu hàng qua cầu Ghềnh, tôi có linh cảm gì đó không yên tâm lắm nên cùng hai đồng nghiệp ra kiểm tra một lần nữa. Tự dưng lúc đó, tôi nhìn về phía Bắc (phía cầu Ghềnh) thì phát hiện một người dân ở phía xa đang chạy về phía chúng tôi như muốn thông báo một điều gì đó rất khẩn cấp. Lúc này tôi bảo anh Ngô Việt Phái (nhân viên gác chắn) cầm cờ đỏ chạy lại chỗ người dân kiểm tra xem có chuyện gì, đồng thời tôi cũng nói anh Phạm Tiến Dũng (cũng là nhân viên gác chắn) cầm cờ đỏ chạy về hướng đoàn tàu hàng đang đến. Do đoạn đường này bị cong, khuất tầm nhìn nên tôi đứng giữa, ở vị trí có thể quan sát ở cả hai đầu để làm cầu nối” – Cung trưởng Cung chắn Biên Hòa 2 Phan Tiến Dũng kể lại.
Đoạn đường sắt bị cua, khuất tầm nhìn nên các nhân viên gác chắn phải chia vị trí để quan sát. |
Cũng theo anh Dũng, khi anh Phái chạy đến và phát hiện cầu Ghềnh đang bị sà lan kéo sập thì lập tức giơ cờ đỏ báo hiệu. Anh Dũng nhìn thấy và ra hiệu cho anh Phạm Tiến Dũng dừng khẩn cấp đoàn tàu chở hàng. Lúc này, đoàn tàu chỉ cách cầu Ghềnh khoảng 200m. Sau khi tàu dừng, anh Phan Tiến Dũng đã cấp báo cho các ban ngành, đơn vị liên quan theo đúng quy trình và có phương án xử lý khẩn cấp đối với các đoàn tàu khác có lịch trình sắp qua khu vực này.
Anh Phan Tiến Dũng tâm sự: “Anh em ca trực đã làm hết trách nhiệm, kịp thời thông báo sự cố đến đoàn tàu chở hàng là nhiệm vụ của chúng tôi, rất may là không xảy ra sự cố đáng tiếc nào. Chỉ tiếc là tuyến đường sắt huyết mạch này đã bị đứt ngang sẽ gây ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng đến giao thông. Thời điểm xử lý vụ dừng đoàn tàu chở hàng tôi cũng rất hoang mang nhưng phải cố gắng bình tĩnh sao cho hiệu quả nhất”.
Được biết, tại thời điểm xảy ra vụ tai nạn, tàu hàng mang số hiệu 2542 đang chạy trong khu gian Biên Hòa – Dĩ An, tốc độ tàu cho phép qua khu gian này từ 40-50km/h.
Một đoàn tàu chở hàng đã được ngăn chặn kịp thời cách cầu Ghềnh khoảng 200m, đúng thời điểm cầu Ghềnh bị kéo sập |
Trước đó, khoảng 11h30 phút trưa 20/3, một tàu kéo sà lan từ hạ nguồn đi lên thượng nguồn sông Đồng Nai, khi đi qua cầu Ghềnh đã đâm gãy một móng cầu khiến 2 nhịp sập xuống sông. Thời điểm cầu sập có nhiều xe máy đang lưu thông trên cầu, may mắn các nạn nhân kịp thời bám vào thành cầu, chạy lên thoát nạn.
Sau sự cố xảy ra, lực lượng chức năng đã vào cuộc điều tra và xác định, chủ phương tiện là bà Nguyễn Thu Hồng (quê Tiền Giang, hiện ngụ TPHCM). Tại thời điểm xảy ra vụ việc, trên chiếc sà lan chở khoảng 800 tấn cát, sỏi từ tỉnh Long An về hướng Đồng Nai do tài công Nguyễn Văn Thưởng (quê Tiền Giang) điều khiển. Thời điểm này, trên sà lan có khoảng 3 – 4 người.
Tối ngày 20/3, Đại tá Nguyễn Văn Thọ, Trưởng phòng tham mưu Công an tỉnh Đồng Nai cho biết, công an tỉnh đang hoàn tất thủ tục để khới tố vụ án sà lan đâm sập cầu Ghềnh. “Hành vi đã rõ ràng nên công an sẽ khởi tố để điều tra về hành vi “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy gây hậu quả nghiêm trọng”. Chúng tôi sẽ chuyển hồ sơ sang Viện KSND Đồng Nai để hoàn tất quyết định khởi tố. Hiện tại, ưu tiên hàng đầu vẫn là cứu hộ và khắc phục sự cố”, Đại tá Thọ nói.
Tối cùng ngày, tổ công tác đặc biệt do Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông làm trưởng đoàn đã làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai. Đoàn cũng đã đến hiện trường để thị sát tình hình, tìm giải pháp khắc phục. Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho rằng: “Đây là một vụ tai nạn rất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an toàn giao thông đường thủy và đặc biệt gây thiệt hại lớn đến vận tải đường sắt”.
“Hậu quả vụ tai nạn rất lớn nên công tác khắc phục không thể ngày một ngày hai là xong. Bộ sẽ chỉ đạo cho lực lượng chức năng trực thuộc xây dựng phương án khắc phục, trước hết là trục vớt dầm cầu, trụ cầu bị sà lan đâm gãy, sập. Sau đó là xây dựng phương án phân luồng giao thông đường thủy rồi tiến hành khôi phục lại các trụ cầu này. Phải có điều tra để xem mức độ thiệt hại bao nhiêu, việc khắc phục lại trụ cầu, có sử dụng lại các vật liệu trục vớt hay không để lên phương án. Chắc chắn là thời gian đòi hỏi gấp gáp nhưng cũng phải từ 3 đến 5 tháng mới xong được”, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông khẳng định.
Theo Dân Trí