Không nên sạ lúa hè thu khi Trung Quốc xả nước!

Thứ bảy, 19/03/2016, 11:10
"Không nên khuyến khích sạ lúa hè thu trước thông tin xả đập từ Trung Quốc" - đó là khuyến cáo của nhiều chuyên gia khi trao đổi với PV trước sự kiện có nhiều cán bộ nông nghiệp và nông dân ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang chuẩn bị đất và mạ để gieo trồng vụ lúa hè thu vì tin chắc là Trung Quốc xả nước thủy điện sẽ đẩy lùi được hạn, mặn.

Trao đổi với PV vào sáng nay 19-3, PGS.TS Lê Anh Tuấn, Phó giám đốc Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Đại học Cần Thơ) cho biết: “Căn cứ vào diễn biến thuỷ văn ở các trạm đo các ngày trước, vẽ lên biểu đồ Excel, ta cũng có thể biết thời gian truyền nước từ trạm Chiang Sean về đến Tân Châu là 17 ngày, đến Châu Đốc là 18 ngày. Do phía Trung Quốc không cung cấp số liệu thuỷ văn ở trạm Cảnh Hồng (Jinghon) nên từ đây có thể ước đoán lượng nước xả từ thuỷ điện Cảnh Hồng về đến biên giới Việt Nam - Campuchia khoảng 21 ngày, và đến các vùng ven biển sẽ mất thêm 3-4 ngày nữa”.

Biểu đồ diễn biến thuỷ văn trên sông Mekong từ Chaing Sean đến Tân Châu và Châu Đốc.

Cung cấp cho chúng tôi biểu đồ xả nước đợt 3 này (xem biểu đồ hình 1), PGS. TS Lê Anh Tuấn nhận định: “Biểu đồ cho thấy việc xả nước từ thuỷ điện Cảnh Hồng không có tác dụng làm gia tăng mực nước ở đầu nguồn sông Tiền và sông Hậu tại Tân Châu (Đồng Tháp) và Châu Đốc (An Giang)”.

“Tôi vừa xem số liệu mực nước trạm Chiang Sean ngày 18-3 thì lại thấy mực nước đang giảm, chứng tỏ Trung Quốc không xả nước liên tục. Việc xả nước này cũng không phải là tăng cường cho ĐBSCL vì những ngày trước đó Trung Quốc có xả nước nhiều hơn để phát điện (xem hình 2). Nói cách khác, thực tế là Trung Quốc chỉ xả cầm chừng và gián đoạn. Với kiểu xả nước như vậy thì mục tiêu xả nước cứu hạn cho ĐBSCL sẽ mang tính "chính trị" nhiều hơn ý nghĩa chống hạn mặn”, PGS.TS Lê Anh Tuấn nhấn mạnh.

Biểu đồ xả nước theo dõi mực nước tại trạm Chaing Sean. Nguồn: Trạm Quan trắc thủy văn ĐBSCL

TS Dương Văn Ni, Trưởng Bộ môn Quản lý môi trường (khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên - Đại học Cần Thơ), trả lời email với chúng tôi, phân tích: “Chế độ thủy văn của sông Mekong là khi có nguồn nước (nước mưa, nước tan băng) thì nó sẽ bão hòa các tầng đất khô, lấp đầy các vùng trũng phía thượng nguồn trước khi chảy nhiều về phía hạ lưu. Ai cũng biết là đầu mùa mưa, nước sông Mekong chủ yếu chảy vào Biển Hồ, một số rất ít chảy xuống ĐBSCL, đến khi gần cuối mùa mưa thì Biển Hồ đã chứa đầy nước và lúc này lượng nước trên sông Mekong mới chảy nhiều về ĐBSCL”.

TS Dương Văn Ni cho biết tiếp: “Vì vậy, giả sử hiện nay Trung Quốc có xả một lượng nước đủ lớn như là vào đầu mùa mưa, thì lượng nước này cũng sẽ chảy vào các vùng trũng (wetlands) ở phía thượng nguồn trước, trong đó có Biển Hồ, và chỉ một ít chảy xuống ĐBSCL thôi”.

“Việc Trung Quốc sốt sắng xả nước thủy điện là một động thái tích cực của nước láng giềng, nhưng chúng ta không nên trông đợi lượng nước đó sẽ cứu hạn, mặn cho ĐBSCL, để tránh những quyết định chưa chính xác”, TS Dương Văn Ni khuyến cáo.

Hiện nay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị ngày 17-2 với các tỉnh ĐBSCL về ứng phó với hạn, mặn. Trong đó, giải pháp trước mắt với cây lúa, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đồng ý với ngành nông nghiệp là lùi thời hạn gieo sạ vụ hè thu tới đầu mùa mưa; ngoài ra, nơi nào không có đủ nước ngọt thì không nên làm lúa và ở những vùng ven biển chỉ nên tập trung nuôi trồng thủy sản.

Theo TB KTSG

Các tin cũ hơn